Nói chuyện với các nhà báo Nhật Bản đến Việt Nam đưa tin về xung đột Biển Đông

VOV.VN - Cả ba phóng viên của Nhật Bản đều cảm thấy rất ấn tượng trước quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của nhân dân Việt Nam.

Ba phóng viên của hai tạp chí Nhật chí nổi tiếng của Nhật Bản Bungeizyunsyu The Weekly Bunsyun là Kenmori, Shiro Saito và Taku Miseo đã có mặt tại Việt Nam trong tuần qua vào thời điểm nóng tại quần đảo Trường Sa tận mắt chứng kiến những hành động leo thang của phía Trung Quốc sau khi đặt giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam vào ngày 1/5/2014.

Ba phóng viên đã có nhiều cuộc tiếp xúc phỏng vấn nhiều nhà chuyên gia nghiên cứu Biển Đông của Học viện ngoại giao, Hội đồng Lý luận Trung ương, các vị tướng lĩnh trong Bộ Quốc phòng, các doanh nghiệp Nhật Bản và cả người dân Việt Nam đang làm việc tại các khu công nghiệp tải Bình Dương.

Các nhà báo Nhật Bản tham gia phỏng vấn tại Hội đồng Lý luận Trung ương

Phóng viên VOV đã cuộc phỏng vấn với nhóm phóng viên của trước khi họ rời Việt Nam.

PV: Ấn tượng gì đầu tiên của anh khi đặt chân tới Việt Nam?

Anh Kenmori (Tạp chí Bungeizyunsyu): Trước khi đến Việt Nam tôi đã xem cuốn băng video tàu Trung Quốc phun vòi rồng làm vỡ kính các tàu ngư dân và lực lượng Kiểm ngư của Việt Nam.

Sau khi tôi đặt chân tới Hà Nội, Việt Nam hiện lên trong mắt tôi một hình ảnh hoàn toàn khác hẳn. Ngoài kia Biển Đông đang dậy sóng, song nơi đây nhịp sống hàng ngày thật nhộn nhịp.

Tất cả người dân Việt Nam đều bày tỏ thái độ lên án hành động sai trái của một nước lớn như Trung Quốc.

Tôi cảm nhận 90 triệu trái tim Việt Nam đang trở thành một khối, nêu cao tinh thần yêu nước, kiên quyết giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc. Tôi thật sự thấy cảm động trước ý chí của người Việt Nam.

Phóng viên Kenmori tham gia phỏng vấn

Nhiều người Việt Nam đã cho tôi thấy cách hành xử trắng trợn và đổi trắng thay đen của Trung Quốc.

Tôi cũng không khỏi ngạc nhiên trước vẻ ngoài điềm tĩnh đàng hoàng khoan dung của các chính trị gia, các tướng lĩnh, các chuyên gia nghiên cứu lịch sử và cả người dân Việt Nam trước cục diện của đất nước hiện nay.

PV: Anh suy nghĩ thế nào về cách hành xử của Việt Nam đối với Trung Quốc?

Anh Kenmori: Nhìn vào cục diện căng thẳng đang diễn ra này tôi khẳng định chính nghĩa đang đứng về phía Việt Nam. Tuy nhiên, để bảo vệ chính nghĩa của mình, Việt Nam cần nỗ lực đoàn kết với các nước ASEAN hơn nữa.

Cộng đồng ASEAN cần kêu gọi và có những hành động cụ thể dựa trên luật pháp Quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 nhằm buộc Trung Quốc phải chấm dứt những hành vi sai trái để bảo vệ chủ quyền chính đáng và hợp pháp của Việt Nam và lợi ích của cả cộng đồng ASEAN. 

Tôi hy vọng Việt Nam và ASEAN sẽ mở rộng giao lưu sâu hơn không những cấp chính phủ, Quốc hội, các địa phương, các doanh nghiệp đầu tư thậm chí đến từng người dân trong khối các nước ASEAN tạo ra mối quan hệ chiến lược thực chất không hình thức, không màu mè.

Ngoài ra, Việt Nam cần cụ thể hóa các nội dung trong Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), sớm thống nhất Bộ qui tắc ứng xử  trên Biển Đông (COC) tạo thành một khối ASEAN thống nhất keo gắn kết không thể tách rời mới có thể phá bỏ ý đồ của Trung Quốc chia rẻ khối ASEAN tiến tới độc chiếm Biển Đông.

PV: Anh có ý tưởng gì cho những bài viết sắp tới của mình về vấn đề này?

Anh Kenmori: Tôi nghĩ rằng các bài viết của tôi chỉ là bài báo nhỏ giống như hạt muối trong cả cơn sóng cuộn vùng Biển Đông Việt Nam. Chúng ta cần có một chiến dịch quảng bá tuyên truyền rộng rộng rãi đưa ra những chứng cứ xác thực liên quan đến quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với Trường Sa và Hoàng Sa.

