Ông Sarkozy: Hệ thống tư pháp đã bị “bẻ cong” vì mục đích chính trị
VOV.VN - Đây là lời tuyên bố của cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy ngày 2/7 khi ông bị điều tra vì có hành vi mua bán chức vụ.
Theo Reuters, cuộc điều tra đối với ông Sarkozy- dù có thể không dẫn tới việc cựu Tổng thống Pháp phải hầu tòa, vẫn sẽ là đòn giáng mạnh vào hy vọng quay trở lại chính trường của ông Sarkozy sau khi nhận thất bại trong cuộc bầu cử năm 2012 trước Tổng thống đương nhiệm Francois Hollande.
Ông Sarkozy rời tư dinh của mình tại Paris (Ảnh Reuters)
Lên tiếng bảo vệ bản thân
“Tôi muốn nói với tất cả những người đang lắng nghe hoặc theo dõi tôi rằng tôi không bao giờ phản bội họ và không bao giờ có những hành động vi phạm các nguyên tắc của nền Cộng hòa và nhà nước pháp quyền”, ông Sarkozy khẳng định.
“Tình hình hiện nay đã đủ nghiêm trọng để tôi có thể nói với người dân Pháp rằng chúng ta đang đứng trước một vụ lợi dụng hệ thống tư pháp vì mục đích chính trị”, ông Sarkozy nói thêm.
Trong 17 phút phỏng vấn trên bản tin tối của kênh truyền hình TF1, ông Sarkozy đã công khai “chĩa mũi dùi” vào những thẩm phán đưa ra quyết định điều tra ông và cho rằng họ đang muốn “hạ thấp uy tín” của ông.
Cựu Tổng thống Pháp mô tả những lời cáo buộc ông là lố bịch và lên tiếng cho rằng Bộ trưởng Tư pháp Christiane Taubira và Thủ tướng Manuel Valls đã cố tình thao túng quá trình điều tra và cả hai người đã biết rõ nhiều chi tiết về cuộc điều tra này mà lẽ ra họ không được biết.
“Tôi rất yêu đất nước mình và không phải là loại người có thể tự làm xấu mặt mình bằng những thủ đoạn bẩn thỉu và việc thao túng chính trị”, ông Sarkozy nói.
Các thẩm phán Pháp đang xem xét liệu ông Sarkozy có sử dụng ảnh hưởng của mình để có những thông tin chi tiết về những cáo buộc rằng ông đã vi phạm những quy định bầu cử để có thể giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2007.
Theo Văn phòng Công tố Pháp, ông Sarkozy hiện đang bị tình nghi đã hối lộ các quan chứ và hưởng lợi từ việc khai thác những bí mật về công việc.
Là Tổng thống đầu tiên bị cảnh sát điều tra, ông Sarkozy, 59 tuổi, đã bị giam giữ trong vòng 15 giờ ngày 2/7 trước khi xuất hiện trước các thẩm phán sẽ tham gia vụ điều tra đối với ông. Sau đó, ông Sarkozy được thả mà không phải nộp tiền tại ngoại.
Phải chăng ông Sarkozy bị ghét?
“Ông Sarkozy là một người đã từng trải qua nhiều khó khăn trong đời và ông luôn biết cách chiến đấu như thế nào”, ông Paul-Albert Iweins- Luật sư của Luật sư của cựu Tổng thống Sarkozy, ông Thierry Herzog – người cũng đang bị điều tra liên quan đến vụ việc này, cho biết.
Ông Iweins cho rằng những cáo buộc đối với ông Sarkozy là rất yếu ớt vì nó chỉ dựa trên một đoạn ghi âm điện thoại “rất đáng ngờ” giữa ông Sarkozy và ông Herzog cũng như giữa ông Herzog và Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Pháp.
Trong khi đó, những người ủng hộ ông Sarkozy nghi ngờ về tính công bằng của một trong số các thẩm phán tham gia vụ điều tra đối với ông Sarkozy.
Thị trưởng thành phố Nice Christian Estrosi tuyên bố rằng chính quyền của Tổng thống Hollande đang “tạo ra một bầu không khí thù địch” đối với ông Sarkozy.
Trong với hệ thống tư pháp của Pháp, các thẩm phán điều tra có vai trò rất quan trọng đối với việc thu thập chứng cứ cũng như việc xác định xem những chứng cứ này có đủ để đưa một ai đó ra tòa hay không. Sau khi thẩm vấn, các thẩm phán có thể tuyên bố không xét xử vụ việc vì không có đủ bằng chứng hoặc có thể đưa người buộc tội ra tòa.
Theo luật pháp Pháp, việc cố tình sử dụng ảnh hưởng chính trị của mình để hưởng lợi có thể bị kết án 5 năm tù và việc hối lộ các quan chức có thể bị kết án tới 10 năm tù.
Đây là lần thứ 2 ông Sarkozy, người đã bị mất quyền miễn trừ truy tố chỉ 1 tháng sau khi ông từ nhiệm vào tháng 6/2012, bị đưa ra điều tra. Lần đầu tiên ông Sarkozy bị điều tra là vào năm 2013, tuy nhiên các thẩm phán Pháp đã tuyên bố không xét xử ông.
Hiện ông Sarkozy sắp phải đối mặt với 6 vụ xét xử và điều này khiến cho Đảng UMP của ông cho rằng ông đã hoàn toàn không có cơ hội trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào năm 2017.
Thảm họa về mặt luật pháp
“Cuộc điều tra đối với ông Sarkozy là một thảm họa về mặt luật pháp”, tờ Le Monde viết trên trang nhất của mình.
Khi được hỏi liệu ông có từ bỏ vị trí đứng đầu Đảng đối lập UMP vào năm nay, ông Sarkozy nói rằng ông sẽ không từ bỏ vị trí của mình và sẽ sớm đưa ra quyết định của mình vào mùa hè năm nay.
“Những câu hỏi về việc tôi có nên từ bỏ hay không là hoàn toàn không phủ hợp bởi một cá nhân phải có bổn phận chứ không phải là đòi hỏi quyền lợi đối với tổ quốc mình. Tôi rất lo lắng về tình hình của Pháp và tôi hiểu rõ những lo lắng của người dân Pháp và những gì họ phải trải qua”, ông Sarkozy tuyên bố.
“Tôi sẽ phải đưa ra quyết định của mình vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng”, ông Sarkozy cam kết./.