Bầu cử Thượng viện

Nhật Bản sẽ yên ổn sau bầu cử?

VOV.VN - Nhiều khả năng liên minh cầm quyền do LDP lãnh đạo sẽ giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử lần này.

Ngày 21/7 tới, cử tri Nhật Bản sẽ đi bỏ phiếu để bầu ra 121 thành viên mới trong Thượng viện gồm 242 ghế. Đây sẽ là cuộc bầu cử quốc gia duy nhất ở Nhật Bản trong vòng 3 năm tới nếu Thủ tướng Shinzo Abe không giải tán Hạ viện trong nhiệm kỳ 4 năm của mình (kéo dài tới tháng 12/2016).

Chủ tịch đảng LDP Shinzo Abe (giữa) trong buổi diễn thuyết tại Tokyo ngày 4/7 (Ảnh: Reuters)



Theo các chuyên gia phân tích, nhiều khả năng liên minh cầm quyền do đảng Dân chủ Tự do (LDP) lãnh đạo sẽ giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử sắp tới, qua đó củng cố vững chắc vị thế của LDP trên chính trường nước này. Điều này sẽ giúp tạo ra sự ổn định chính trị trong ngắn hạn ở Nhật Bản – nước đã chứng kiến sự thay đổi trên chiếc ghế Thủ tướng gần như hàng năm kể từ năm 2006.

Mục tiêu đầy tham vọng

Theo Hiến pháp Nhật Bản, cứ 3 năm một lần, có 50% trong số 242 ghế tại Thượng viện sẽ được bầu lại, trong đó 73 ghế sẽ được bầu tại 47 khu vực bầu cử cấp tỉnh và 48 ghế được lựa chọn theo hình thức đại diện tỷ lệ.

Hôm 8/7, Thủ tướng Shinzo Abe đã khẳng định ông muốn LDP và đảng Công minh giành được ít nhất 129 trong tổng số 242 ghế tại Thượng viện để liên minh cầm quyền có thể chiếm đa số và kiểm soát tất cả các ủy ban thường vụ của cơ quan lập pháp này. Phát biểu ở tỉnh Chiba, ông nói: “Với việc giành được đa số ghế, chúng tôi sẽ xây dựng một nước Nhật Bản tự tôn với một nền chính trị ổn định”.

Trước đó, đảng LDP của Thủ tướng Abe chỉ đặt ra mục tiêu giành được 122 ghế sau cuộc bầu cử sắp tới.

Những người ủng hộ đảng LDP (Ảnh: Reuters)



Để thực hiện được mục tiêu này của Thủ tướng Abe, liên minh cầm quyền cần phải giành được ít nhất 70 ghế trong tổng số 121 ghế tại Thượng viện sẽ được bầu lại trong cuộc bầu cử này, bởi họ đang nắm giữ 59 trong tổng số 121 ghế không phải bầu lại trong đợt này.

Theo các chuyên gia phân tích, nếu liên minh cầm quyền giành đa số ghế tại Thượng viện sau cuộc bầu cử này, liên minh cầm quyền sẽ kiểm soát lưỡng viện trong Quốc hội Nhật Bản. Điều này sẽ chấm dứt sự chia rẽ đã kéo dài trong nhiều năm qua tại Quốc hội và tạo ra sự ổn định chính trị trong ngắn hạn ở “xứ sở hoa anh đào”. Nếu điều đó xảy ra, Thủ tướng Abe sẽ có thêm động lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các sáng kiến cải cách của mình.

Tất nhiên, sự ổn định chính trị của Nhật Bản cũng chính là điều mà Mỹ và nhiều nước có quan hệ hữu nghị với Nhật Bản mong đợi. Đối với Mỹ, sự ổn định về chính trị ở Nhật Bản có thể giúp tạo ra bước ngoặt trong việc giải quyết các vấn đề còn tồn tại giữa hai nước, trong đó vấn đề di chuyển căn cứ Futenma của quân đội Mỹ ở Okinawa hay việc Nhật Bản tham gia đàm phán về Hiệp định thương mại tự do Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng.

