Ông Trump và 5 điểm nóng có thể bùng phát thành Thế chiến 3 năm 2017
VOV.VN - Năm 2017, ông Trump sẽ phải lưu ý đến nhiều điểm nóng “cực kỳ nguy hiểm” có thể bùng phát thành xung đột giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Tổng thống đắc cử mới đắc cử của Mỹ Donald Trump sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2017 trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều bất ổn hơn lúc nào hết. Với cương vị người đứng đầu Nhà Trắng - lãnh đạo của cường quốc số một thế giới, ông Trump sẽ phải nỗ lực hết sức để loại bỏ mối đe dọa leo thang đối đầu giữa các nước.
Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump. (Ảnh: New York Times)
Theo The National Interest, trong những tháng đầu tiên khi mới “chân ướt chân ráo” vào Nhà Trắng (thực ra, có lẽ ngay cả từ lúc này) ông Trump phải đặc biệt lưu ý đến nhiều điểm nóng “cực kỳ nguy hiểm” có thể bùng phát xung đột leo thang giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Bán đảo Triều Tiên
Được biết, Tổng thống sắp mãn nhiệm của Mỹ Barack Obama đã cảnh báo Tổng thống đắc cử Donald Trump rằng, chính sách liên quan đến CHDCND Triều Tiên là bài kiểm tra lớn đầu tiên dành cho chính quyền của ông Trump.
Trong năm 2016, Triều Tiên đã có hai lần thử hạt nhân vào ngày 6/1 và ngày 9/9, trong đó đáng chú ý, vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của Triều Tiên đúng ngày kỷ niệm 68 năm quốc khánh nước này 9/9, vụ thử được đánh giá là lớn nhất từ trước tới nay được Bình Nhưỡng tiến hành.
Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng đã đạt được những bước tiến đáng kể trong chương trình phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo nhằm hướng tới mục tiêu mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình.
Triều Tiên đã tiến hành 2 vụ thử hạt nhân cùng hàng loạt vụ phóng tên lửa trong năm 2016. (Ảnh: AP) |
Tình hình trên bán đảo Triều Tiên vốn dĩ đã luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nay lại càng trở nên khó lường khi chính trường Hàn Quốc đang “rối như mớ bòng bong” sau bê bối chính trị của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye liên quan đến người bạn thân Choi Soon-sil.
Xung đột trên bán đảo Triều Tiên có thể nổ ra theo bất kỳ cách nào: có thể Mỹ quyết định ngăn chặn chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên bằng một cuộc tấn công phòng ngừa; có thể Triều tiên hiểu sai tín hiệu của Mỹ và quyết định đánh chặn trước hoặc do sự hỗn loạn chính trị trên bán đảo Triều Tiên.
Theo nhận định của giới phân tích, nếu như xung đột bùng phát trên bán đảo Triều Tiên thì đây không phải chỉ là câu chuyện giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc. Còn nhớ, khi cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ ra hồi năm 1950, nó đã lôi kéo sự tham gia của cả Trung Quốc, Nga hay Nhật Bản.
Syria
Chiến thắng của quân đội Chính phủ Syria ở Aleppo được đánh giá là thắng lợi lớn nhất mà Tổng thống Syria Bashar Al-Assad giành được kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria nổ ra hồi năm 2011, đưa cuộc chiến Syria bước sang một giai đoạn mới.
Cuộc chiến ở Syria vẫn là một câu chuyện dài chưa có hồi kết. (Ảnh: Getty) |
Mỹ từ chối can thiệp quân sự trực tiếp ở Aleppo, thay vào đó, Washington tập trung lực lượng để giải quyết cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq. Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không tìm cách đối đầu với Nga khi Moscow hỗ trợ ông Assad và dường như chính quyền Trump cũng sẽ đi theo hướng này.
Nhưng khi những khoảnh khắc nguy hiểm nhất có thể đã đi qua, các lực lượng Mỹ và Nga sẽ tiếp tục hoạt động gần nhau trên chiến trường Syria. Các cuộc không kích của Mỹ ở Deir al-Zour đã giết chết 62 binh sỹ quân đội Syria, làm chệch hướng triển vọng hợp tác Mỹ - Nga tại Syria.
Một sự kiện tương tự có thể xảy ra đối với cả quân đội Syria hoặc quân đội Mỹ, điều này có thể khiến xung đột bùng phát vì hành động trả đũa. Hơn nữa, sự hiện diện của các nhóm dân quân hay khủng bố được một số nước liên quan hậu thuẫn có thể khiến tình hình thêm phức tạp và gia tăng nguy cơ xuất hiện những tính toán sai lầm.
“Chiến tranh” trong không gian mạng
Mỹ, Nga và Trung Quốc đều không có “chiến tranh” trong không gian mạng mặc dù có những cáo buộc từ phía Washington cho rằng, Moscow đã cố gắng để can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hay như cáo buộc Trung Quốc luôn cố gắng để đánh cắp sở hữu trí tuệ và công nghệ từ các công ty của Mỹ.
