Nước Pháp năm 2022: Ám ảnh lạm phát, sức mua và xung đột Ukraine
VOV.VN - Năm 2022 dần khép lại nhưng nước Pháp vẫn chưa thể thoát nỗi ám ảnh kéo dài về cải thiện sức mua, khống chế lạm phát cũng như làm thế nào để sớm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine trong bối cảnh vết thương từ đại dịch Covid-19 chưa lành.
Nền tảng mua bán trực tuyến Rakuten ngày 26/12 đưa ra thống kê đáng chý ý khi tỷ lệ người Pháp muốn bán lại những món quà quan trọng và ý nghĩa thường nhận được vào dịp Giáng sinh đã tăng kỷ lục với 16%, gấp đôi so với năm 2021, trong khi khoảng 33% số người được hỏi, và nhiều khả năng con số này sẽ còn lớn hơn nữa trong những ngày tới, cho biết cân nhắc đến ý định này. Một lý do chung được viện dẫn là bán để thu về một khoản tiền, mà theo trang mua sắm Ebay có thể lên đến 336 triệu euro, hỗ trợ phần nào chi tiêu cho những điều cần thiết hơn khi lạm phát tăng cao.
Lạm phát và sức mua
Người Pháp từng bước vào năm 2022 với những hy vọng nền kinh tế sẽ phục hồi sau 2 năm trầm lắng vì đại dịch Covid-19. Nhờ công nghệ vaccine ngày càng hoàn thiện và độ phủ vaccine cao, cuộc sống đã gần như trở lại bình thường sau khi những biện pháp hạn chế cuối cùng được dỡ bỏ từ cuối tháng 2/2022. Covid-19 giờ đây được xem như một bệnh đặc hữu dù vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Tuy vậy, xung đột Nga -Ukraine, một cuộc chiến giữa lòng châu Âu, bất ngờ nổ ra đã lấy đi những hy vọng mong manh về sự phục hồi và tạo ra những hệ luỵ về kinh tế, xã hội và chính trị chưa thể đo đếm hết được mức độ nghiêm trọng đối với cả châu Âu và nước Pháp.
Điều mà người Pháp có thể cảm nhận rõ ràng nhất từ khi xung đột nổ ra là tỷ lệ lạm phát tăng chóng mặt, nhất là giá năng lượng như dầu mỏ và khí đốt tăng dựng đứng, duy trì mức tăng trên dưới 30% trong suốt cả năm qua dù Pháp được biết đến là quốc gia ít phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga. Viện thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (INSEE) ngày 15/12 công bố báo cáo cho biết cùng với năng lượng, giá phần lớn các loại thực phẩm cơ bản tại Pháp như dầu ăn, bột mì, bơ, đường… đã tăng trung bình 20%, trong đó đặc biệt là dầu ăn tăng 60,9% hay bột mì 26,2%, góp phần không nhỏ khiến mức lạm phát năm 2022 của Pháp có thể lên đến 6,6%, cao nhất trong hơn 30 năm qua.
Thắt chặt chi tiêu và giảm mua sắm là tâm lý chung của người Pháp trước những bất ổn về môi trường an ninh châu Âu và sự tăng giá của hàng hoá. Tại cuộc đua tranh cử Tổng thống tháng 4/2022, sức mua và lạm phát là những ưu tiên số một của cử tri Pháp trước khi quyết định lá phiếu của mình. Trong bài “Bầu cử Pháp bị chi phối bởi chủ đề sức mua”, tờ nhật báo nổi tiếng “Thế giới” (Le Monde) của Pháp đã viết, mối bận tâm của cử tri Pháp về chi phí sinh hoạt tăng cao, đặc biệt là giá nhiên liệu và thực phẩm, đã lấn át tất cả các chủ đề lớn khác như y tế, giáo dục, môi trường hay nhập cư.
Ngay cả chủ đề an ninh của nước Pháp trước khả năng cuộc xung đột Nga - Ukraine lan rộng từng thu hút sự quan tâm của người dân Pháp khi bắt đầu xảy ra và giúp đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gia tăng cách biệt với các ứng cử viên (ƯCV) còn lại cũng nguội dần trước sức nóng của chủ đề sức mua.
Lần đầu tiên trong lịch sử nền Cộng hoà thứ V của Pháp, hai ƯCV theo đường lối dân tộc, cực đoan như bà Marine Le Pen (đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia”) hay ông Jean-Luc Mélenchon (đảng cực tả “Nước Pháp bất khuất”) đã vượt qua các ƯCV thuộc các chính đảng lớn, truyền thống lâu đời như đảng Xã hội cánh tả hay đảng “Những người Cộng hoà” cánh hữu nhờ những hứa hẹn về cải thiện sức mua và lạm phát bất chấp bị đánh giá là thiếu tính khả thi. Hai nhân vật này cũng chỉ chịu thua đương kim Tổng thống Emmanuel Macron khi giới chính trị cũng như xã hội Pháp dường như vẫn chưa sẵn sàng trao quyền lãnh đạo đất nước cho một ƯCV theo đường lối dân tộc, cực hữu.
Dẫu vậy, nỗ lực không ngừng của hai đảng cực tả và cực hữu đã mang lại thành tựu đáng kể khi ngăn cản liên minh “Chung sức” ủng hộ Tổng thống Macron chiếm đa số tuyệt đối tại Quốc hội tại cuộc bầu cử lập pháp diễn ra chỉ 2 tháng sau đó (6/2022). Điều này đã buộc chính phủ của nữ Thủ tướng Elisabeth Borne phải liên tục viện dẫn điều 49.3 trong Hiến pháp để thông qua các chính sách lớn bất chấp sự phản đối từ các lực lượng đối lập và những chỉ trích là đi ngược lại tinh thần dân chủ.
