Nguyên nhân sâu xa khiến Ấn Độ “vỡ trận” trong cuộc chiến chống Covid-19
VOV.VN - Tâm lý chủ quan và quá trình tư nhân hóa y tế được xem là các nguyên nhân chủ chốt khiến Ấn Độ đang phải đối mặt với thảm họa Covid-19 lớn nhất thế giới.
Người dân Ấn Độ đang tỏ ra thất vọng trước chính quyền trung ương trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19. Bệnh viện này thì hết giường, bệnh viện khác lại thiếu oxy...
13 tháng sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố rằng thế giới đang ở giữa một đại dịch, chính quyền Ấn Độ vẫn phản ứng khá thụ động và chứng kiến làn sóng dịch bệnh thứ 2 và thứ 3 đổ bộ lên người dân nước này.
Riêng ngày 21/4/2021 vừa rồi, Ấn Độ ghi nhận tới 315.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 (gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19) trong 24 tiếng đồng hồ. (Còn nếu tính tổng cộng thì Ấn Độ có tới 17 triệu ca nhiễm – ND). Đây là con số cực cao. Trong khi đó, Trung Quốc có tổng cộng chưa tới 100.000 ca nhiễm virus này.
Sự gia tăng đột biến này liên quan đến 3 yếu tố: 1- Các biến thể mới của SARS-CoV-2; 2- việc chưa tiêm chủng vaccine cho diện rộng cần thiết; và 3- việc chưa quản lý hiệu quả các tương tác xã hội (bao gồm 3 triệu người hành hương tới lễ hội Kumbh Mela năm nay).
Phản ứng thụ động, chủ quan
Nhân tố thứ 3 nói trên nổi bật hơn hẳn. Trông khắp địa cầu thì thấy hễ nước nào mà xem nhẹ các cảnh báo của WHO đều hứng chịu những đợt hoành hành tệ hại nhất của Covid-19.
Hồi tháng 2/2020, WHO đã yêu cầu chính phủ các nước bảo đảm (1) các quy tắc vệ sinh cơ bản – rửa tay, giãn cách, đeo khẩu trang, rồi sau đó họ đề xuất (2) xét nghiệm Covid-19, truy vết các tiếp xúc, và cách ly xã hội.
Bộ khuyến nghị thứ nhất không đòi hỏi nhiều nguồn lực. Chẳng hạn, chính phủ Việt Nam đã thực hiện rất nghiêm túc các khuyến nghị đó và làm giảm đà lây lan của căn bệnh này ngay tức khắc.
Trong khi đó, chính phủ Ấn Độ hành động chậm hơn dù đã có bằng chứng về sự nguy hiểm của bệnh viêm đường hô hấp cấp này. Vào ngày 10/3/2020, trước khi WHO công bố đại dịch, chính phủ Ấn Độ báo cáo nước này mới chỉ 50 ca Covid-19, với các ca nhiễm tăng gấp đôi trong 14 ngày. Động thái lớn đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là ban hành lệnh giới nghiêm trong 14 tiếng đồng hồ, tuy nhiên cách này không tuân thủ đúng các khuyến nghị của WHO.
Cách phong tỏa thiếu hợp lý
Lệnh phong tỏa nói trên chỉ được thông báo trước có 4 tiếng đồng hồ và khiến hàng trăm ngàn lao động di cư phải lên đường về quê nhà, trong túi không có tiền, nhiều người mang luôn virus SARS-CoV-2 về quê nhà.
Đã vậy, được biết ở Ấn Độ có lúc người ta còn khuyên dân chúng đốt nến và gõ nồi ầm ĩ để... xua đuổi virus.
Lệnh phong tỏa nói trên được mở rộng thêm thời gian nhưng lại không mang tính hệ thống ở cấp độ quốc gia. Lệnh phong tỏa được kéo dài trong tháng 5 và tháng 6/2020 nhưng ít ý nghĩa vì hàng triệu công nhân Ấn Độ vẫn phải trở lại nơi làm việc để có lương duy trì cuộc sống.
Sau một năm đại dịch, đã có 16 triệu người ở Ấn Độ được phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 185.000 ca tử vong đã được xác nhận. Số ca nhiễm và ca tử vong trên thực tế có thể còn cao hơn nữa.
Tư nhân hóa hệ thống y tế
Đã vậy bộ phận y tế công của Ấn Độ lại không được đầu tư đúng mức, sự trông chờ được đổ dồn sang khu vực y tế tư nhân (với lợi nhuận là động lực chính).
