Ông Trump nắn gân Nga, Ukraine có quân bài chiến lược?
VOV.VN - Ông Trump, từng bị chỉ trích vì thái độ mềm mỏng với Nga, hiện giờ đang có lập trường cứng rắn hơn bao giờ hết với tuyên bố sẽ viện trợ thêm cho Ukraine và đe dọa trừng phạt thứ cấp với đối tác thương mại của Moscow.
Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đã mất kiên nhẫn đối với Nga. Sau khi hứa hẹn với Moscow về những thỏa thuận thương mại quan trọng, ông Trump giờ đây xác nhận rằng Mỹ sẽ tăng đáng kể nguồn cung cấp vũ khí cho châu Âu để sử dụng ở Ukraine và đe dọa áp thuế thứ cấp 100% đối với các đối tác thương mại của Nga nếu Moscow không đạt thỏa thuận hòa bình chấm dứt xung đột tại Ukraine trong 50 ngày.

Ông Trump "nắn gân" Nga
Thông báo này đã dập tắt mọi đồn đoán cho rằng Tổng thống Trump sẵn sàng từ bỏ Ukraine cho Nga. Mối lo ngại này đã gia tăng sau cuộc tranh cãi nảy lửa giữa ông Trump và ông Putin tại Phòng Bầu dục vào tháng 2/2025, tiếp sau đó là quyết định của Mỹ tạm dừng chia sẻ thông tin tình báo và cung cấp vũ khí cho Ukraine. Kể từ khi Ukraine thiết lập lại sự tin tưởng của chính quyền Trump bằng cách đồng ý ngừng bắn 30 ngày tại Jeddah vào ngày 11/ 3, Nhà Trắng dường như coi Nga là trở ngại chính trong các cuộc đàm phán hòa bình. Ông Trump, từng bị chỉ trích vì thái độ mềm mỏng với Nga, hiện giờ đang có lập trường cứng rắn hơn bao giờ hết.
Nhưng chưa rõ liệu Tổng thống Trump có biến lời cảnh báo trên thành hiện thực hay không, bởi hành động và quyết định của ông rất khó đoán. Tiếp theo không loại trừ khả năng, trong 50 ngày tiếp theo, Tổng thống Putin sẽ cố gắng thuyết phục nhà lãnh đạo Mỹ rằng, Kiev mới là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại trong các cuộc đàm phán. Đáng chú ý, ông Trump tỏ ra khá thờ ơ với dự luật tăng cường trực tiếp các lệnh trừng phạt Nga do Quốc hội Mỹ đề xuất.
Vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn, trong đó có việc Nga sẽ phản ứng ra sao với tuyên bố mà Mỹ đưa ra ngày 14/7. Câu hỏi khó trả lời nhất là Nga hoặc Ukraine sẵn sàng nhượng bộ bao nhiêu để chấm dứt xung đột.
Ban đầu, Tổng thống Trump tin rằng ông có thể thuyết phục Nga sớm đạt được thỏa thuận hòa bình với Ukraine thông qua các cuộc đối thoại mang tính xây dựng. Ông Trump thường xuyên điện đàm với ông Putin, sẵn sàng nắm bắt cơ hội phá băng quan hệ. Nhưng Nga vẫn thể hiện lập trường cứng rắn trong các cuộc đàm phán và không có ý định từ bỏ mục tiêu mà nước này đã đặt ra. Bên cạnh đó, Moscow cũng gia tăng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào nhiều thành phố của Ukraine.
Giới phân tích cho rằng, Nga dường như đã đánh giá chưa chính xác quyết tâm của Ukraine cũng như sự hỗ trợ quân sự của phương Tây dành cho nước này. Các biện pháp mới mà ông Trump đưa ra không đáp ứng được tất cả kỳ vọng của Ukraine, nhưng có khả năng gây tổn hại đến năng lực chiến đấu và nền kinh tế Nga.
Do chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden chỉ cung cấp cho Ukraine số lượng nhỏ tên lửa tầm xa ATACM, nên kho dự trữ này được cho là đã cạn kiệt vào cuối tháng 1/2025. Ukraine buộc phải dựa vào máy bay không người lái cải tiến để tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga và các cuộc tấn công trong khuôn khổ Chiến dịch Mạng Nhện (Spiderweb) nhằm vào các căn cứ quân sự của Nga ngày 1/6 là một ví dụ điển hình.
Mặc dù các tên lửa mới mà Mỹ cam kết cung cấp cho Ukraine không thể thay đổi cục diện xung đột, nhưng chúng có thể mở rộng khả năng của Kiev nhắm tấn công cơ sở hạ tầng quân sự và kinh tế của Nga. Một số báo cáo gần đây cho thấy, ngay cả khi không có sự hỗ trợ bổ sung của Mỹ, Ukraine vẫn có thể tiến hành những cuộc tấn công chiến lược, trong đó có cuộc tấn công tuyến đường ống dẫn khí đốt lớn ở Langepas thuộc tỉnh Tyumen của Nga, nơi cung cấp cho các cơ sở quân sự ở Chelyabinsk, Orenburg và Sverdlovsk.
Ukraine có quân bài chiến lược
Ukraine đang hy vọng Tổng thống Trump sẽ phê duyệt việc chuyển giao Tên lửa Tấn công Chính xác (PrSM), một phiên bản nâng cấp mới của tên lửa ATACM tương thích với hệ thống HIMARS. PrSM có bán kính tấn công khoảng 500km, xa hơn đáng kể so với tầm bắn 300km của ATACM.
Do PrSM chưa được phép chuyển giao ngay cả cho các đồng minh thân cận của Mỹ trong khối NATO, nên tên lửa JASSM-ER tương thích với chiến đấu cơ F-16 có thể lựa chọn khả thi hơn cho Ukraine. Những tên lửa này có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên tới 925 km, đặt thủ đô Moscow trong tầm ngắn. Với quyết định gửi thêm vũ khí cho Ukraine, Tổng thống Trump dường như muốn gửi thông điệp cứng rắn tới Nga.
Giới phân tích cho rằng, mức thuế quan thứ cấp mà Tổng thống Trump đe dọa áp đắt với các đối tác thương mại chính của Nga sẽ khó thực thi bởi điều này có nguy cơ làm suy yếu chương trình nghị sự kinh tế của ông. Chẳng hạn, nếu Mỹ áp đặt thuế quan đối với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, một trung tâm tài chính quan trọng của giới doanh nghiệp Nga thì có thể làm ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư mà ông Trump đã cam kết trong chuyến thăm Abu Dhabi hồi tháng 5/2025.
Ngoài ra, mức thuế quan đó cũng có nguy cơ làm leo thang căng thẳng trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và làm chệch hướng các cuộc đàm phán thương mại đang gặp nhiều trở ngại giữa Washington và Ấn Độ. Do Nga đã phần lớn tách khỏi các mạng lưới tài chính do phương Tây kiểm soát, nên hậu quả kinh tế ngắn hạn đối với các đối tác thương mại của Mỹ ở các nước đang phát triển có thể còn tồi tệ hơn cả đối với Nga.
Tuy nhiên, bất kỳ mức thuế quan mới nào cũng sẽ hạn chế chuỗi cung ứng nhập khẩu của Nga và làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát đang gia tăng tại quốc gia này. Nếu việc áp thuế được kết hợp với các lệnh trừng phạt mới của Mỹ và châu Âu, thiệt hại đối với nền kinh tế của Nga có thể rất lớn. Tại Diễn đàn Kinh tế St. Petersburg tháng 6/2025, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Maxim Reshetnikov đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái nghiêm trọng.