Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có ý nghĩa gì với Trung Quốc?
VOV.VN - Trung Quốc đang chuẩn bị cho một con đường bất ổn và khó lường phía trước trong cuộc cạnh tranh quyền lực ngày càng leo thang với Mỹ sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Sự trở lại của ông Trump có thể đưa mức thuế quan lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và điều này có thể ảnh hưởng mạnh đến tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng như đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu với nhiều biện pháp kiểm soát công nghệ, làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ vốn đã bất ổn giữa các siêu cường.
Tuy nhiên, lập trường bảo hộ thương mại của ông Trump và cách tiếp cận kiểu giao dịch trong chính sách đối ngoại cũng có thể làm suy yếu các liên minh và sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, tạo cơ hội cho Trung Quốc lấp đầy khoảng trống do Mỹ rút lui và định hình một trật tự thế giới thay thế.
"Sự trở lại nắm quyền của ông Trump chắc chắn sẽ mang lại nhiều cơ hội và rủi ro cho Trung Quốc. Tuy nhiên cuối cùng, điều đó có thể dẫn đến nhiều rủi ro hay cơ hội hơn phụ thuộc vào cách hai bên tương tác với nhau", Shen Dingli, một nhà phân tích chính sách đối ngoại tại Thượng Hải cho biết.
Về mặt chính thức, Trung Quốc đã tìm cách thể hiện lập trường trung lập về chiến thắng của ông Trump. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm 6/11 rằng họ "tôn trọng" sự lựa chọn của Mỹ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 7/11 đã gửi lời chúc mừng ông Trump. Ông Trump từng ca ngợi ông Tập Cận Bình và gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc là "một người bạn rất tốt" ngay cả khi quan hệ Mỹ - Trung lao dốc dưới thời ông làm Tổng thống.
Theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tập đã nói với Tổng thống đắc cử Donald Trump rằng Trung Quốc và Mỹ có thể "tìm ra cách đúng đắn" để "hòa hợp trong kỷ nguyên mới". Tuy vậy, Bắc Kinh có thể đang chuẩn bị cho những tác động và sự bất ổn trong mối quan hệ với Mỹ dưới thời ông Trump.
"Ông Trump là một người rất thất thường. Hiện vẫn chưa biết liệu ông ấy có thực hiện các chính sách mà ông ấy đã cam kết trong chiến dịch tranh cử hay không và liệu ông ấy có tiếp tục chương trình nghị sự như nhiệm kỳ đầu tiên của mình", Liu Dongshu, Phó Giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học Thành phố Hong Kong nhận định.
Thuế quan cao ngất ngưởng
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump, với cam kết sẽ "Làm cho nước vĩ đại trở lại", ông đã phát động một cuộc chiến thương mại căng thẳng với Trung Quốc, đưa tập đoàn viễn thông khổng lồ của nước này là Huawei vào danh sách đen vì lý do an ninh quốc gia và đổ lỗi cho Bắc Kinh về đại dịch Covid-19. Vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, quan hệ song phương Mỹ - Trung đã lao dốc xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Lần này, ông Trump đã đe dọa trong chiến dịch tranh cử sẽ áp thuế 60% đối với tất cả hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc và thu hồi quy chế "quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn" của nước này, vốn mang lại cho Trung Quốc các điều khoản thương mại thuận lợi nhất với Mỹ trong hơn 2 thập kỷ.
Biện pháp này nếu được thực hiện có thể giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế vốn đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng bất động sản, nhu cầu tiêu dùng giảm sút và nợ của chính quyền địa phương tăng cao.
Ngân hàng đầu tư Macquarie ước tính, với mức 60%, thuế quan có thể cắt giảm tăng trưởng kinh tế của nước này tới 2 điểm %, tức là chỉ dưới một nửa tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến của Trung Quốc là 5%.
"Chiến tranh thương mại 2.0 có thể chấm dứt mô hình tăng trưởng đang diễn ra của Trung Quốc, trong đó xuất khẩu và sản xuất là động lực tăng trưởng chính", Larry Hu, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc tại Macquarie, cho hay trong một lưu ý nghiên cứu vào 6/11.
Trên thực tế, thuế đánh vào hàng nhập khẩu sẽ gây tổn hại cho người tiêu dùng tại quốc gia áp thuế, cũng như các doanh nghiệp phụ thuộc và nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian nhập khẩu để sản xuất ra các sản phẩm hoàn thiện. Căng thẳng thương mại leo thang đáng kể có thể sẽ gây tổn hại không chỉ cho Trung Quốc và Mỹ mà còn cả các quốc gia khác tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, việc ông Trump có cách tiếp cận thất thường và không theo thông lệ với việc hoạch định chính sách đã làm gia tăng cảm giác bất ổn của Bắc Kinh.
Ông Daniel Russel, Phó Chủ tịch An ninh và Ngoại giao Quốc tế tại Viện Chính sách Xã hội châu Á nhận định, ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên của mình với thiện cảm dành cho ông Tập Cận Bình trước khi "áp thuế và sau đó chỉ trích Bắc Kinh trong thời kỳ đại dịch".
"Vì vậy, Bắc Kinh có khả năng sẽ tiếp cận ông Trump một cách thận trọng, thăm dò để xác định xem nên mong đợi điều gì ở ông Trump và liệu có cơ hội nào để khai thác hay không", ông Russel, người từng là cố vấn hàng đầu về châu Á của cựu Tổng thống Barack Obama cho hay.
Thách thức đi cùng cơ hội
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lập trường "Nước Mỹ trên hết" và cách tiếp cận kiểu giao dịch của ông Trump cũng có thể có lợi cho Bắc Kinh.
"Mặc dù Bắc Kinh rất lo ngại về tính khó lường trong chính sách với Trung Quốc của ông Trump nhưng họ tự nhắc nhở mình rằng thách thức cũng có thể mang lại cơ hội", ông Tong Zhao, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế đánh giá.
Theo ông: "Bất chấp mối lo ngại về một cuộc chiến thương mại mới, Bắc Kinh tin rằng các chính sách thuế quan cứng rắn của ông Trump sẽ không được ủng hộ ở châu Âu, tạo cơ hội cho Trung Quốc tăng cường quan hệ kinh tế với châu lục này và chống lại nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường tách rời công nghệ và chuỗi cung ứng giữa Trung Quốc và các nước phương Tây".
Thái độ không mấy mặn mà của ông Trump với NATO cũng như các liên minh và thế chế quốc tế nói chung, cũng đe dọa làm suy yếu các liên minh của Mỹ mà Tổng thống Joe Biden dày công vun đắp để chống lại những gì mà Washington cho là mối đe dọa từ một Trung Quốc đang trỗi dậy.
Điều đó sẽ mang lại sự nhẹ nhõm kịp thời cho Bắc Kinh, vốn ngày càng khó chịu với những gì họ coi là chiến lược bao vây và kiềm chế Trung Quốc của Washington bằng một "NATO châu Á".