Những điều có thể bạn chưa biết sự cố vaccine Covid-19 bị nhiễm bẩn ở Nhật Bản
VOV.VN - Nhật Bản đã thông báo tạm ngừng sử dụng hàng triệu liều vaccine của Moderna sau khi phát hiện các trường hợp nhiễm bẩn.
Việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 của Nhật Bản đã gặp phải trở ngại khi có nhiều báo cáo về các trường hợp vaccine của Moderna bị nhiễm bẩn.
Dưới đây là những mối quan tâm chính về việc vaccine Moderna ở Nhật Bản nhiễm bẩn.
Nhật Bản phát hiện vaccine Moderna nhiễm bẩn từ khi nào?
Công ty Takeda Pharmaceutical, đơn vị phân phối vaccine Moderna ở Nhật Bản, đã ghi nhận các trường hợp vaccine Moderna nhiễm bẩn đầu tiên vào ngày 16/8. Sau đó, công ty này phát hiện 39 lọ vaccine có chứa chất lạ, tất cả từ cùng một lô vaccine khoảng 570.000 liều.
Ngày 26/8, trong biện pháp đề phòng khi phát hiện trường hợp nhiễm bẩn, Nhật Bản đã ngừng sử dụng 1,63 triệu liều vaccine Moderna được vận chuyển đến 863 trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc. Nhật Bản đã đình chỉ sử dụng lô vaccine 3004667 bao gồm những lọ có chứa chất lạ và 2 lô có số lượng vaccine tương tự là 3004734 và 3004956.
Ngày 29/8, một trung tâm tiêm chủng ở tỉnh Okinawa báo cáo tìm thấy chất nhiễm bẩn trong lô vaccine thứ tư – 3005293.
Bộ Y tế Nhật Bản cho biết, tạp chất màu đen được phát hiện trong ống tiêm chứa vaccine và trong một lọ vaccine và tạp chất màu hồng được tìm thấy trong một ống tiêm khác.
Một trung tâm tiêm chủng ở tỉnh Gunma, gần Tokyo đã tìm thấy một tạp chất nhỏ màu đen trong một lọ vaccine từ lô 3005236.
Chính quyền địa phương đã tạm thời ngừng sử dụng các lô vaccine bị nhiễm bẩn tại Okinawa và Gunma. Sau đó, Bộ Y tế Nhật Bản và công ty Takeda Pharmaceutical cho biết, không có lo ngại về an toàn và không cần thiết phải ngừng sử dụng vaccine.
Ngày 31/8, Bộ trưởng Y tế Norihisa Tamura nói rằng các trường hợp phát hiện tạp chất trong vaccine ngừa Covid-19 ở Okinawa là do nhân viên y tế đâm kim tiêm không đúng cách vào lọ vaccine, làm vỡ phần nắp bằng cao su của lọ vaccine.
Các chất gây ô nhiễm là gì?
Đài truyền hình NHK trích dẫn nguồn tin của Bộ Y tế Nhật Bản cho biết, các chất gây ô nhiễm được tìm thấy trong một lô vaccine Covid-19 của Moderna được cho là các hạt kim loại.
Bộ Y tế vẫn chưa xác định được cụ thể thành phần của “hạt kim loại” và đang chờ công ty Takeda, Moderna và hãng dược Rovi của Tây Ban Nha - một trong các cơ sở sản xuất vaccine Covid-19 của Moderna, tiến hành điều tra. Các công ty hiện chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Lô vaccine bị đình chỉ có gặp vấn đề về an toàn không?
Nhật Bản và Moderna cho biết, lô vaccine bị đình chỉ ở Nhật Bản không liên quan vấn đề an toàn.
Bộ Y tế Nhật Bản hôm 28/8 cho biết, hai người đàn ông 30 tuổi và 38 tuổi đã tử vong vài ngày sau khi tiêm mũi vaccine Moderna thứ hai. Mỗi người tiêm 1 liều vaccine từ một trong những lô bị ngưng sử dụng - 3004734. Hiện nguyên nhân tử vong của hai trường hợp này đang được điều tra.
Một quan chức Bộ Y tế nói rằng, không có bằng chứng về chất gây ô nhiễm trong các mũi tiêm của 2 người đàn ông trên.
Tính đến ngày 8/8, có 991 người tử vong ở Nhật Bản sau khi đã được tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech và 11 người tử vong sau khi đã tiêm vaccine Moderna. Theo Bộ Y tế, không có mối quan hệ nhân quả nào được xác định giữa việc tiêm vaccine và tử vong.
Bộ trưởng phụ trách chương trình tiêm chủng Taro Kono hôm 27/8 cho biết, khoảng 500.000 người đã tiêm vaccine từ 3 lô đầu tiên bị đình chỉ.
Vaccine Moderna tại các quốc gia khác có bị ảnh hưởng không?
Rovi, công ty đóng lọ vaccine Moderna cho các thị trường khác ngoài Mỹ, tuần trước cho biết, lô vaccine bị nghi nhiễm bẩn chỉ phân phối ở Nhật Bản.
Hàn Quốc, quốc gia cũng nhận vaccine Moderna được sản xuất từ các cơ sở ở Mỹ và Tây Ban Nha, cho biết, các lô vaccine của họ không bị ảnh hưởng.
Tuần trước, cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu cho biết, họ đang điều tra vụ việc nhưng những đánh giá ban đầu cho thấy không có lý do gì để yêu cầu tạm ngừng sản xuất vaccine Moderna./.