“Nợ xấu” đe doạ nền kinh tế Trung Quốc

Theo Cơ quan Thẩm định Tài chính quốc tế Moody’s, mức nợ công của Trung Quốc lên đến 36% GDP chứ không phải 20% như Bắc Kinh xác định.  

Theo giới phân tích, mức nợ công do Moody’s đưa ra đầu tuần này tuy chưa phải là con số khiến dư luận “giật mình” nhưng nó cho thấy Bắc Kinh cũng đang phải đối mặt với những thách thức mới từ nợ công.

Thứ nhất, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nóng trong nhiều thập kỷ trở lại đây với GDP trung bình từ 9-9,5%. Cùng với đó, cụm từ “nợ công” dường như khá xa lạ với Trung quốc khi kinh tế nước này trong năm qua đã vượt Nhật Bản, vươn lên vị trí thứ 2 trên thế giới.

Trên thực tế, người ta nói nhiều đến nợ công của Hy Lạp, của Ireland, của khu vực đồng Euro, của Nhật Bản, hay của Mỹ... chứ chưa từng nhắc đến nợ công của Trung Quốc. Hơn nữa trong 2 chuyến công du châu Âu từ đầu năm đến nay, các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đều tuyên bố sẽ giúp các nước châu Âu vượt qua khủng hoảng nợ.

Thậm chí, trong khuôn khổ chuyến thăm Hungaria tháng trước, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố sẽ mua một số khoản nợ của Budapest. Chính vì thế, con số 36% nợ công tính trên GDP của Trung Quốc khiến dư luận có phần ngạc nhiên.

Con số 36% nợ công tính trên GDP của Trung Quốc khiến dư luận có phần ngạc nhiên

Dẫu nợ nần là chuyện bình thường, nhưng trong trường hợp của Trung Quốc, cũng đã có một số câu hỏi đặt ra. Trước hết là vì sao mức nợ công của nước này lại “nhỉnh” hơn so với các con số báo cáo chính thức? Và gánh nặng nợ công này tác động như thế nào đến sự tăng trưởng và ổn định của kinh tế Trung Quốc thời gian tới?

Theo các chuyên gia kinh tế của Moody’s, một trong những nguyên nhân chính khiến nợ công của Trung Quốc tăng nhanh là những “lỗ hổng” từ các kế hoạch đầu tư khổng lồ của nước này.

Theo các thông tin mới nhất, các ngân hàng Trung Quốc đã cho các chính quyền địa phương vay gần 1.200 tỷ USD, một tỷ lệ lớn so với mức cho vay trong khuôn khổ thông thường. Chỉ tính riêng phần nợ 455 tỷ USD không ghi vào báo cáo chính thức đã chiếm đến 15% tổng số tín dụng ngân hàng.

Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu "tạm chấp nhận được" theo quy định không thể vượt quá 12% mức tín dụng. Nguy cơ nợ xấu đã hình thành khi các chính quyền địa phương “lờ đi nghĩa vụ phải hoàn trả” sô tiền Nhà nước đầu tư không ghi trong báo cáo.

Một tổ chức tài chính quốc tế khác chuyên nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc cho biết: trong năm 2010, có khoảng 10.700 tỷ NDT (1.140 tỷ euro) được rót về cho các địa phương. Nhưng đây mới chỉ là con số trên báo cáo. Còn con số thực tế phải tính thêm 3.500 tỷ NDT nữa mà không biết vô tình hay cố ý, không được ghi trong báo cáo. Những con số khổng lồ này đã khiến mức nợ công của Trung Quốc tăng nhanh.

Do thiếu vắng những kế hoạch xử lý nợ xấu, giới tài chính quốc tế cho rằng các ngân hàng Trung Quốc sẽ bị mất điểm tin cậy.

Vấn đề đặt ra hiện nay là liệu Trung Quốc có nguy cơ đối mặt với khủng hoảng nợ?  Theo giới phân tích kinh tế, rất khó có thể trả lời chính xác câu hỏi này vì nền kinh tế của Bắc Kinh được xây dựng trên nhiều yếu tố.

Trong bối cảnh lạm phát phi mã, giá nhân công tăng cao cùng số nợ tại các địa phương ngày một tăng nhanh, sức tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc rất có thể sẽ bị giảm sút.

Ngân hàng Credit Suisse dẫn lại các số liệu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố mới đây cho biết tín dụng tại Trung Quốc đã gia tăng ở mức đáng báo động, cao hơn nhiều so với ước tính của Chính phủ. Hãng này cũng hạ dự báo lợi nhuận của các ngân hàng nhà nước và doanh nghiệp Trung Quốc, cảnh báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại.

Dù Bắc Kinh chưa phải đối mặt với những nguy cơ lớn từ nợ công, nhưng con số 36% mức nợ công tính trên GDP mà Moody’s công bố, được coi là một tín hiệu cảnh báo mới với Trung Quốc. Bởi, trong bối cảnh các nền kinh tế lớn trên thế giới như EU, Mỹ, Nhật đều “vướng” vào bẫy nợ công, thì những cảnh báo này sẽ không thừa khi nền kinh tế Trung quốc vẫn trên đà tăng trưởng rất nóng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên