Những gì Mỹ đang phải trả vì cuộc xung đột ở Ukraine
VOV.VN - Ngoài việc là một vấn đề chia rẽ các đảng phái, cuộc xung đột ở Ukraine còn làm trầm trọng thêm sự phân cực chính trị trong xã hội Mỹ. Bên cạnh đó, những cái giá "ẩn" của nó cũng mở rộng sang lĩnh vực địa chính trị.
Cuộc xung đột chia rẽ nước Mỹ
Vụ ám sát thứ hai nhằm vào cựu Tổng thống Donald Trump chỉ trong hơn 2 tháng liên quan đến một tay súng trước đó tuyên bố sẵn sàng chiến đấu và chết vì Ukraine. Điều này cho thấy xung đột không chỉ ảnh hưởng đến chính trị và chính sách đối ngoại của Mỹ, mà còn tác động đến hệ thống xã hội của nước này.
Ngoài việc là một vấn đề chia rẽ các đảng phái ở Mỹ, cuộc xung đột ở Ukraine còn làm trầm trọng thêm sự phân cực chính trị trong xã hội. Theo một cuộc khảo sát, 66% thành viên đảng Cộng hòa muốn Washington khuyến khích Kiev đàm phán với Moscow trong khi phần lớn đảng Dân chủ (62%) tán thành việc ủng hộ Ukraine lâu nhất có thể. Sự chia rẽ đảng phái trong chính sách đối ngoại thậm chí còn lan rộng đến nhận thức về việc quốc gia nào là đối thủ chính của Mỹ. Theo đó, đảng Cộng hòa quan tâm nhất đến Trung Quốc trong khi đảng Dân chủ lo ngại nhiều hơn về Nga.
Là một phần trong chiến lược của Tổng thống Joe Biden nhằm làm suy yếu Nga ở Ukraine, Washington đã đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho nỗ lực chiến đấu của Kiev trước các lực lượng của Moscow, với việc Quốc hội phê duyệt gần 175 tỷ USD viện trợ quân sự và phi quốc phòng. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Mỹ không thể đảo chiều xung đột khi Nga vẫn đạt được những bước tiến chậm mà chắc trong các thành quả về lãnh thổ ở phía Đông Ukraine.
Một lý do chính là, ngoài vũ khí và tài chính, Ukraine cần thêm tân binh để bổ sung cho lực lượng đã kiệt quệ và suy yếu của mình. Tuy nhiên, ngay cả các hành động ép buộc nhập ngũ khắc nghiệt vẫn không thể bù đắp được tình trạng thiếu hụt quân số ngày càng cấp bách của nước này.
Trong khi đó, cuộc xung đột đã phơi bày một số điểm yếu của quân đội phương Tây, bao gồm việc năng lực công nghiệp của Mỹ không đủ để bổ sung số vũ khí và đạn dược quan trọng cạn kiệt khi cung cấp cho Ukraine.
Cuộc xung đột cũng ẩn chứa những cái giá nhất định, trong đó có tình trạng lạm phát trong nước. Một cuộc khảo sát cho thấy 49% người dân Mỹ ủng hộ các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine để chi phí của các hộ gia đình Mỹ không tăng thêm nữa.
Đồng USD, vốn đang đối mặt với sự xói mòn âm thầm trước cuộc xung đột ở Ukraine, hiện đang đối mặt với thách thức lớn hơn trong sự chi phối toàn cầu để phản ứng trước việc phương Tây vũ khí hóa tài chính và tịch thu các khoản thu của Nga từ các tài sản ngân hàng trung ương bị đóng băng. Khi các quốc gia tìm ra giải pháp thay thế cho đồng USD, đồng tiền này bắt đầu mất đi một số ảnh hưởng toàn cầu, đặc biệt là trên thị trường dầu mỏ.
Trong khi đó, như một chiến lược phòng ngừa rủi ro, các ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Kazakhstan và Đông Âu đã tăng cường mua vàng. Việc tích trữ như vậy, cùng với sự bất ổn địa chính trị lớn hơn, đã góp phần đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục.
Cái giá “ẩn” của cuộc xung đột ở Ukraine
Theo các nhà quan sát, những cái giá "ẩn" của cuộc xung đột Ukraine cũng mở rộng sang lĩnh vực địa chính trị, đặc biệt là cản trở khả năng của Mỹ trong việc ứng phó với thách thức lớn hơn từ Trung Quốc.
Một số nhà quan sát phương Tây cho rằng, Trung Quốc gây ra mối đe dọa lớn hơn nhiều so với Nga đối với các lợi ích của phương Tây và trật tự do Mỹ lãnh đạo. Trong khi các kế hoạch của Nga phần lớn chỉ giới hạn ở khu vực lân cận thì Trung Quốc đang tìm cách thay thế Mỹ để trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Họ cũng có phương tiện: Nền kinh tế Trung Quốc, giống như dân số của họ, lớn hơn Nga khoảng 10 lần và Trung Quốc chi tiêu cho quân đội gấp 4 lần Nga.
Hơn nữa, theo The Hill, Trung Quốc hiện đang tăng cường năng lực quân sự, mở rộng lực lượng thông thường nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào kể từ Thế chiến II. Các nhà quan sát cũng cho rằng, Mỹ đang không dành đủ sự chú ý và nguồn lực để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc và tiếp tục vô tình củng cố ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh, đặc biệt là thông qua việc lạm dụng các lệnh trừng phạt với nhiều quốc gia.
Với nguồn lực quân sự bị kéo căng do can dự vào các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông, một số nhà quan sát cho rằng Mỹ cần cân bằng thực tế hơn các mục tiêu địa chính trị quan trọng của mình vào thời điểm mà phần lớn người Mỹ tin rằng sức mạnh quốc gia đang suy yếu trên trường quốc tế.
Mỹ phải đối mặt với thực tế rằng, bất chấp sự hỗ trợ đáng kể của phương Tây, Ukraine vẫn khó có thể đẩy Nga khỏi các vùng lãnh thổ mà nước này chiếm được ở phía Đông và phía Nam Ukraine. Việc cho phép Kiev sử dụng tên lửa hành trình tầm xa của phương Tây để tấn công các mục tiêu sâu trong nước Nga bằng dữ liệu định vị và công nghệ khác của Mỹ sẽ chỉ gây ra nguy cơ xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga.
Về cơ bản, một cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine sẽ không có lợi cho Mỹ. Nhưng để chấm dứt xung đột đòi hỏi phải có đối thoại và ngoại giao, điều đang hạn chế giữa Washington và Moscow.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Nga gia tăng, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tìm cách làm trung gian hòa giải cho một lệnh ngừng bắn. Sau chuyến thăm Moscow và Kiev, ông Modi sẽ tóm tắt cho Tổng thống Biden về nỗ lực gìn giữ hòa bình của mình khi họ gặp nhau ngày 21/9 tại Hội nghị Thượng đỉnh Quad ở Wilmington, Delaware. Nếu không có sự ủng hộ hoàn toàn từ Mỹ, cuộc gặp theo dự kiến giữa Thủ tướng Modi với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng tới tại Hội nghị Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo BRICS có thể đạt được rất ít thành quả.
Một sự thay đổi chính sách của Mỹ theo hướng ủng hộ lệnh ngừng bắn có thể phải chờ kết quả của cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Vì đàm phán để đi đến một thỏa thuận là cách duy nhất để chấm dứt xung đột nên tốt hơn hết, các bên cần ngồi lại với nhau sớm nhất có thể, nhất là sau một thời gian dài chứng kiến sự đổ máu và tàn phá.