Ông Abe - Người “đưa nước Nhật trở lại” và tâm thế sống “fudoushin” tới cuối đời
VOV.VN - Trong một bài phát biểu ở Mỹ không lâu sau khi quay lại vị trí Thủ tướng, ông Abe đã cam kết sẽ đưa "Nhật Bản quay trở lại" và đúng với những gì tuyên bố, Thủ tướng Abe đã nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Người “đưa nước Nhật trở lại”
Một điều tình cờ, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe qua đời ở tuổi 67, trùng với tuổi của cha ông, cố Ngoại trưởng Shintaro Abe.
"Tôi đã trở thành Thủ tướng khi cha của tôi không thể làm điều đó và tôi sẽ vượt qua ông về tuổi tác. Tất cả những gì còn lại là dành phần đời còn lại của tôi làm mọi thứ mà tôi có thể", Ông Abe đã chia sẻ như vậy khi kỷ niệm ngày sinh nhật lần thứ 67 của mình vào tháng 9 năm ngoái.
Ông Abe Shinzo là Thủ tướng tại nhiệm lâu nhất Nhật Bản và đã thay đổi nền chính trị nước này trong thời gian cầm quyền của mình.
Trong thời giam làm Thủ tướng, ông Abe cũng thay đổi nền kinh tế Nhật Bản với chiến lược "3 mũi tên" trong chính sách kinh tế Abenomics. Ông tuyên bố trong một bài phát biểu ở Mỹ không lâu sau khi quay lại nắm quyền vào tháng 12/2012 rằng: "Nhật Bản sẽ quay trở lại" và đúng với những gì tuyên bố, Thủ tướng Abe đã nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Ông đã sử dụng sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ mà mình nhận được làm đòn bẩy để thúc đẩy những thay đổi trong đường lối ngoại giao và chính sách an ninh của Nhật Bản. Ông đã đóng góp lớn vào việc thay đổi cách diễn giải Hiến pháp hiện hành nhằm cho phép Nhật Bản tham gia hoạt động phòng thủ tập thể. Đây được coi là bước ngoặt quan trọng trong chính sách an ninh của Nhật Bản thời hậu chiến.
Về mặt chính sách đối ngoại, ông Abe đã thúc đẩy quan hệ cá nhân thân thiết với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm đảm bảo sự ổn định địa chính trị.
Nội dung "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" được ông Abe đề xuất năm 2016 đã đưa Nhật Bản đi trước nhiều quốc gia trên thế giới. Mỹ sau đó đã đặt lại tên Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương thành Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong khi các nước lớn ở châu Âu cũng bắt đầu vạch ra chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho riêng mình.
Chứng kiến vị thế của Nhật Bản đang suy giảm, khi quay lại vị trí Thủ tướng vào năm 2012, ông Abe đã tuyên bố sẽ đưa nước Nhật trở lại là một quốc gia "tự hào đứng trước cộng đồng quốc tế". Trao đổi với Nikkei Asia 2 tháng sau khi trở thành Thủ tướng, ông Abe đã tuyên bố rằng: "Tôi muốn nhanh chóng xây dựng một quốc gia mạnh mẽ hơn. Bằng cách đó Nhật Bản có thể một lần nữa tự tin với nước ngoài".
Cựu Tổng thống Donald Trump từng nhận xét về cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo rằng: "Ông ấy là một người mang đến cảm giác đoàn kết không giống ai và trên tất cả, ông ấy là một người yêu thương, bảo vệ và nuôi dưỡng đất nước vĩ đại của mình - Nhật Bản".
Tâm thế sống “fudoushin” ngay cả trong những giây phút cuối đời
Ngay cả sau khi từ chức Thủ tướng năm 2020, ông Abe vẫn tiếp tục hoạt động chính trị. Ông vẫn chủ động tham gia vào các cuộc thảo luận chính trị trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) và không ngần ngại đặt ra nhiều vấn đề.
Ông Abe ủng hộ cải cách Hiến pháp và tăng ngân sách phòng thủ cũng như hoạt động không mệt mỏi để thực hiện những mục tiêu này. Sau khi truyền thông đưa tin vào tháng này rằng các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, những người ủng hộ cải cách Hiến pháp đang đạt được một số kết quả trong cuộc bầu cử Thượng viện, ông Abe đã bình luận trong một bài phát biểu ở một góc phố rằng: "Dường như tôi sẽ bận rộn hơn sau cuộc bầu cử này". Nhưng giống như ông ngoại của ông - cựu Thủ tướng Nobusuke Kishi, ông Abe đã không thể chứng kiến những nguyện vọng của mình được hoàn thành.
Sinh ra là con nhà nòi chính trị, ông Abe đã được tiếp cận với nhiều quan điểm chính trị khác nhau. Cựu Thủ tướng Nhật Bản từng nói, "mối quan hệ giữa con người với con người, cuối cùng là ai phản bội ai".
Lịch sử gia đình của ông Abe cũng có nỗi buồn và những điều tiếc nuối. Ông của ông từng bị bắt giam là tội phạm chiến tranh sau Thế chiến II. Cha của ông là ứng viên hàng đầu cho vị trí Thủ tướng Nhật Bản trước khi mắc bệnh và qua đời. Nhưng ông Abe vẫn quyết tâm trở thành một chính trị gia và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đầu tiên của mình ở tuổi 38.
Khi viết thư pháp, ông Abe thường viết từ 不動心 (fudoushin), tạm dịch là “kiên định”, một từ mà cha của ông - ông Shintaro Abe thường hay viết. 不動心 (fudoushin) theo Hán tự là "bất động tâm", nghĩa là tâm trí bất biến, không suy chuyển.
Những phút cuối đời của ông, sự kiên định ấy vẫn được thể hiện đầy đủ. Nikkei Asia cho biết, sau khi bị bắn phát đầu tiên, những hình ảnh từ hiện trường cho thấy ông Abe vẫn đứng vững, giữ micro và cố gắng phát biểu với đám đông cho tới cuối cùng./.