Chính quyền Ấn Độ đầu tư rất ít cho y tế, chỉ có 3,5% GDP vào năm 2018 – con số này vẫn như vậy trong hàng thập kỷ. Chi phí y tế bình quân đầu người của Ấn Độ theo sức mua tương đương là 275,13 USD vào năm 2018, tương đương mức của các nước như Kiribati (một nước rất bé), Myanmar, và Sierra Leone. Con số như trên là rất nhỏ đối với một nước lớn, đông dân, có năng lực công nghiệp và nhiều của cải như Ấn Độ.
Cuối năm 2020, chính phủ Ấn Độ thừa nhận rằng họ chỉ có trung bình 0,8 bác sĩ trên 1.000 dân, và có 1,7 điều dưỡng viên trên 1.000 dân. Chẳng có một nước nào có diện tích và quy mô nền kinh tế lớn như Ấn Độ mà lại có đội ngũ y tế bé nhỏ như vậy.
Không những vậy, Ấn Độ chỉ có 5,3 giường bệnh trên 10.000 người, còn Trung Quốc thì có tới 43,1 giường bệnh trên cũng 10.000 dân. Ấn Độ chỉ có 2,3 giường điều trị tích cực trên 100.000 dân (so với 3,6 ở Trung Quốc) và chỉ có 48.000 máy thở (so với 70.000 máy thở chỉ riêng ở tỉnh Vũ Hán của Trung Quốc).
Điểm yếu này trong cơ sở hạ tầng y tế Ấn Độ hoàn toàn là do quá trình tư nhân hóa, trong đó các bệnh viện tư nhân quản lý hệ thống của mình trên nguyên tắc công suất tối đa và không có khả năng xử lý tình trạng quá tải.
Thuyết tối ưu hóa lợi nhuận không cho phép hệ thống y tế tư nhân xử lý các vấn đề quá tải, bởi lẽ nếu làm vậy thì khi bình thường họ sẽ bị dư thừa năng lực (kéo theo lãng phí, xét từ góc độ kinh doanh). Chẳng có doanh nghiệp tư nhân nào lại tự nguyện chuẩn bị thêm giường dự phòng và máy thở dự phòng cả. Điều này tất yếu kéo theo tình trạng khủng hoảng khi gặp đại dịch.
Chi phí thấp cho y tế đồng nghĩa với chi phí thấp cho cơ sở hạ tầng y tế và mức lương thấp cho nhân viên y tế. Điều này không tốt cho việc quản lý một xã hội hiện đại.
Nghịch lý thiếu thuốc ở trung tâm sản xuất thuốc hàng đầu thế giới
Thiếu hụt là chuyện bình thường trong bất cứ xã hội nào. Nhưng việc thiếu các hàng hóa y tế cơ bản ở Ấn Độ trong đại dịch Covid-19 thực sự gây sốc.
Ấn Độ đã từ lâu được coi là trung tâm sản xuất dược phẩm của thế giới. Ngành công nghiệp dược Ấn Độ (đứng thứ 3 thế giới) thành thạo trong kỹ thuật “chế tạo đảo ngược” một loạt các loại thuốc thông dụng.
Ấn Độ sản xuất tới 60% vaccine toàn cầu, trong đó có 90% lượng vaccine sởi mà WHO sử dụng. Ấn Độ cũng trở thành nhà sản xuất thuốc lớn nhất cho thị trường Mỹ. Nhưng chẳng điều nào trong các điều này giúp ích Ấn Độ trong cuộc khủng hoảng Covid-19.
Vaccine Covid-19 đã không được cung cấp cho người dân Ấn Độ với nhịp độ cần thiết. Việc tiêm chủng cho người dân Ấn Độ sẽ không hoàn thành trước tháng 11/2021. Chính sách mới của chính phủ Ấn Độ cho phép các nhà sản xuất vaccine nâng giá nhưng không phải để sản xuất đủ vaccine đáp ứng nhu cầu.
Ấn Độ còn xuất khẩu oxy dù lượng dự trữ trong nước đang thiếu hụt dần.
Vào ngày 25/3/2020, Thủ tướng Modi tuyên bố ông sẽ giành chiến thắng trước Covid-19 trong 18 ngày nhưng giờ thì 56 tuần đã trôi qua./.