Những chiến thuật không ngờ của Ukraine để đối phó Nga trên chiến trường
VOV.VN - Khi nguồn cung vũ khí và đạn dược từ phương Tây giảm dần, các lực lượng Ukraine phải tự phát triển những thiết bị quân sự và hệ thống vũ khí của riêng mình để giành ưu thế trước quân đội Nga trên chiến trường, trong đó có những loại vũ khí Kiev tự chế tạo rất đặc biệt.
Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các quốc gia phương Tây đã gửi hàng tỷ USD viện trợ quân sự và hỗ trợ tài chính cho Ukraine. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, sự hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine ngày càng suy giảm, trong khi kho vũ khí và đạn dược của Kiev dần cạn kiệt.
Các lực lượng Ukraine đang phải tự phát triển những thiết bị quân sự và hệ thống vũ khí của riêng mình để có thể giành ưu thế trước quân đội Nga trên chiến trường. Từ máy bay không người lái (UAV) được trang bị chất nổ, cho đến xe bán tải dân sự có bệ phóng tên lửa phía sau, Ukraine đang tận dụng tối đa những gì họ có thể đẩy lùi lực lượng Nga.
Ukraine cũng tự chế tạo súng cối cùng đạn pháo 122mm, 152mm theo chuẩn Liên Xô. Các công ty Ukraine đang tìm cách đáp ứng nhu cầu đạn pháo 155mm chuẩn NATO, vốn dùng cho những khẩu pháo mà phương Tây cung cấp. Tuy nhiên, dây chuyền sản xuất đạn pháo 155mm của Ukraine khó có thể bắt đầu hoạt động vào nửa đầu năm nay.
Ukraine tự chế nhiều loại vũ khí
Các lực lượng Ukraine thường sử dụng các phương pháp thô sơ để đối phó với binh sĩ, phương tiện, máy bay và tàu chiến của Nga, chẳng hạn như kết hợp vũ khí do phương Tây sản xuất với vũ khí thời Liên Xô đã có trong kho vũ khí, cũng như cùng các thiết bị khác.
Ngoài ra, Ukraine đã lắp đặt hệ thống phóng tên lửa cải tiến trên xe bán tải dân sự. Với khả năng cơ động hiệu quả và độ sát thương của đạn nổ phóng bằng tên lửa, quân đội Ukraine coi phương tiện này là “chiếc xe ác mộng”.
Binh sĩ Ukraine cũng lắp đặt những loại vũ khí khác lên xe tải dân sự. Chẳng hạn, một đơn vị quân đội Ukraine ở Kupiansk đã gắn những khẩu súng phòng không KS-19 từ thời Liên Xô lên xe tải dân sự để chiến đấu với Nga.
Vào tháng 4/2022, Ukraine đã sử dụng tên lửa Neptune để phá hủy tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen của Nga. Vào tháng 12/2023, có thông tin Ukraine trong nhiều tháng đã thử nghiệm những cải tiến nhằm mở rộng tầm bắn của tên lửa Neptune lên tới 400 km. Kiev dường như đã bắt đầu sử dụng loại tên lửa này cho các cuộc tấn công vào Bán đảo Crimea nhằm phá hủy một số hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Moskva không phải là tàu duy nhất trong Hạm đội Biển Đen của Nga hứng chịu đòn tấn công từ vũ khí Ukraine. Giới chức Ukraine ước tính Nga hiện đã mất tới 1/3 Hạm đội Biển Đen.
Lực lượng Ukraine đã sử dụng xuồng không người lái Sea Baby để nhắm mục tiêu vào các tàu của Nga. Vào ngày 4/8/2023, một đoạn video ghi lại cảnh một xuồng không người lái Ukraine tấn công tàu đổ bộ Olenegorskiy Gornyak của Nga. Ba tháng sau, thêm hai tàu chiến Nga bị xuồng không người lái của Ukraine làm hư hại.
Đầu năm nay, một đơn vị quân đội đặc biệt của Ukraine đã đánh chìm một tàu chiến nhỏ của Nga có tên Ivanovets bằng cách sử dụng 6 xuồng không người lái hải quân được điều khiển bằng vệ tinh.
Các lực lượng Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái tấn công một chiều phát nổ tạm thời, được chế tạo từ máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) giá rẻ, có khả năng mang chất nổ. Máy bay không người lái giá rẻ của Ukraine vẫn có thể tạo ra đòn tấn công bằng cách sử dụng đầu đạn và chất nổ dẻo.
