Nội bộ Iran chia rẽ về cách phản ứng sau vụ Israel hạ sát thủ lĩnh Hezbollah
VOV.VN - Sau vụ thủ lĩnh Hezbollah Nasrallah bị không quân Israel hạ sát bằng bom, nội bộ Iran đã có sự chia rẽ trong cách phản ứng.
Sau khi thủ lĩnh Hezbollah bị Israel hạ sát ngay ở thủ đô Beirut của Lebanon, bốn quan chức Iran nói với tờ New York Times rằng nhóm cứng rắn của Iran muốn trả đũa tức thì, còn nhóm ôn hòa, bao gồm đương kim tổng thống, thiên về tránh chiến tranh tổng lực, riêng Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei có vẻ chưa quyết định về bước đi tiếp theo. Cả bốn quan chức này đều giấu tên, hai người trong số họ là thành viên của Lực lượng vệ binh cách mạng Iran.
Cú sốc tinh thần đối với Iran
Quân đội Israel vào sáng 28/9 xác nhận họ đã giết chết thủ lĩnh Nasrallah cùng các chỉ huy cấp cao khác của Hezbollah trong cuộc không kích hầm ngầm của thủ lĩnh này tại Beirut.
Giữa lúc an ninh được thắt chặt, Đại giáo chủ Khamenei sau đó đã được di chuyển tới một nơi bí mật mà từ đó ông thề sẽ trả thù cho cái chết của thủ lĩnh Nasrallah ở Lebanon.
Bốn quan chức Iran cho hay, Lãnh tụ Khamenei đã bị “chấn động sâu sắc” trước cái chết của người bạn thân là thủ lĩnh Nasrallah. Khi biết tin tức về việc ông Nasrallah bị hạ sát, ông Khamenei đã triệu tập họp khẩn cấp Hội đồng An ninh quốc gia tối cao ngay tại nhà mình. Trong cuộc họp, xuất hiện các quan điểm khác nhau về những việc nên làm.
Vụ hạ sát thủ lĩnh cấp cao của Hezbollah khi đang ở trong hầm sâu ngay tại thủ đô Beirut cho thấy mức độ xâm nhập sâu của tình báo Israel vào hàng ngũ Hezbollah, giúp Israel có thể tấn công chính xác vào mục tiêu (kho vũ khí, boong-ke, nhân vật quan trọng) cũng như gài thuốc nổ vào hệ thống liên lạc (máy nhắn tin và máy bộ đàm) của các thành viên tổ chức này.
Nội bộ cấp cao Iran chia làm 3 phái
Trong cuộc họp khẩn nêu trên. các thành viên cứng rắn, bao gồm Saeed Jalili, hối thúc nhanh chóng xây dựng đòn răn đe của Iran bằng cách tấn công Israel trước khi Israel ra tay với Iran.
Truyền hình nhà nước Iran cũng hối thúc tấn công Israel.
Trong khi đó, tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian phản đối ý tưởng tấn công Israel. Ông Pezeshkian tin rằng việc đánh phủ đầu Israel sẽ khiến Iran rơi vào bẫy của Israel nhằm phát động một cuộc chiến tranh khu vực.
Những người ôn hòa khác cũng lo ngại rằng một cuộc tấn công Israel sẽ kéo theo việc Israel trả đũa, phá hủy các cơ sở hạ tầng trọng yếu của Iran - điều sẽ tác động tiêu cực lên nền kinh tế của Iran.
Tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tuần trước, Tổng thống Iran Pezeshkian nói với các phóng viên rằng Iran sẵn sàng “hạ vũ khí nếu Israel hạ vũ khí”. Ông kêu gọi lập một lực lượng quốc tế để can thiệp thiết lập hòa bình ở Trung Đông.
