Xăng tăng giá, tài xế xe ôm công nghệ khó khăn chồng chất
VOV.VN - Giá xăng tăng 7 lần trong 3 tháng khiến thu nhập của các tài xế xe ôm công nghệ bị giảm sút nặng nề, ngay cả khi một số hãng xe đã tăng giá cước.
Với trung bình một ngày 15 cuốc xe, ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ quận Tân Bình, tài xế hãng xe BeBike) cho hay, số tiền xăng ông đổ mỗi ngày tăng gần gấp đôi so với trước đây. Chưa kể, ông còn phải chi thêm các phần hao phí nhỏ khác như sửa chữa, bảo dưỡng xe. Theo ông Tuấn, dù giá cước xe ôm công nghệ có tăng thì thu nhập của các tài xế vẫn bị giảm sút.
“Bây giờ chạy xăng lên như vậy thì không được thu nhập cao rồi. Xăng cao quá. Mọi khi đổ 50.000 đồng, bây giờ phải đổ 90.000 đồng”, ông Tuấn than thở.
Ông Phạm Văn Đẹp chạy xe ôm cho GojekBike đã hơn hai năm. Mỗi ngày, ông phải đi từ nhà tại Củ Chi vào trung tâm thành phố để chạy xe ôm, nay làm thêm cả ứng dụng giao hàng. Những ngày qua, xăng lên giá khiến chi phí tăng thêm, số lượng khách đặt xe ít đi, thu nhập của ông cũng giảm mạnh.
“Lúc trước chạy được khoảng 400.000 đồng/ngày, nay mỗi ngày chỉ còn hơn 200.000 đồng. Không biết khó khăn hay là sao, từ ngày xăng lên thì chạy chậm lại. Hồi chưa có dịch, cứ chạy xong là lại có người gọi. Bây giờ chậm, nhận cuốc ít lắm. Các đơn hàng cần chạy cũng ít hơn”, ông Đẹp cho biết.
Anh Trần Quang Đỉnh (một tài xế Grab) phải ở nhà trong bốn tháng giãn cách phải ở phòng trọ (thuộc Quận 12) để chờ trợ cấp. Đến nay khi cuộc sống bình thường trở lại, anh chưa kịp vui mừng thì giá xăng dầu liên tiếp tăng khiến anh Đỉnh gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù hãng xe công nghệ Grab đã tăng nhẹ giá cước nhưng số tiền nhận được chỉ tính trong quãng đường chở khách. Còn những đoạn đường trước và sau đó thì tài xế vẫn phải trả mọi chi phí mà không được thêm gì. Tuy vậy, trong những ngày khó khăn, người thanh niên trẻ thấy chỉ cần có khách cũng là may mắn.
“Nhiều khi đi không có khách, đi xe không hay là ế ẩm này kia, buộc phải chạy xe một mình thì xăng đó nó vẫn sẽ mất luôn. Nói chung là không có khách thì vẫn phải hao thêm một phần nữa”, anh Đỉnh chia sẻ.
Giờ đây, anh Đỉnh không còn chạy xe ôm cả ngày để kiếm sống như trước mà chỉ tranh thủ chở khách buổi sáng. Đến chiều, anh tắt app và làm thêm tại một quán karaoke mới mở lại. Giống như nhiều đồng nghiệp, anh Đỉnh dự tính chuyển sang làm công nhân hoặc buôn bán nhỏ nếu giá xăng cứ tăng liên tục như bây giờ.
Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng tăng gần 30% khiến các hãng xe ôm công nghệ cũng phải tăng cước phí vận chuyển. Cụ thể, giá GrabBike tại TP.HCM là 12.500 đồng cho 2km đầu tiên; 4300 đồng mỗi km tiếp theo và 350 đồng cho mỗi phút di chuyển sau 2km đầu tiên; Bee Group tăng cước phí 2 km đầu của dịch vụ beBike là 14.000 đồng, mỗi km tiếp theo cước tăng từ 4.180 đồng/km lên 4.600 đồng/km; hãng Gojek điều chỉnh cước phí tối thiểu cho 2km đầu tiên của dịch vụ xe ôm công nghệ tại TP.HCM điều chỉnh lên 11.000 – 13.000 đồng và tăng từ 500 - 900 đồng cho mỗi km tiếp theo;...
Cước phí tăng nhưng các tài xế vẫn gặp khó vì phải tự chi trả tiền xăng, các khoản phí bảo dưỡng, sửa chữa... Do vậy, nhiều người mong muốn giá xăng dầu sớm được điều chỉnh bình ổn để họ có thể bám trụ với nghề./.