Nhìn lại 1 năm sau khi Iran đạt được thỏa thuận với nhóm P5+1
VOV.VN -Một năm sau khi Iran và nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử, những cảnh báo tồi tệ nhất về thỏa thuận này đã không xảy ra.
Hôm nay (14/7) đánh dấu tròn một năm ngày Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Trong năm qua, Iran đã có những tiến bộ đáng kể trong việc thu hẹp chương trình hạt nhân và đổi lại kinh tế nước này cũng đã phục hồi rõ rệt nhờ việc các cường quốc dỡ bỏ phong tỏa những tài khoản hàng tỷ đôla.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra đánh giá toàn diện về tác động đối với Iran, với các nước có liên quan và cho khu vực sau nửa năm chính thức thực thi thỏa thuận thuận này.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và người đồng cấp Mỹ John Kerry tại cuộc làm việc năm ngoái, 14/7/2015 tại Vienna, Áo (Ảnh ABC) |
Một năm sau khi Iran và nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử, những cảnh báo tồi tệ nhất về thỏa thuận này đã không xảy ra. Iran đã từ bỏ đến 98% nguyên liệu hạt nhân của nước này và dỡ bỏ hàng nghìn máy li tâm. New York Times dẫn lời Tổng tham mưu trưởng quân đội Israel, nước vốn phản đối mạnh mẽ thỏa thuận này, ông Gadi Eisenkot thừa nhận, thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 đã trút bớt những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng nhất đối với Israel.
Trong cuộc gặp Đại sứ Iran tại Moscow hôm qua, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đánh giá cao việc Iran tuân thủ cam kết theo thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1 và bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Iran trong việc sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình. Còn Pháp mới đây đã nhất trí hợp tác với Iran trong dự án đa quốc gia Lò phản ứng thực nghiệm nhiệt hạch quốc tế (International Thermonuclear Experimental Reactor), gọi tắt là ITER, đang được xây dựng ở miền Nam nước Pháp.
Nhờ các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ từ đầu năm nay, xuất khẩu dầu lửa của Iran đã tăng hơn một nửa. Bất chấp giá dầu thế giới giai đoạn vừa qua hạ xuống mức thấp kỷ lục, ảnh hưởng đến nguồn thu chính của nước này, kinh tế Iran vẫn tăng trưởng thêm 0,7% trong vòng một năm qua và dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 3,7% trong năm sau. Lạm phát của Iran giảm 10 lần xuống còn 8% so với mức 80% trong năm 2013 trong khi đồng nội tệ Rial được giữ ở mức ổn định.
Mặc dù vậy, quan hệ giữa Iran với Mỹ cũng như các nước phương Tây vẫn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp. Iran vẫn có những động thái khiến phương Tây lo ngại, trong đó có vụ thử tên lửa hồi tháng 3 vừa qua mà Tổng thư ký Ban Ki-moon cho là “không nhất quán” với tinh thần của thỏa thuận hạt nhân.
Trong khi đó, cơ quan tình báo Đức cho rằng, Iran vẫn tiếp tục các hoạt động phi pháp trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân và tên lửa. Mỹ thì vẫn cáo buộc Iran hậu thuẫn khủng bố, vi phạm nhân quyền. Một số nghị sỹ đảng Cộng hòa Mỹ đang tìm cách ngăn chặn Iran mua 170 máy bay của Airbus và Boeing với lý do nước Cộng hòa Hồi giáo này từng sử dụng máy bay thương mại để vận chuyển tên lửa và vũ khí cho khủng bố. Hạ viện Mỹ hôm qua cũng thông qua một dự luật ngăn chặn việc mua nước nặng từ Iran, vốn là một phần trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử hồi năm ngoái.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 13/7 tuyên bố, nước này hoàn toàn có thể khôi phục một phần chương trình hạt nhân của mình nếu các cường quốc thế giới không thực thi đến cùng thỏa thuận mang tính bước ngoặt ký kết cách đây một năm.
Bình luận sau tuyên bố của Tổng thống Rouhani, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Tonner nhấn mạnh, thỏa thuận nào cũng cần phải có sự đồng thuận và thực thi từ 2 phía: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tôn trọng thỏa thuận. Về bình luận của ông Rouhani, chúng tôi tin rằng chúng ta có mọi công cụ và cách tiếp cận cần thiết để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân”.
Cũng có những quan chức ở Washington tin rằng nếu không có thỏa thuận hạt nhân với Iran, tình hình đã có thể tồi tệ hơn. Nhà đàm phán Mỹ về vấn đề hạt nhân Iran, nay là cố vấn của ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton, bà Wendy Sherman cho rằng, việc thực hiện thỏa thuận trong vòng một năm qua đã diễn ra tốt đẹp hơn dự tính. Quan hệ Mỹ và Iran vẫn còn nhiều mâu thuẫn nhưng dấu hiệu khả quan là 2 nước đang đứng trên cùng một chiến tuyến trong một số vấn đề, đó là cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq./.