Giới bảo thủ tại Iran đã công kích bài phát biểu của Tổng thống Pezeshkian, cho rằng thông điệp mà ông gửi đi thể hiện sự yếu đuối và điều này khuyến khích Israel ra tay hạ sát thủ lĩnh Nasrallah. Nhóm này hiện đang thúc giục Iran gửi các đơn vị chiến đấu tới Lebanon để hỗ trợ Hezbollah trong trường hợp xung đột tại đây lan rộng thành chiến tranh toàn diện.
Về phần mình, trong phát biểu công khai, Lãnh tụ Khamenei ca ngợi thủ lĩnh Hezbollah Nasrallah và thề sẽ ủng hộ Hezbollah, tuy nhiên ông không đe dọa tấn công Israel. Ông cũng chỉ ra rằng Hezbollah sẽ dẫn dắt phản ứng đối với vụ ám sát: “Tất cả những lực lượng kháng chiến sát cánh với Hezbollah. Chính Hezbollah chèo lái lực lượng kháng chiến, sẽ quyết định số phận của khu vực”.
Một số nhà phân tích cho rằng cách phản ứng như trên cho thấy lãnh tụ tối cao của Iran vẫn chưa quyết định rõ ràng về cách đáp trả Israel và có dấu hiệu ông Khamenei muốn tránh chiến tranh tổng lực với Israel.
Dòng chủ lưu sẽ là để Hezbollah tiếp tục đối mặt trực tiếp với Israel?
Tương tự Đại giáo chủ Khamenei, các quan chức cấp cao khác của Iran cũng tuyên bố rằng lực lượng ủy nhiệm của họ trong vùng sẽ đánh trả Israel, còn lực lượng chính thức của Iran sẽ không tấn công trực tiếp.
Truyền thông nhà nước Iran cho hay, Chủ tịch Quốc hội Iran Baqer Qalibaf hôm 29/9 nói rằng những “nhóm kháng chiến” theo cách gọi của Iran sẽ tiếp tục đối đầu Israel với sự trợ giúp của Iran.
Mohammad Ali Abtahi - cựu phó tổng thống Iran, trả lời phỏng vấn của New York Times qua điện thoại rằng vụ hạ sát Nasrallah là “một đòn mạnh khó tin”. Ông này thừa nhận: “Nói thật, chúng tôi không có con đường rõ ràng để hồi phục sau tổn thất này”.
Ông Abtahi xác nhận: “Chúng tôi sẽ không tham chiến, điều này không được đưa ra bàn thảo. Nhưng Iran sẽ không đảo ngược tiến trình ủng hộ các nhóm chiến binh trong khu vực, cũng không làm giảm căng thẳng với phương Tây. Có thể theo đuổi tất cả những điều này cùng một lúc”.
Hai quan chức của Vệ binh cách mạng Iran, bao gồm một chiến lược gia có mặt tại các cuộc họp bàn về cách phản ứng trước vụ hạ sát Nasrallah, cho biết mối quan ngại đầu tiên của Iran là giúp Hezbollah hồi phục sau loạt đòn dữ dội mà Israel giáng vào ban lãnh đạo và cơ sở hạ tầng của tổ chức chiến binh Hồi giáo này. Những hỗ trợ này bao gồm bổ nhiệm một thủ lĩnh mới thay ông Nasrallah, xây dựng cơ cấu chỉ huy mới cho Hezbollah, và xây lắp một mạng lưới liên lạc mới cho tổ chức này. Sau đó Hezbollah mới có thể bắt đầu lên kế hoạch trả đũa Israel.
Hai quan chức Vệ binh nói trên tiết lộ, Iran sẽ gửi một thành viên cấp cao của nhóm Quds tinh nhuệ tới thủ đô Beirut qua ngả Syria để cố vấn cho Hezbollah.
Xem thêm:
>> Thủ tướng Israel bất ngờ cải tổ nội các an ninh, chuẩn bị cho chiến tranh lâu dài?
>> Các máy bộ đàm Hezbollah phát nổ gây thương vong lớn - đòn tiếp theo của Israel?
>> Thế khó của Israel khi bước vào cuộc chiến tranh với Hezbollah