Sự đối lập ngày càng lớn giữa các lực lượng chính trị cũng là tấm gương phản chiếu những xung đột xã hội âm ỉ kéo dài trong xã hội Pháp và sẵn sàng bùng phát bất cứ lúc nào khi đời sống ngày càng xuống cấp. Theo các điều tra thăm dò xã hội học mới nhất, 20% người Pháp được hỏi cho biết đang nghèo đi và mức lương ngày càng không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt. Liên tiếp các cuộc biểu tình và đình công lớn đòi tăng lương trong mọi lĩnh vực ngành nghề từ y tế, giáo dục, giao thông, đường sắt, năng lượng hay ngay cả lĩnh vực nhạy cảm như điện hạt nhân đã diễn ra trong nửa cuối năm 2022.
Đáng chú ý nhất trong đó phải kể đến cuộc đình công kéo dài từ giữa tháng 9 cho đến cuối tháng 10/2022 của các công nhân thuộc các nhà máy lọc dầu và cơ sở lưu trữ xăng dầu của hai tập đoàn năng lượng TotalEnergies và Esso-Exxon Mobile, đẩy tình trạng thiếu nhiên liệu lên đến đỉnh điểm khi gần 40% trạm xăng tại Pháp phải đóng cửa hoặc không có xăng hoặc dầu để bán và khiến nước Pháp gần như tê liệt trong suốt khoảng thời gian này.
Nước Pháp đã chi nhiều chục tỷ euro cho kế hoạch phục hồi hậu Covid-19 và sẽ còn tốn nhiều chục tỷ euro nữa giải giải quyết bài các bài toán về sức mua và lạm phát. “Dù đã có những dấu hiệu khởi sắc trên thị trường nguyên liệu như lúa mì, nhôm, sắt hay dịch vụ vận tải nhưng lạm phát vẫn sẽ tăng cao trong những tháng sắp tới trước khi có thể giảm trong năm 2023. Các nền kinh tế châu Âu vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí một số nước có thể rơi vào suy thoái”, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire nhận định.
Nỗ lực tránh Chiến tranh thế giới thứ 3
Tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu (EU) trong nửa đầu năm 2022, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có lẽ không thể lường được châu Âu sẽ phải trải qua biến động chính trị lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2. Cuộc xung đột tại Ukraine cho đến nay thực sự là một sự kiện mà các lãnh đạo cao nhất châu Âu như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay Thủ tướng Đức Olaf Scholz đánh giá là “thay đổi thời đại”, đã phá vỡ toàn bộ cấu trúc an ninh tại châu Âu từ sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh.
Hỗ trợ Ukraine cho đến cùng nhưng cũng luôn khẳng định né tránh mọi sự can dự trực tiếp là quan điểm được nguyên thủ các nước phương Tây liên tục khẳng định. Sự khác biệt có lẽ nằm ở cách thức thực hiện khi Mỹ, Anh hay các quốc gia Trung và Đông Âu theo đuổi lập trường cứng rắn thì Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là một trong số ít lãnh đạo luôn chủ trương duy trì liên lạc trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, coi Nga là một phần không thể thiếu trong cấu trúc an ninh mới của châu Âu nhằm tạo điều kiện thúc đẩy các giải pháp chính trị-ngoại giao chấm dứt xung đột Nga-Ukraine ngay khi các bên có thiện chí đàm phán.
“Cần phải chuẩn bị những gì cần làm, đó là làm sao bảo vệ được các đồng minh NATO nhưng đồng thời cũng phải đưa ra được các đảm bảo về an ninh cho chính nước Nga” như chính người đứng đầu nước Pháp thừa nhận trong chuyến thăm Mỹ diễn ra vào đầu tháng 12 vừa qua.
Nhìn rộng hơn, đối với nhà lãnh đạo nước Pháp, cuộc chiến tại Ukraine đã thay đổi sâu sắc châu Âu và châu Âu sẽ phải có những thay đổi tương ứng. Trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội châu Âu sau khi tái cử Tổng thống Pháp ngày 9/5, ông Emmanuel Macron lần đầu tiên đã đưa ra khái niệm về một “Cộng đồng chính trị châu Âu” để tiếp nhận các quốc gia bên ngoài muốn gia nhập EU giống như Ukraine hiện nay hoặc nước đã rời EU là Anh có thể cùng nhìn về một hướng, thúc đẩy đối thoại và hợp tác chính trị, tăng cường an ninh, ổn định và thịnh vượng của lục địa châu Âu.
Đây có thể xem là sự hồi sinh về ý tưởng “một châu Âu liên bang” từng được cố Tổng thống Pháp Francois Mitterand đưa ra nhằm giải quyết bài toán “đồng thuận” từng khiến châu Âu tê liệt hay phản ứng chậm chạp trước các biến cố thời đại như khủng hoảng kinh tế, tỵ nạn, Brexit, đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay.
“Dự án châu Âu hình thành từ chiến tranh, đây là điều châu Âu không được phép quên và cũng không được phép lặp lại. Trách nhiệm của chúng ta là chấm dứt cuộc chiến và không để cuộc xung đột này lan rộng tại châu Âu”, ông Emmanuel Macron nhấn mạnh./.