Thế giới 7 ngày:

Nhật sẽ "rắn" hơn với Trung Quốc và Triều Tiên?

(VOV) - Trong cuộc hội đàm giữa ông Abe và Obama, cả Mỹ và Nhật Bản đều khẳng định sẽ tăng cường mối quan hệ đồng minh an ninh song phương.

Ngày 22/2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bắt đầu chuyến thăm Mỹ và có cuộc hội đàm với Tổng thống Obama. Tại cuộc hội đàm cấp cao này, cả Mỹ và Nhật Bản đều khẳng định sẽ tăng cường mối quan hệ đồng minh an ninh song phương và tiếp tục cứng rắn với Triều Tiên.

Tại cuộc hội đàm này, Tổng thống Obama nêu rõ quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật là nền tảng trọng tâm của ổn định trong khu vực. Về phần mình, Thủ tướng Abe khẳng định, lòng tin trong quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ đã được khôi phục và Tokyo sẽ tiếp tục hành động một cách  điềm tĩnh trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Ông Abe cho biết, Nhật Bản và Mỹ sẽ hợp tác để đối phó một cách cương quyết với Triều Tiên, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt về tài chính. 

Chuyến thăm Mỹ của ông Shinzo Abe được coi là một nỗ lực thúc đẩy quan hệ đối tác an ninh giữa 2 nước trong bối cảnh tranh chấp về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc ngày một leo thang và Triều Tiên vừa thử hạt nhân lần thứ 3. Trong ảnh: Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Obama trong cuộc gặp tại Nhà Trắng (Ảnh: AP).

Sau vụ thử hạt nhân lần thứ 3 ngày 12/2, Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục tiến hành các vụ thử hạt nhân tiếp theo trong tương lai bất chấp sự phản đối của phương Tây. Lý giải cho quyết định này, Triều Tiên cho rằng, vụ thử hạt nhân gần đây do Triều Tiên tiến hành là để đáp lại các biện pháp trừng phạt nặng hơn mà Liên Hợp Quốc áp đặt lên Triều Tiên vào tháng 1/2013 sau khi nước này phóng vệ tinh mà phương Tây cho là để thử công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA cũng cho rằng: “Hậu quả bi kịch ở những nước bỏ dở giữa chừng chương trình hạt nhân… đã chứng minh một cách rõ ràng rằng CHDCND Triều Tiên đã có tầm nhìn rất xa và đúng đắn khi lựa chọn giải pháp hạt nhân”. Trong ảnh: Bãi thử hạt nhân Pungye-ri của Triều Tiên (Ảnh: GeoEye).

Hôm nay (24/2), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới. Trong vòng 11 ngày tới, ông Kerry sẽ đến 9 nước lần lượt là Anh, Đức, Pháp, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Qatar.

Thông thường, chuyến thăm mang tính chất 
“giới thiệu” Ngoại trưởng Mỹ được gọi là “chuyến đi để lắng nghe” các đối tác. Tuy nhiên, trong bối cảnh này và với kinh nghiệm 28 năm của một nghị sỹ kỳ cựu như ông Kerry, rất có thể 9 nước này sẽ muốn biết sáng kiến tiếp cận mới của ông đối với hàng loạt vấn đề nóng của thế giới, như khủng hoảng ở Syria, vấn đề hạt nhân Iran và xung đột Israel – Palestine.

Đáng chú ý trong chuyến đi lần này, khi dừng chân ở Rome, Italy, ông Kerry dự kiến tiếp xúc với phe đối lập Syria. Trong ảnh: Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lên máy bay bắt đầu chuyến công du đầu tiên trên cương vị mới (Ảnh: Reuters)

Chiều tối 21/2, một vụ đánh bom liều chết bằng xe ô tô đã xảy ra gần trụ sở đảng Baath cầm quyền, gần Đại sứ quán Nga tại Syria, nằm tại khu trung tâm Mazraa của thủ đô Damascus khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.

Vụ tấn công tại thủ đô là hành động được thực hiện bởi các nhóm khủng bố có liên quan tới Al Qaeda, với sự hỗ trợ về tài chính và lập kế hoạch giúp đỡ từ bên ngoài,” Ngoại trưởng Syria Walid Muallem cho rằng “Đây là hành động đáng lên án và cần phải bị trừng trị nghiêm khắc”.