Ông Mike Mochizuki, Phó Giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế của Đại học George Washington (Mỹ), nói: “Điều các quan chức Mỹ muốn là sự ổn định chính trị (của Nhật Bản).

Cuộc đua gần ngã ngũ

Kết quả thăm dò dư luận của các phương tiện truyền thông Nhật Bản cho thấy liên minh cầm quyền gần như chắc chắn sẽ giành đủ đa số ghế cần thiết để kiểm soát Thượng viện và tất cả các ủy ban thường vụ của cơ quan lập pháp này sau cuộc bầu cử sắp tới.

Trong cuộc thăm dò mới nhất do hãng tin Kyodo News tiến hành đối với gần 44.000 cử tri trên khắp đất nước, đa số các cử tri đều cho rằng Thủ tướng Abe có thể sẽ đạt được mục tiêu đầy tham vọng của mình là giành ít nhất 129 ghế tại Thượng viện.

Trong khi đó, Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) – đảng đối lập lớn nhất ở “đất nước Mặt trời mọc” – có thể sẽ chỉ giành được 44 ghế và đảng Của bạn (YP) – một chính đảng đối lập khác mới nổi lên trong những năm gần đây – cũng chỉ giành được khoảng 7 ghế.

Đảng Phục hưng Nhật Bản (JRP) do cựu Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara và Thị trưởng Osaka Toru Hashimoto đồng giữ chức Chủ tịch cũng chỉ giành được khoảng 6 ghế, trong khi đảng Dân chủ Xã hội (SDP) có thể sẽ mất đi 01 ghế.

Các đảng đối lập khác như Đảng cuộc sống của người dân (PLP) hay Đảng Làn gió Xanh có thể sẽ không giành được ghế nào. Riêng Đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP) có thể giành ghế ở các khu vực bầu cử tại Tokyo và Osaka và một số ghế ở Thượng viện theo hình thức đại diện tỷ lệ.

Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân khiến liên minh cầm quyền có thể sẽ giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử sắp tới là do sự suy yếu cũng như sự thiếu đoàn kết của các đảng phái trong phe đối lập.

Chủ tịch DPJ Banri Kaieda đã nhiều lần lặp đi, lặp lại cụm từ "hiểm họa lớn” để mô tả tình hình hiện nay. Phát biểu với các phóng viên khi chiến dịch tranh cử mới bắt đầu, ông Kaieda nói: “Chúng tôi sẽ chiến đấu để giành càng nhiều ghế, càng tốt”. Tuy nhiên, việc chính trị gia này từ chức có thể là điều không thể tránh khỏi nếu DPJ thất bại trong cuộc bầu cử sắp tới.

Mặc dù DPJ đã giành thắng lợi áp đảo lần đầu tiên trong cuộc bầu cử Hạ viện để giành quyền kiểm soát Chính phủ vào tháng 8/2009 nhưng sau thất bại trước LDP trong cuộc bầu cử Hạ viện tháng 12 năm ngoái, đảng đối lập này đã thất bại trong các nỗ lực tái thiết nhằm khôi phục lại sức mạnh của mình.

Ba năm dưới thời chính quyền của DPJ, nước Nhật bị chia rẽ bởi hàng loạt các vấn đề, trong đó có vấn đề di chuyển căn cứ không quân Futenma của Lực lượng lính thủy Đánh bộ Mỹ ở đảo Okinawa và vấn đề hạt nhân sau thảm họa kép tháng 3/2011 và cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima.

Trong khi đó, JRP - chính đảng đã thu hút sự chú ý lớn của dư luận vào thời điểm mới thành lập hồi tháng 9 năm ngoái ở Osaka - đã mất đi động lực và đang phải đối mặt với phản ứng mạnh mẽ của dư luận do những phát biểu gây tranh cãi của ông Toru Hashimoto về các nhà thổ phục vụ cho các binh sỹ Nhật trong thời gian chiến tranh. Ông Hashimoto đã từng mô tả những nhà thổ như vậy là “cần thiết” để duy trì kỷ luật quân đội.

