Ông Trump tung đòn kép: Vũ trang Ukraine, buộc châu Âu chia lửa với Mỹ
VOV.VN - Giới phân tích cho rằng, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ chuyển hướng với quyết định trang bị vũ khí mạnh mẽ cho Ukraine thông qua châu Âu, không nhằm mục đích giúp Kiev chiến thắng trong cuộc xung đột, mà là một chiến lược được tính toán kỹ lưỡng nhằm buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán.
Chiến lược mới của ông Trump
Thất vọng khi các cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine không đạt được kết quả như mong muốn, ông Trump dường như muốn sử dụng mối đe dọa về vũ khí tầm xa tiên tiến, nhiều khả năng cho phép Ukraine tiến hành các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga để làm đòn bẩy. Bằng cách buộc các đồng minh châu Âu chi trả và chuyển giao những vũ khí này cho Ukraine, ông Trump có thể đang "châu Âu hóa" chi phí và rủi ro của cuộc xung đột. Chiến lược mới này nhằm mục đích dồn Nga vào thế bế tắc, chứ không nhất thiết khiến Moscow phải rút lui trên chiến trường.

Tổng thống Donald Trump đã có cuộc gặp Tổng thư ký NATO tại Nhà Trắng và cam kết hỗ trợ đáng kể cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Yếu tố quan trọng nhất của khoản viện trợ mới này là tăng cường khả năng phòng không cho Kiev trong bối cảnh Nga đang tiến hành hàng loạt cuộc tấn công dữ dội vào các thành phố và thị trấn của Ukraine.
Nhưng điều gây tranh cãi nhất là ông Trump dường như để ngỏ khả năng cho phép Ukraine tấn công sâu vào Nga, có thể nhắm mục tiêu vào Moscow và Saint Petersburg. Trước đó, Mỹ đã nhiều lần phản đối Ukraine sử dụng vũ khí do nước này cung cấp tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Tổng thống Putin từng tuyên bố, nếu Kiev dùng vũ khí phương Tây thực hiện các cuộc tấn công như vậy thì Nga buộc phải trả đũa NATO. Cả chính quyền ông Trump và chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden trước đây đều phản đối việc cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine vì mối lo ngại này.
Cho đến thời điểm hiện tại, các cuộc tấn công của Ukraine vào sâu trong lãnh thổ Nga đều được thực hiện bằng máy bay không người lái. Nhưng điều này có thể thay đổi.
Trước đây, để thực hiện nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán chấm dứt xung đột, Tổng thống Trump được cho là đã đưa ra nhiều nhượng bộ đối với Nga, thậm chí sẵn sàng gạt Ukraine hay các đồng minh châu Âu của Mỹ sang một bên. Vào thời điểm đó, có nhiều lo ngại về việc ông Trump sẽ bỏ rơi Ukraine. Tổng thống Trump và Tổng thống Putin đã có nhiều lời khen ngợi dành cho nhau. Hai bên cũng đề cập đến nhiều thỏa thuận hợp tác về kinh tế.
Nhưng theo một số nhà quan sát, lập trường mềm mỏng của ông Trump đối với Nga dường như phục vụ mục đích hữu ích là đo lường cam kết của Moscow đối với cuộc chiến. Khi đề xuất với Tổng thống Putin về một chiến thắng quân sự hạn chế ở Ukraine và sự tái hòa nhập vào nền kinh tế thế giới, ông Trump có lẽ đã trao cho Nga thỏa thuận tốt nhất. Nếu Tổng thống Putin từ chối thỏa thuận này, điều đó cho thấy ông hoàn toàn quyết tâm đạt được các mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt, cũng như mong muốn một chiến thắng quân sự toàn diện.
Tổng thống Trump tin rằng, việc xây dựng mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với Tổng thống Putin, sẽ dẫn đến sự thỏa hiệp của Nga. Giờ đây, ông tỏ ra vô cùng thất vọng vì nhiều cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Nga không mang lại kết quả. Do đó, lựa chọn duy nhất đối với ông là tạo điều kiện cho Ukraine giữ vững tuyến phòng thủ cho đến khi Nga suy giảm sức chiến đấu.
Buộc châu Âu "chia lửa" với Mỹ
Quyết định của ông Trump củng cố tuyến phòng không của Ukraine đi kèm với yêu cầu Châu Âu phải mua các hệ thống phòng không từ Mỹ và sau đó chuyển giao cho Ukraine. Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng Châu Âu cần phải hành động nhiều hơn nữa để đảm bảo an ninh của chính họ. Châu Âu cần phải chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng và Mỹ muốn giảm bớt gánh nặng hỗ trợ an ninh cho đồng minh để có thể cạnh tranh với các đối thủ khác.

Việc xác định những thách thức chiến lược với châu Âu cũng rất cần thiết. Nếu Ukraine tiến hành một cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí NATO dẫn đến sự trả đũa của Nga, thì Châu Âu cần phải tự thảo luận và giải quyết vấn đề đó. Bằng cách yêu cầu Châu Âu mua vũ khí, ông Trump đã buộc họ phải tự tìm cách ứng phó với bất cứ rủi ro hay phản ứng tiêu cực nào. Mục tiêu cuối cùng là để nền công nghiệp quốc phòng của Châu Âu gánh vác phần lớn chi phí quân sự, cụ thể là vũ khí và đạn dược. Việc tăng cường sản xuất quốc phòng của Châu Âu là một yếu tố quan trọng để họ có thể đảm nhận trách nhiệm lớn hơn đối với các nhu cầu an ninh của chính mình.
Mỹ có thể vẫn sẽ cung cấp hỗ trợ hậu cần và tình báo cần thiết để sử dụng những vũ khí tinh vi này trong nhiều năm tới. Năng lực C4ISR (Chỉ huy, Kiểm soát, Truyền thông, Máy tính, Tình báo, Giám sát và Trinh sát) của Mỹ vượt trội hơn nhiều so với châu Âu và việc phát triển năng lực này trên quy mô toàn châu Âu sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn.
Một số ý kiến cho rằng, việc Washington chuyển gánh nặng chi phí sản xuất quốc phòng và các lựa chọn chiến lược sang châu Âu là một chiến lược nhằm “châu Âu hóa” nền quốc phòng của Ukraine.
Theo giới phân tích, việc Tổng thống Trump bật đèn xanh cho Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí NATO sẽ không làm thay đổi quá nhiều cán cân quân sự. Trước đây, nhiều người ủng hộ Ukraine cho rằng một hệ thống vũ khí hoặc chính sách cụ thể, chẳng hạn như cung cấp thiết giáp, thiết lập vùng cấm bay hoặc tên lửa hành trình tầm ngắn (ATACM), sẽ làm thay đổi cục diện xung đột. Ngay điều đó giờ đây không còn đúng. Nga đã chứng minh nước này không dễ bị đánh bại trên chiến trường.
Tuy nhiên, một phương án tấn công sâu tiềm năng, kết hợp với tăng cường phòng không có thể giúp Ukraine trụ vững khi xung đột kéo dài và điều này thậm chí còn quan trọng hơn so với những thành công mà nước này đạt được trong thời gian gần đây.