Nga và Việt Nam có nhiều điểm trùng trong các ưu tiên tại APEC 2017
VOV.VN - Ngày 23/10, tại thủ đô Moscow, Nga, đã diễn ra hội thảo bàn tròn “APEC 2017: kết quả, vấn đề và triển vọng sau năm 2020”.
Tham dự hội thảo là hơn 40 chuyên gia hàng đầu của Nga từ Học viện Kinh tế quốc dân và hành chính quốc gia trực thuộc Tổng thống, Ủy ban Quốc gia nghiên cứu Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), Viện Kinh tế Viện Hàn lâm khoa học Nga và Trung tâm Quốc gia Nga nghiên cứu Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các cố vấn của Bộ Phát triển kinh tế Nga. Đoàn Việt Nam do TS Võ Trí Thành, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC) dẫn đầu.
Chương trình hội thảo được sắp xếp theo các ưu tiên do Việt Nam đưa ra với tư cách là nền kinh tế - Chủ tịch APEC 2017. Bốn ưu tiên bao gồm: thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chương trình hội thảo được sắp xếp theo các ưu tiên do Việt Nam đưa ra với tư cách là nền kinh tế - Chủ tịch APEC 2017. |
Trong các ưu tiên này sẽ chú trọng đặc biệt đến các quá trình hội nhập kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương; công việc APEC về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển; những sáng kiến và dự án của diễn đàn trong lĩnh vực nông nghiệp và an ninh lương thực.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Valery Sorokin, quan chức cấp cao APEC của Nga, trưởng đoàn Hội nghị Quan chức cao cấp (SOM) của Nga đánh giá rất cao công tác chuẩn bị và tổ chức của Việt Nam cho Hội nghị Cấp cao APEC 2017. Ông Valery Sorokin khẳng định, Nga sẽ đóng góp nhiều sáng kiến và ủng hộ các sáng kiến mà Việt Nam đưa ra, đồng thời hy vọng hội nghị tại Đà Nẵng tới đây cũng sẽ thành công tốt đẹp và thông qua được Tầm nhìn Phát triển sau năm 2020.
Gần 20 tham luận tại hội thảo đã phân tích sâu vai trò chủ nhà của Việt Nam tại APEC 2017, các vấn đề hợp tác trong khuôn khổ APEC, thực trạng và triển vọng hợp tác Nga - Việt và kết quả thực hiện hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và Việt Nam thông qua lăng kính khả năng hợp tác tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Các đại biểu đều khẳng định, Nga coi Việt Nam như cánh cửa mở vào khu vực ASEAN nói riêng và Châu Á nói chung, hai nước có nhiều điểm trùng trong các ưu tiên tại APEC 2017 trong bối cảnh Nga cần đa dạng hóa hơn nữa các thỏa thuận thương mại, tìm kiếm và chiếm lĩnh thị trường, còn Việt Nam đang đứng trước cơ hội thuận lợi để thâm nhập một thị trường vô cùng rộng lớn là Liên minh Kinh tế Á-Âu với nền kinh tế Nga là đầu tàu.
Đánh giá về hợp tác song phương Việt - Nga tại diễn đàn APEC, TS Võ Trí Thành cho biết: “Nga và Việt Nam trong APEC khá đặc biệt. Thứ nhất, Nga và Việt Nam đều là 2 thành viên vào sau của APEC năm 1998. Chính vì vậy mà sự hỗ trợ lẫn nhau, học hỏi và chia sẻ những kinh nghiệm tốt giữa 2 nước, cũng như cùng các thành viên APEC có ý nghĩa rất tích cực cho sự hội nhập và phát triển của cả Nga và Việt Nam.
Thứ hai, Nga và Việt Nam là đối tác chiến lược và có mối quan hệ truyền thống rất gắn bó. Thứ ba, Nga và Việt Nam gần đây đã có Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu.
Trong APEC có nhiều Hiệp định Thương mại tự do, vì vậy nhìn nhận Hiệp định Thương mại tự do giữa Nga với Việt Nam cần phải đặt trong tổng thể mối quan hệ hội nhập của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như các FTA khác. Đặc biệt, trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì mạng sản xuất và chuỗi giá trị là rất phát triển, chính vì vậy nếu Nga và Việt Nam qua Hiệp định Thương mại tự do này mà lại gắn với các chuỗi giá trị và các Hiệp định Thương mại tự do khác ở trong APEC thì sẽ đem lại những lợi ích đáng kể cho cả Nga và Việt Nam”.
Bà Tachiana Flegontova, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu APEC thuộc Học viện Kinh tế quốc dân và Hành chính quốc gia trực thuộc Tổng thống. |
Bà Tachiana Flegontova, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu APEC thuộc Học viện Kinh tế quốc dân và Hành chính quốc gia trực thuộc Tổng thống cho biết: “Có vài hướng ưu tiên chính. Thứ nhất, đó là gắn chương trình nghị sự của diễn đàn với sự hội nhập khu vực của Nga và lợi ích của các đối tác tại châu Á - Thái Bình Dương.
Thứ hai, là thúc đẩy hội nhập sâu rộng vì trong những năm gần đây đó là một trong những mục tiêu chính của Diễn đàn. Quan điểm của chúng tôi là Diễn đàn phải tập trung vào việc đảm bảo hội nhập khu vực, trong đó có cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các vùng xa xôi hẻo lánh, đồng thời phải gắn cả thanh niên và doanh nghiệp nữ vào tiến trình này.
Và một ưu tiên nữa là an toàn trong kinh doanh không chỉ là đấu tranh với chủ nghĩa khủng bố, mà còn là đảm bảo an ninh thông tin liên quan đến việc phát triển nền kinh tế số, một vấn đề cũng rất quan trọng đối với nước Nga. Và vấn đề nữa được thảo luận sâu rộng trong APEC là vấn đề an toàn sinh thái gắn liền với sản xuất hàng hóa sinh thái”.
Các ý kiến phát biểu tại hội thảo đều khẳng định, cho dù còn có những khoảng trống trong dự án hội nhập châu Á của Nga, song Nga đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong chính sách hướng Đông, trong hợp tác song phương Nga - Việt, cũng như trong hợp tác tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kết luận hội thảo sẽ được tập hợp chung và gửi đến các cơ quan hữu quan của Nga với mục đích giúp họ hoạch định những định hướng phát triển quan trọng và ưu tiên hàng đầu của nền kinh tế Nga./.
Những món quà độc đáo nước chủ nhà tặng đại biểu APEC
Thủ tướng: Không để xảy ra sơ suất nhỏ về an ninh dịp diễn ra APEC