JRP đã giành được 54 trong tổng số 480 ghế tại Hạ viện trong cuộc bầu cử tháng 12 năm ngoái, tăng 43 ghế so với trước thời điểm bầu cử. Tuy nhiên, sau đó, chỉ có 2 trong số 34 ứng cử viên của đảng này giành thắng lợi trong cuộc bầu cử hội đồng thủ đô Tokyo do tác động tiêu cực của các phát biểu của ông Hashimoto.

Ông Masahiro Iwasaki, Giáo sư khoa học chính trị của Đại học Nihon, lý giải sự thụt lùi của JRP là do các thành viên của đảng này tập hợp với nhau chỉ để “sống sót” sau các cuộc bầu cử mà không có chung tầm nhìn hay quan điểm chính trị.

Giáo sư Iwasaki nhấn mạnh: “Điều các đảng đối lập phải làm sau cuộc bầu cử Thượng viện này là từng bước hợp tác như một khối thống nhất – một khối trung hữu đối chọi với liên minh trung tả giữa LDP và Đảng Công minh.

Đối với LDP, điều lo ngại không phải là kết quả của cuộc bầu cử mà chính là tính thống nhất của đảng này sau thắng lợi sắp tới. Các vấn đề như việc tái bố trí các lực lượng Mỹ ở Nhật Bản hay vấn đề điện hạt nhân có thể sẽ gây ra sự chia rẽ trong nội bộ đảng này bởi vì, nhiều đảng bộ địa phương của LDP đưa ra các cam kết khác xa so với các cam kết của đảng này.

Giáo sư khoa học chính trị Steven R. Reed của Đại học Chuo nói: “Tại thời điểm này, có thể là an toàn bởi vì, không có lựa chọn nào khác thay thế cho LDP. Tuy nhiên, nếu họ không hành động cùng nhau, không sớm thì muộn, họ cũng sẽ thất bại”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Một phụ nữ Nhật Bản được bầu vào Thượng viện Mỹ
Một phụ nữ Nhật Bản được bầu vào Thượng viện Mỹ

(VOV) - Bà Hirono 65 tuổi, đã từng làm luật sư tại bang Hawaii trước khi được bầu vào Thượng viện Mỹ.

Một phụ nữ Nhật Bản được bầu vào Thượng viện Mỹ

Một phụ nữ Nhật Bản được bầu vào Thượng viện Mỹ

(VOV) - Bà Hirono 65 tuổi, đã từng làm luật sư tại bang Hawaii trước khi được bầu vào Thượng viện Mỹ.

Nhật Bản: Lần đầu tiên tỷ lệ ủng hộ Nội các giảm
Nhật Bản: Lần đầu tiên tỷ lệ ủng hộ Nội các giảm

(VOV) - Trong 5 cuộc điều tra kể từ cuối năm 2012, lần đầu tiên tỷ lệ ủng hộ Nội các Nhật Bản giảm.

Nhật Bản: Lần đầu tiên tỷ lệ ủng hộ Nội các giảm

Nhật Bản: Lần đầu tiên tỷ lệ ủng hộ Nội các giảm

(VOV) - Trong 5 cuộc điều tra kể từ cuối năm 2012, lần đầu tiên tỷ lệ ủng hộ Nội các Nhật Bản giảm.

Bầu cử Nhật Bản: Đảng đối lập nhiều khả năng chiến thắng
Bầu cử Nhật Bản: Đảng đối lập nhiều khả năng chiến thắng

(VOV) - Nhiều khả năng lặp lại kịch bản cuộc bầu cử năm 2009 khi đảng đối lập giành chiến thắng trước đảng cầm quyền.

Bầu cử Nhật Bản: Đảng đối lập nhiều khả năng chiến thắng

Bầu cử Nhật Bản: Đảng đối lập nhiều khả năng chiến thắng

(VOV) - Nhiều khả năng lặp lại kịch bản cuộc bầu cử năm 2009 khi đảng đối lập giành chiến thắng trước đảng cầm quyền.