Những lần phương Tây cho phép Ukraine vượt lằn ranh đỏ của Nga
VOV.VN - Dưới đây là những lần phương Tây xóa bỏ các điều cấm kỵ, đưa Ukraine từng bước vượt qua những giới hạn được coi là lằn ranh đỏ của Nga.
Mỹ sẽ cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Washington sản xuất với tầm bắn lên tới hơn 300km để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, 2 quan chức Mỹ và một nguồn tin thân cận với quyết định này cho hay ngày 17/11.
Hiện vẫn chưa có phản ứng từ Điện Kremlin nhưng một số nghị sĩ cấp cao Nga cho biết việc nới lỏng các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ là một sự leo thang nghiêm trọng. Hồi tháng 9, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, động thái trên đồng nghĩa với "sự tham gia trực tiếp của các nước NATO" vào cuộc xung đột.
Tên lửa tầm xa ATACMS
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ lâu đã yêu cầu phương Tây cung cấp cho nước này các vũ khí có thể tấn công sâu vào lãnh thổ Nga - nỗ lực đóng vai trò quan trọng trong việc làm gián đoạn chuỗi hậu cần và tuyến liên lạc của đối phương. Mỹ từng trì hoãn cung cấp tên lửa tầm xa ATACMS do lo ngại Nga coi đây là động thái leo thang xung đột, song vào tháng 10/2023, Washington đã cung cấp phiên bản tầm ngắn của tên lửa này cho Kiev với tầm hoạt động tối đa là 165km.
Sau đó, vào đầu năm 2024, Ukraine cuối cùng đã nhận được phiên bản tầm xa hơn của tên lửa ATACMS với tầm bắn lên tới hơn 300km. Với sự cho phép của Mỹ, Ukraine hiện có thể tấn công vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga, có khả năng nhất là quanh khu vực Kursk, nơi các lực lượng của Kiev vẫn chiếm giữ một số vùng lãnh thổ sau cuộc đột kích hồi đầu tháng 8.
Các nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington cho biết hàng trăm mục tiêu quân sự của Nga nằm trong tầm bắn của ATACMS.
Tuy nhiên, có thể một số tài sản quân sự của Moscow, bất chấp những khó khăn về hậu cần, đã được di chuẩn vào sâu hơn trong lãnh thổ Nga trước quyết định trên của Mỹ.
Tiêm kích F-16
Ukraine đã yêu cầu tiêm kích F-16 không lâu sau khi xung đột nổ ra để tăng cường khả năng tầm xa cũng như sử dụng các chiến đấu cơ này để bắn hạ các tên lửa hành trình được Moscow phóng vào sâu trong lãnh thổ Ukraine.
Các phi công Ukraine chỉ mới bắt đầu được huấn luyện vận hành tiêm kích này vào tháng 8/2023 sau các cuộc đàm phán kéo dài giữa các nước phương Tây về việc bên nào sẽ chịu trách nhiệm cung cấp và đào tạo.
Ukraine cố gắng hoàn thành quá trình đào tạo sớm nhất có thể và xác nhận rằng nước này nhận được những tiêm kích F-16 đầu tiên vào ngày 31/7 năm nay. Kể từ đó, Kiev đã tổn thất một trong các chiến đấu cơ này trong quá trình đánh chặn tên lửa Nga.
Xe tăng phương Tây
Mặc dù các đồng minh của Ukraine ở Đông Âu đã cung cấp cho nước này các xe tăng thời Liên Xô sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt nhưng Ukraine vẫn muốn các xe tăng do phương Tây sản xuất như Challenger 2 của Anh và Leopard 2 của Đức. Cuối cùng vào tháng 1/2023, các xe tăng này đã được chuyển giao cho Kiev sau một quá trình dài đàm phán.
Thỏa thuận về liên minh các quốc gia cung cấp xe tăng cho Ukraine đã bị trì hoãn do những lo ngại từ Đức rằng động thái này có thể bị Nga coi là bước đi leo thang xung đột. Dù vậy, Berlin cuối cùng đã thông qua việc chuyển giao các xe tăng Leopard 2 từ kho vũ khí của các nước khác cũng như của mình cho Ukraine.
Các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga
Trong hơn 2 năm qua, Mỹ không cho phép Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga bằng bất cứ vũ khí nào do nước này cung cấp. Sau cuộc tấn công của Nga hồi tháng 4/2024 gần thành phố Kharkov ở phía Tây Nam, Washington đã thay đổi lập trường dưới sức ép từ Kiev.
Ukraine đã bí mật được Tổng thống Biden cho phép sử dụng các vũ khí do Mỹ cung cấp để nhắm vào các mục tiêu quân sự quan trọng nằm trong lãnh thổ Nga hỗ trợ cho cuộc tấn công vào Kharkov.