Ông Boris Johnson sẽ làm gì sau khi rời ghế Thủ tướng Anh?
VOV.VN - Sau khi Anh tìm ra tân thủ tướng mới là bà Liz Truss, ông Boris Johnson sẽ rời nhiệm sở. Từ một nhà lãnh đạo quốc gia có lịch trình làm việc bận rộn, cuộc sống của ông Johnson sẽ có sự thay đổi ra sao sau khi rời Downing Street?
Ngày 5/9, Bà Liz Truss được công bố là người kế nhiệm ông Boris Johnson trong vai trò lãnh đạo đảng Bảo thủ và Thủ tướng Anh.
“Tôi xin tuyên bố bà Liz Truss là người chiến thắng”, Graham Brady, chủ tịch Ủy ban 1922 chịu trách nhiệm tổ chức tranh cử của đảng Bảo thủ, phát biểu trong lễ công bố kết quả chạy đua vào vị trí lãnh đạo đảng tại thủ đô London hôm 5/9.
Trong bài phát biểu chiến thắng, bà Lizz Truss cam kết sẽ thực hiện một loạt các chính sách của ông Boris Johnson. Bà cũng cảm ơn “người bạn Boris Johnson của tôi” và ca ngợi đối thủ Rishi Sunak, cho biết cuộc chạy đua giữa hai người đã “thể hiện tầm sâu rộng của các tài năng trong đảng Bảo thủ”.
“Tôi đã có thời gian thảo luận với ông Johnson về các vấn đề đối ngoại. Tôi nghĩ rằng trong tương lai ông ấy sẽ không đảm nhận vị trí nào trong chính phủ. Ông ấy cần khoảng thời gian nghỉ ngơi sau khi đã chèo lái đất nước trải qua một vài năm rất khó khăn”, bà Truss nói hồi cuối tháng 7.
Thủ tướng Anh sắp mãn nhiệm từng trải qua nhiều vị trí trong lĩnh vực truyền thông như phóng viên của tờ Times, biên tập viên của tạp chí The Spectator. Sau đó, ông Johnson vào Quốc hội Anh với tư cách là nghị sĩ vùng Henley của đảng Bảo thủ. Ông Johnson đã đã đánh bại ứng viên Ken Livingstone của đảng Lao động, trở thành thị trưởng London, từ năm 2008 đến năm 2016.
Thành viên Quốc hội Anh
Sau khi rời văn phòng, ông Johnson vẫn là nghị sĩ Quốc hội đại diện cho Uxbridge và South Ruislip, một vùng ngoại ô ở phía Tây Bắc của London. Nếu không đảm nhận một công việc ở cấp nội các, ông Johnson sẽ là một thành viên của Quốc hội Anh không có bất kỳ vị trí chính thức nào trong chính phủ hoặc trong một trong các đảng đối lập (gọi là Backbencher).
Trở lại nghề báo
Nếu lựa chọn không tiếp tục làm nghị sĩ hoặc bị buộc phải rời khỏi vị trí này, ông Johnson có thể sẽ trở lại lĩnh vực báo chí.
Trước đây, ông Johnson có cuộc sống thoải mái với tư cách là một cây bút cho tờ Telegraph. Sau khi mãn nhiệm, ông Johnson có thể quay trở lại với vai trò là một cây bút bình luận của các trang báo.
Tổng thư ký NATO
Vào tháng 7, một số nghị sĩ đảng Bảo thủ đưa ra ý tưởng về việc ông Johnson sẽ kế nhiệm cựu Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg trở thành Tổng thư ký NATO.
Ông Stoltenberg, là một trong những người có tiếng nói cứng rắn nhất về cuộc đối đầu với Nga kể từ khi nhậm chức vào tháng 10/2014. Nhiệm kỳ 4 năm lần thứ hai của ông Stoltenberg sẽ kết thúc vào tháng 9 năm nay, nhưng đã được gia hạn vì NATO đang phải đối mặt với “cuộc khủng hoảng an ninh lớn” do cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo Telegraph, một đại diện của Anh luôn được đề xuất cho vị trí Tổng Thư ký NATO do Mỹ không tin tưởng vào các chính trị gia châu Âu khác, những người đã nhiều lần công khai kế hoạch thành lập một liên minh quân đội riêng của EU.
Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Anh đã trở thành một trong những đối tác quan trọng, ủng hộ nhiệt thành nhất của chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Đến nay, Anh đã cung cấp 4,5 tỷ USD nhằm giúp Ukraine đẩy lùi lực lượng Nga, trở thành nước viện trợ lớn thứ hai cho Kiev, chỉ sau Mỹ./.