GS, TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trả lời phóng viên Nhật Bản

Điều này rất quan trọng để thể hiện chủ quyền của hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam. Ví dụ năm 1776 trong cuốn Phủ biên Tạp Lục của nhà bác học Lê Quí Đôn ghi rõ một tổ chức dân binh Việt Nam là đội Hoàng Sa đã hoạt động tại Hoàng Sa và Trường Sa, vừa có nhiệm vụ kiểm soát, vừa khai thác tài nguyên ở các hải đảo thuộc Hoàng Sa, Trường Sa.

Để Trung Quốc không thể đổi trắng thay đen trong vấn đề Biển Đông, tôi nhận thấy Việt Nam cần tuyên truyền sâu rộng hơn, mang tính chiến lược cụ thể về những bằng chứng xác thực việc phía Trung Quốc châm ngòi ngọn lửa xung đột vào tháng 5/2011 và 12/2012 khi hai lần cắt cáp tàu Việt Nam nhằm tiến thêm một bước là đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt nam vào ngày 1/5/2014. 

Đây là chuỗi sự kiện vô cùng quan trọng, chứng minh âm mưu độc chiếm biển Đông của chính quyền Trung Quốc. Thông tin được lan truyền trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, các công ty quảng cáo và các tin nhắn điện thoại vô hình sẽ chung giúp người dân trong và ngoài nước hiểu hơn về chuỗi sự kiện này.

Ngoài ra các phóng viên Nhật Bản như chúng tôi sẽ đưa tin nóng hàng ngày từ hình ảnh thu được những va chạm tàu ngoài biển Đông đang quảng bá rộng rãi đến từng người dân các nước ASEAN, Nhật Bản, châu Á và trên thế giới thấy rõ hành vi nguy hiểm của Trung quốc và tình hình nguy cấp ngoài Biển Đông.

Tôi tin chắc thông qua những thông tin đó, Việt Nam giành được sự ủng hộ mọi nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài và các nước trên thế giới.

Hy vọng các bạn sẽ chiến thắng trong sự nghiệp bảo vệ chính nghĩa và chủ quyền đất nước.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ngoài ra, phóng viên VOV còn có cuộc phỏng vấn nhanh với phóng viên Shiro Saito của tờ The Weekly Bunsyun và ghi lại cảm tưởng của anh sau khi có mặt tại đảo Lý Sơn và tỉnh Bình Dương:

“Tôi đến đảo Lý Sơn vào những tháng năm không khí thật nóng bức. Tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh tàu Trung quốc chủ động đâm va và phun vòi rồng vào tàu của ngư dân và Lực lượng kiểm ngư Việt Nam. Phía Trung quốc có khoảng 130 tàu bao gồm cả máy bay liên tục uy hiếp 30 tàu lực lượng chấp pháp tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tôi cũng đã tận mắt chứng kiến phía Trung Quốc có nhiều hành động khiêu khích đe dọa tàu ngư dân và các lực lượng tàu chấp pháp Việt Nam. Ngay sau đó tôi đến Nha Trang, bệnh viện Quãng Ngãi gặp phỏng vấn một ngư dân bị thương nặng sau khi bị tàu Trung Quốc phun nước vào khoang làm vỡ kính. Những người ngư dân Việt nam thật dũng cảm vẫn bám biển đánh cá và bảo vệ chủ quyền Tổ Quốc.

Đại đa số người dân Việt Nam các bạn khi trả lời phỏng vấn đều cho thấy một thái độ phẫn nộ lên án trước hành vi khiêu khích, ngang ngược của Trung Quốc. Họ khẳng định luôn mong muốn nền hòa bình và quan hệ hữu hảo với quốc gia láng giềng, song nếu phía Trung quốc tiếp tục xâm phạm chủ quyền Tổ Quốc thì nhất định không chịu khoan nhượng.

Một điều thú vị chính người Việt Nam lại đặt câu hỏi với tôi: Chính nghĩa đứng về phía nào khi anh tận mặt chứng kiến những gì tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam? Không một giây do dự tôi vừa vuốt mồ hôi trên mặt vừa trả lời: Việt Nam.

Tôi cho rằng Việt Nam các bạn đang tìm mọi phương án giải quyết vần đề này một cách hòa bình. Nhật Bản chúng tôi và các nước khu vực, thế giới cũng đang hàng ngày theo dõi điểm nóng trên vùng biển Hoàng Sa.

Một ấn tượng tốt của tôi khi tác nghiệp là tình hình an ninh của đất nước các bạn rất tốt khiến phóng viên nước ngoài chúng tôi cảm thấy yên tâm. Tại tỉnh Bình Dương mặc dù thấy một vài cảnh sát làm nhiệm vụ song ở đó rất yên bình, nề nếp trật tự qui củ”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên