Nước Pháp năm 2022: Phục hồi và tự chủ
VOV.VN - Đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế, tranh cử tổng thống cùng quyết tâm “tự chủ chiến lược” khi niềm tin bị “tổn thương” sau các sự kiện AUKUS, Afghanistan đã tạo nên bức tranh đối nội và đối ngoại đa sắc màu và đầy biến động đối với nước Pháp trong năm 2021.
Cho đến thời điểm này, người Pháp dần quen với cuộc sống “sống chung với Covid-19” bởi họ ý thức được rằng virus SARS-CoV-2 vẫn tồn tại ở khắp nơi.
Cuộc sống đã thay đổi
Nước Pháp những ngày cuối năm 2021 chứng kiến số ca mắc Covid-19 bùng nổ dữ dội do biến thể mới Omicron, với khoảng 200.000 ca mỗi ngày. Bộ trưởng Y tế Olivier Véran thông báo, mỗi giây trôi qua có thêm 2 người Pháp dương tính với Covid-19 và hiện tại, hơn 1 triệu người Pháp đang nhiễm Covid-19 và khoảng 10% dân số Pháp, tức gần 7 triệu người là các ca tiếp xúc.
Biến động lớn nhất và có ảnh hưởng bao trùm suốt cả năm 2021 đối với người dân Pháp vẫn là đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Dù không còn là bất ngờ và để lại những hậu quả nặng nề như năm 2020, các từ khoá liên quan đến Covid-19 như làn sóng dịch, lệnh phong toả, biện pháp hạn chế, vaccine… vẫn luôn được tìm kiếm nhiều nhất tại Pháp.
Hầu như tất cả các tờ báo của Pháp đều có chuyên mục cập nhật diễn biến dịch bệnh, số ca dương tính, số người phải nhập viện, tử vong do Covid-19 mỗi ngày. Thủ tướng Jean Castex và Bộ trưởng Y tế Olivier Véran là những chính khách xuất hiện thường xuyên trên truyền hình và cũng được người dân Pháp “chờ đợi” nhất để có thể biết được cần phải chuẩn bị gì cho ngày mai mỗi khi đi ra bên ngoài cùng các vật dụng quen thuộc như khẩu trang, cồn xịt khuẩn…
Đại dịch Covid-19 cũng đặt lại câu hỏi về các giá trị truyền thống mà người Pháp và châu Âu vẫn luôn tự hào. Đó là những tranh cãi về các quyền tự do công dân, tự do đi lại, giá trị dân chủ, nhất là liên quan đến biện pháp kiểm tra “giấy thông hành y tế”. Kể từ tháng 7/2021, nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn lên đến hàng trăm nghìn người mang dáng dấp của “Phong trào Áo vàng” đã diễn ra trên khắp các tỉnh thành của Pháp phản đối các biện pháp phòng ngừa y tế. Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi và nguyên nhân sâu xa hơn là bắt nguồn từ sự xuống cấp của các giá trị sống, phúc lợi xã hội suy giảm, bất bình đẳng xã hội ngày càng lớn.
Dịch bệnh đã làm tiêu tan tất cả nỗ lực của nước Pháp trong việc tái cân bằng các quỹ bảo hiểm y tế, trợ cấp thất nghiệp hay quỹ lương hưu… Theo Viện Thống kê và Nghiên cứu quốc gia Pháp (INSEE), 14% dân số Pháp hiện có mức thu nhập ít hơn 1063 euro/tháng, dưới ngưỡng đói nghèo, và 40% người dân cho biết cảm thấy mức sống suy giảm và đang nghèo đi. Đại dịch Covid-19 kéo dài gần 2 năm qua khiến các vấn đề dân sinh, xã hội như tăng thu nhập tối thiểu, chống bất bình đẳng, tái công nghiệp hóa, sức mua, quan tâm đến những người nghèo khổ nhất, nhập cư… trở thành các chủ đề ưu tiên để vận động tranh cử của cả cánh tả và hữu cũng như các lực lượng dân tộc, cực hữu trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 4 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2022 – 2027.
Điểm sáng trong bức tranh Covid-19 có thể thấy là dù cuộc sống ngày càng khó khăn nhưng phần lớn người Pháp vẫn ủng hộ cách xử lý đại dịch của chính phủ, đặc biệt là chiến lược tiêm phòng vaccine. Pháp là một trong những quốc gia dẫn đầu châu Âu và thế giới trong chiến dịch này với tỷ lệ gần 77% dân số đã tiêm đầy đủ hai mũi vaccine và mục tiêu tiêm mũi tăng cường cho 25 triệu người Pháp đủ điều kiện cũng sắp hoàn thành. Chiến dịch vaccine và việc dỡ bỏ dần những hạn chế cho phép nền kinh tế phục hồi với hàng loạt chỉ số quan trọng khởi sắc.
Năm 2021, tăng trưởng GDP của Pháp dự kiến đạt 6,7%, sức mua tiêu dùng ở mức 2,2%, tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 7,8%... Điểm nhấn cho bức tranh này là ngày 12/10/2021, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố kế hoạch phát triển 10 năm tới có tên gọi “Nước Pháp 2030” (France 2030) trị giá 30 tỷ euro nhằm “xác định con đường dẫn đến sự độc lập về kinh tế của Pháp và Liên minh châu Âu (EU)”, đồng thời “để ứng phó với những thách thức lớn của thời đại”.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, mối bận tâm lớn nhất của người Pháp giờ đây có lẽ là mong muốn hơn bao giờ hết một cuộc sống “bình thường mới” trở lại.
Nỗi ám ảnh “Tự chủ chiến lược”
Ngày 15/9/2021, Australia bất ngờ thông báo đơn phương huỷ bỏ hợp đồng trị giá 56 tỷ euro mua 12 tàu ngầm chạy bằng diesel của Pháp để chuyển sang mua tàu ngầm hạt nhân của Mỹ và việc Mỹ tuyên bố cùng Anh và chính Australia thành lập liên minh quân sự AUKUS ngay sau đó mà không tham vấn châu Âu đã tạo ra cuộc khủng hoảng giao sâu rộng giữa Pháp với ba đồng minh truyền thống này.
Pháp đã triệu hồi các đại sứ tại Mỹ và Australia về nước để tham vấn, động thái chưa từng có tiền lệ. Sự “đổ vỡ niềm tin” hay “cú đâm sau lưng” là những ngôn từ công kích mạnh mẽ nhất từ Bộ trưởng Ngoại giao Jean-Yves Le Drian và Bộ trưởng Quân đội Florence Parly để nói về sự kiện này. Các nhà phân tích nhìn nhận với Mỹ, các sự kiện này có đích nhắm là Trung Quốc nhưng với Pháp và châu Âu là sự thụt lùi cả về vai trò chiến lược và lợi ích kinh tế.
Các cuộc điện đàm, gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng các chuyến thăm Paris của Phó Tổng thống Kamala Harris và Ngoại trưởng Anthony Blinken để xoa dịu phía Pháp cho thấy mối quan hệ ngày càng khó dung hoà về lợi ích. Trước đó phải kể đến sự kiện Mỹ “đơn phương” rút quân khỏi Afghanistan trong sự hụt hẫng của Pháp và các đồng minh châu Âu.
Nhật báo La Croix nhận định, Paris bị mắc kẹt giữa khát vọng về “quyền tự chủ chiến lược” và thực tế là Pháp và châu Âu bị lệ thuộc vào Mỹ. Đối với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, AUKUS càng khẳng định Pháp và châu Âu cần xây dựng một nền quốc phòng tự chủ, để không lệ thuộc vào Mỹ, “một đồng minh ngày càng khó đoán định và không còn đáng tin cậy”.
Trong cuộc họp báo ngày 28/9 với Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis sau khi ký thỏa thuận hỗ trợ quân sự, trong đó có việc Paris ký hợp đồng bán tàu hộ vệ tên lửa Belharra trị giá 3 tỷ euro cho Athens, ông Macron tuyên bố: "Châu Âu hãy thôi ngây thơ. Chúng ta cần phản ứng và cho thấy chúng ta có sức mạnh, năng lực để tự phòng vệ".
Một Thượng đỉnh châu Âu về Quốc phòng tại Pháp vào mùa Xuân 2022 để hiện thực hoá mục tiêu “tự chủ chiến lược” cũng là ưu tiên của Pháp khi nắm vai trò Chủ tịch luân phiên EU kể từ 01/01/2022. Cơ sở thúc đẩy sẽ dựa trên sáng kiến “Phạm vi chiến lược - Strategic Compass”, trong đó trọng tâm là hình thành lực lượng phản ứng nhanh với 5.000 quân, chính thức có năng lực tác chiến độc lập vào năm 2025.
Dưới góc nhìn của các giới chính trị Pháp, về lâu dài, Pháp hay châu Âu cần hiểu rõ rằng, để sống sót được trong cuộc cạnh tranh siêu cường ngày càng khốc liệt như hiện nay, thì sớm muộn cũng phải trang bị cho mình một sức mạnh cứng đủ tin cậy và tương thích với sức mạnh kinh tế của khối, sẵn sàng trước các nguy cơ tiềm ẩn.
Ý tưởng thì đã rõ ràng nhưng Pháp không thể lãnh đạo châu Âu một mình khi tại Đức, không còn bà Angela Merkel đầy quyền lực mà là một chính phủ liên minh “đa sắc thái” mới hình thành. Đã có những ý kiến trong nội bộ EU bày tỏ sự không đồng thuận bởi lo ngại ông Macron có thể đi quá xa khi tìm cách giảm lệ thuộc vào Mỹ. “Dĩ nhiên Paris thừa hiểu sức mạnh quân sự của Mỹ vẫn rất quan trọng với châu Âu”, hãng tin Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao châu Âu bình luận. Nhưng ngay cả khi chiến lược của ông Macron đúng, câu hỏi quan trọng là liệu châu Âu đã sẵn sàng để tự chủ ?./.