Sự thành công của phương tiện không người lái, cả trên không và trên biển, đã dẫn tới sự bùng nổ trong ngành công nghiệp máy bay không người lái ở Ukraine. Bộ trưởng Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine Mykhailo Fedorov cho biết, khoảng 200 công ty ở Ukraine đã tập trung vào sản xuất máy bay không người lái, với số lượng giao hàng trong tháng 12 vừa qua tăng gấp 50 lần so với năm trước.
“Trong cuộc xung đột với Nga, chúng ta dựa vào hai nguồn lực và tiền bạc và nhân lực. Nếu biết cách sử dụng hai nguồn lực cơ bản này, chúng ta sẽ giành chiến thắng, nếu không, chúng ta sẽ gặp vấn đề lớn”, ông Fedorov cho hay.
Giống như quân đội Nga, lực lượng Ukraine cũng chế tạo những chiếc giáp lồng để bảo vệ các xe bọc thép khỏi các cuộc tấn công của UAV đối phương. Mặc dù vậy, những chiếc UAV FPV của Nga vẫn vượt qua được “lớp phòng thủ” này. Theo một nhà nghiên cứu vũ khí, những chiếc giáp lồng “chủ yếu nhằm mục đích phòng thủ trước UAV Lancet của Nga”.
Vũ khí tự chế của Ukraine không dừng lại "trên mặt đất"
Những vũ khí tự chế của Ukraine không chỉ giới hạn ở những vũ khí trên mặt đất. Quân đội Ukraine đã lắp đặt tên lửa AGM-88 HARM lên máy bay chiến đấu MiG-29 từ thời Liên Xô. AGM-88 có thể phát hiện, tấn công và phá hủy ăng-ten radar hoặc trạm phát.
Cựu Tổng Tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu, Tướng Ben Hodges, đánh giá rằng việc kết hợp tên lửa của phương Tây với máy bay thể hiện sự hiểu biết về kỹ thuật và chiến thuật của quân đội Ukraine.
“Bạn không thể lắp đặt tùy tiện tên lửa lên máy bay. Có rất nhiều thứ liên quan đến hệ thống điện tử hàng không và các khía cạnh khác của máy bay. Và Ukraine đã làm được điều đó”, ông Hodges cho hay.
Trong nỗ lực tăng cường khả năng phòng không, binh sĩ Ukraine cũng kết hợp tên lửa đất đối không của phương Tây và các bệ phóng từ thời Liên Xô, hay còn gọi là hệ thống phòng không lai ghép (FrankenSAM). Hệ thống phòng không lai ghép này xuất phát từ nhu cầu tăng cường khả năng phòng không của Ukraine để bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng khỏi các cuộc không kích của Nga trong mùa đông.
Các lực lượng Ukraine đã sử dụng tên lửa không đối không AIM-9 do Mỹ cung cấp để gắn vào bệ phóng từ thời Liên Xô. Loại tên lửa này cũng có thể được sử dụng trong khả năng không đối đất.
“Chúng tôi đã tìm ra cách phóng tên lửa từ mặt đất. Đó là một loại hệ thống phòng không tự chế tạo”, một quan chức Ukraine nói với Financial Times.
Chiến thuật "mồi nhử" của Ukraine
Theo Business Insider, dù vũ khí thật có hữu ích như thế nào, Ukraine vẫn dùng “mồi nhử” để đánh lừa lực lượng Nga. Xe tăng giả đã được sử dụng kể từ Chiến tranh thế giới thứ nhất và Ukraine đang tiếp tục sử dụng chiến lược này trong xung đột với Nga. Trong khi đó, Nga cũng áp dụng chiến thuật tương tự, song không phải lúc nào chúng cũng hiệu quả.
Việc sử dụng “mồi nhử” trên chiến trường ở Ukraine trở nên khó khăn hơn do các công nghệ quân sự ngày càng phát triển như máy ảnh nhiệt, giúp phát hiện “vũ khí giả” dễ hơn.
Ukraine được cho là đã đặt các bệ phóng tên lửa HIMARS giả làm từ gỗ để ngăn chặn hỏa lực tấn công mục tiêu thật. Binh sĩ Ukraine cũng chế tạo các tấm phản xạ radar tạm thời bằng cách tái sử dụng các thùng dầu cũ. Họ thậm chí còn tạo ra một số hệ thống rất thực với các bộ phận chuyển động.