Những cuộc tấn công mạng luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. (Ảnh: Telegraph) |
Mỹ cảm nhận rõ những nguy cơ tiềm ẩn trong không gian mạng nên đã và đang gia tăng những biện pháp phòng ngừa để sẵn sàng đối phó với những gì mà nước này coi là hành động khiêu khích từ Nga và Trung Quốc.
Thực tế, nhiều chuyên gia không đồng ý với nhận định cho rằng, sự leo thang nghiêm trọng trong các hoạt động thuộc không gian mạng sẽ tạo thành một cuộc “chiến tranh”. Tuy nhiên, không thể loại trừ việc Mỹ, Nga, Trung Quốc có thể rơi vào “vòng xoáy leo thang đáng tiếc” khởi đầu từ không gian mạng bởi Washington đương nhiên sẽ không để Bắc Kinh và Moscow muốn làm gì thì làm.
Nam Á
Với những gì đã diễn ra, có thể thấy, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách của cựu Tổng thống Bush và Tổng thống Obama thúc đẩy mối quan hệ sâu sắc Mỹ - Ấn Độ. Thật vậy, chiến dịch tranh cử của ông Trump đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của những người gốc Ấn tại Mỹ - lực lượng có xu hướng ủng hộ việc đối đầu với Pakistan.
Xung đột ở Kashmir luôn là trở ngại trong quan hệ Ấn Độ - Pakistan. (Ảnh: dapd) |
Tuy nhiên, cuộc điện đàm của ông Trump với Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã “ném” những giả thiết trên vào hỗn loạn.
Ông Trump dường như muốn cho thấy vai trò trung gian hòa giải trong tranh chấp ở Kashmir. Tuy vậy, các nhà phân tích tại Ấn Độ và Mỹ lo ngại rằng, Pakistan có thể hiểu sai thông điệp này giống như việc Mỹ “bật đèn xanh” để họ có thể gia tăng hoạt động quân sự ở Kashmir và thực hiện các biện pháp leo thang khác.
Ở chiều ngược lại, Ấn Độ có thể cảm thấy sự cần thiết phải có những bước chuẩn bị để đối phó với các hành động leo thang của Pakistan thông qua hoạt động tăng cường hoạt động dọc theo đường Ranh giới kiểm soát (LoC). Trong bối cảnh ấy, nếu một trong hai bên quyết định leo thang căng thẳng, nó sẽ kéo theo Mỹ và Trung Quốc vào cuộc, đẩy xung đột lên một nấc thang mới.
Biển Baltic
Theo The National Interest, có lẽ nguy cơ lớn nhất bùng phát xung đột trong năm 2017 nằm ở khu vực Baltic. Ngay từ khi vận động tranh cử, ông Trump đã đặt cam kết của Mỹ đảm bảo an ninh cho NATO vào vòng nghi vấn.
Lực lượng NATO trong một hoạt động huấn luyện trên biển Baltic. (Ảnh: AP) |
Đây có lẽ chưa hẳn là điều tiêu cực bởi nó sẽ thúc đẩy các quốc gia thành viên NATO tăng chi phí quốc phòng của riêng mình, qua đó có thể làm giảm bớt căng thẳng với Nga. Mặt khác, nó có thể còn giúp cải thiện nhận thức cho rằng, Mỹ đang tiếp tục mở rộng can thiệp quân sự tràn lan.
Tuy nhiên, động thái này cũng tiềm ẩn rủi ro lớn. Trong ngắn hạn, nó làm gia tăng những tính toán sai lầm khi Moscow có thể đánh giá thấp những cam kết của Mỹ đối với những cơ sở an ninh ở Baltic và thực hiện những bước đi khiến Mỹ bị kích động.
Nếu kịch bản này xảy ra, nó sẽ đặt cam kết quốc phòng cốt lõi của Mỹ trước thử thách và tất cả có thể dẫn đến xung đột nghiêm trọng.
Con đường dẫn đến chiến tranh Thế giới thứ III vào năm 2017?
Sự không chắc chắn chính là khởi nguồn của tất cả những mối quan ngại. Không ai có thể nắm bắt chính xác những gì chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ làm (cả Moscow và thậm chí là cả Washington) về các vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại.
Chính điều này khiến các quốc gia phải đối mặt với những tính toán khó khăn về rủi ro và cơ hội. Giới khoa học chính trị cho rằng, nhận thức sai lầm, sự không chắc chắn và bất đồng luôn có nguy cơ gây ra xung đột. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, các cố vấn của ông Trump sẽ phải làm việc cật lực để đưa ra những tư vấn cho vị Tổng thống tương lai của nước Mỹ tránh những cuộc khủng hoảng tiềm tàng trong năm mới 2017./.