Liên Hợp Quốc ngày 22/2 đã yêu cầu mở một cuộc điều tra về các “tội ác chiến tranh” tại Syria, sau khi xảy ra một vụ đánh bom đẫm máu tại thủ đô Damascus. Nhiều nước cũng lên án hành động tội ác trên. Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về an ninh và đối ngoại, bà Catherine Ashton coi đây là "hành động dã man không thể biện minh", đồng thời nhấn mạnh cần một tiến trình chính trị đáng tin cậy để chấm dứt tình trạng đổ máu tại Syria. Trong ảnh: Các nhân viên an ninh đang đưa một người bị thương khỏi hiện trường vụ đánh bom liều chết (Ảnh: AFP).


Ít nhất 11 người chết, 78 người bị thương sau khi 2 quả bom phát nổ tại thành phố miền nam Ấn Độ là Hyderabad. Hai vụ nổ xảy ra vào tối 21/2 (theo giờ địa phương), chỉ cách nhau 10 phút, tại các địa điểm gần một rạp chiếu phim và một trạm xe buýt. Vụ đánh bom khiến  ít nhất 15 người thiệt mạng và hơn 50 người người khác bị thương.

Các vụ đánh bom nhằm vào một quận có đa số người dân theo đạo Hindu ở Hyderabad, một thành phố công nghệ quan trọng của Ấn Độ, nhưng có đông người Hồi giáo sinh sống. 

Sau vụ đánh bom, Ấn Độ phải thắt chặt an ninh trên tất cả các thành phố lớn. 
Thành phố Mumbai và toàn bộ vùng Maharashtra được đặt trong tình trạng báo động an ninh cao độ, tăng cường sự hiện diện của cảnh sát và kiểm tra bất ngờ các loại phương tiên đang lưu thông. Vụ tấn công xảy ra chưa đầy 2 tuần sau khi Ấn Độ treo cổ một người đàn ông vì tội tiến hành đánh bom tòa nhà Quốc hội năm 2001, làm dấy lên làn sóng xung đột bạo lực tại quốc gia Nam Á này. Trong ảnh: Hiện trường vụ đánh bom tại Hyderabad (Ảnh: AFP).


Sau 4 phiên điều trần về quyền bảo lãnh, Thẩm phán Desmond Nair của tòa án Pretoria ngày 22/2 đã công bố quyết định cho phép Oscar Pistorius được bảo lãnh tại ngoại. Ông cho biết cơ quan cảnh sát có vấn đề trong công tác điều tra và đã không cung cấp đủ bằng chứng để tạm giữ Pistorius trong tù chờ đến ngày xét xử.

Trước đó, AFP dẫn nguồn tin từ Cảnh sát Nam Phi ngày 20/2 cho biết, không có dấu hiệu nào cho thấy Oscar Pistorius đã hành hung bạn gái của mình trước khi bắn cô ấy, sau khi truyền thông nước này dẫn nguồn tin từ cảnh sát điều tra cho biết tìm thấy một chiếc gậy cricket dính đầy máu trong căn hộ của Pistorius ở Pretoria nơi Reeva Steeenkamp bị bắn chết hôm 14/2. Trong ảnh: Oscar Pistorius trong phiên điều trần bảo lãnh tại tòa (Ảnh: EPA).

Báo giới Ý mới đây tung ra đồn đoán gây rúng động dư luận về “nguyên nhân thật sự” dẫn đến lý do thoái vị của Giáo hoàng Benedict XVI vào ngày 11/2 vừa qua. Đó là thông tin chi tiết về một mạng lưới các linh mục đồng tính, những người làm việc bên trong Vatican, nhưng lại thường xuyên trác táng và “có vẻ như bị tống tiền bởi một mạng lưới mại dâm nam” ở bên ngoài. 

Tiết lộ về mạng lưới này nằm trong một bản báo cáo dày 300 trang được cho là đã nằm trên bàn làm việc Đức Giáo hoàng vào ngày 17/12 do 3 vị Hồng y Julian Herranz, Josef Tomko và Salvatore De Giorgi trình lên. Sau khi nghiên cứu bản báo cáo đó, Đức Giáo hoàng đã đi đến quyết định rời cương vị và yêu cầu cất giữ bản báo cáo ở nơi an toàn để giao cho người kế nhiệm giải quyết.

Tuy nhiên, theo báo Le Figaro của Pháp, giả thuyết về nguyên nhân vụ bê bối của nhóm chức sắc đồng tính dẫn đến việc Giáo hoàng Benedict XVI thoái vị là hoàn toàn phi lý. Trong ảnh: Giáo hoàng Benedict XVI (Ảnh: http://ivarfjeld.com).

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên