Phản công gặp khó, Ukraine có thể tiến hành cuộc tấn công tiếp theo?
VOV.VN - Giới quan sát cho rằng, thậm chí cả khi không đạt được đột phá vào mùa hè này, Ukraine vẫn có thể tiếp tục chiến đấu trong mùa đông và nhiều khả năng sẽ bắt đầu một chiến dịch mới vào mùa xuân tới khi các điều kiện đã chín muồi
Dấu hiệu của cuộc xung đột kéo dài
Chiến dịch hiện nay của Ukraine nhằm giành lại các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát có thể phải kéo dài nhiều tháng. Nhiều chiến lược gia quân sự và nhà hoạch định chính sách phương Tây bắt đầu suy nghĩ về cuộc tấn công mùa xuân tiếp theo. Sự dịch chuyển này phản ánh một thực tế rõ ràng, đó là ngoại trừ việc đạt được đột phá lớn, nếu không thì cuộc xung đột ở Ukraine sẽ còn kéo dài.
Trước cuộc phản công hiện nay, nhiều ý kiến lạc quan cho rằng quân đội Ukraine có thể lặp lại thành công vào năm ngoái khi nước này tuyên bố đẩy lùi quân đội Nga và giành lại nhiều vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, những nỗ lực lần này của Kiev, sử dụng xe tăng và xe bọc thép phương Tây để xuyên thủng phòng tuyến Nga, đã chững lại.
Một cuộc tấn công mới có thể sớm diễn ra nhưng giới lãnh đạo quân sự và các nhà hoạch định chính sách phương Tây đang đau đầu với câu hỏi liệu Ukraine có thể đạt được kết quả gì trong những tháng tới và làm thế nào để chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài.
Kiev và phương Tây còn có một mối lo ngại thường trực là dư luận sẽ coi cuộc xung đột hiện nay đang trong tình trạng sa lầy và không còn mặn mà với việc hỗ trợ Ukraine.
Mục tiêu hiện nay của Ukraine là đạt được thành quả đủ để cho người dân Ukraine và phương Tây thấy rằng sự ủng hộ của họ đã không bị đặt sai chỗ và nên tiếp tục.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Litva vào tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng sự ủng hộ của Washington sẽ không thay đổi. Mỹ, Nhật Bản và các nước NATO khác cam kết sẽ cung cấp các kế hoạch an ninh dài hạn cho Ukraine. Lầu Năm Góc tiếp tục hỗ trợ Kiev các vũ khí tiên tiến, gần đây nhất là đạn chùm có tính sát thương cao trong khi các nước phương Tây cũng đang tăng độ sát thương của những vũ khí mà họ cung cấp, chẳng hạn như tên lửa hành trình phóng từ trên không.
Dù vậy, các nhà lãnh đạo quân sự cảnh báo thành quả tương đối nhanh chóng của Ukraine đạt được vào năm ngoái sẽ không lặp lại dễ dàng. Tướng Mark Milley - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đã nhiều lần "dội nước lạnh" vào ý tưởng Kiev có thể nhanh chóng chia cắt hành lang trên đất liền dọc Đông Nam Ukraine hoặc cô lập Bán đảo Crimea.
Sự thận trọng này cũng đang dần lan rộng trong Nhà Trắng khi Ivo Daalder - cựu Đại sứ Mỹ tại NATO dưới thời Tổng thống Barack Obama cho rằng Ukraine sẽ rất khó giành lại tất cả các vùng lãnh thổ trong thời gian ngắn.
Các quan chức phương Tây hy vọng bước đột phá đáng kể của Ukraine sẽ gây tổn thất cho các lực lượng của Nga đến mức sẽ đưa Tổng thống Vladimir Putin vào bàn đàm phán trong mùa đông này. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao nhận định, triển vọng này dường như rất mong manh.
Thay vào đó, Nga đang củng cố các phòng tuyến ở Ukraine, bổ sung binh lính, tăng cường đạn dược và vũ khí. Trong khi đó, phương Tây thúc đẩy ngành công nghiệp quân sự, làm dấy lên nguy cơ của một cuộc xung đột kéo dài.
"Cuộc xung đột này có thể giống như Chiến tranh Triều Tiên với những diễn biến nhanh chóng trên chiến tuyến vào những tháng đầu và sau đó sẽ ngưng trệ. Sẽ mất một vài năm để cả hai bên nhận ra điều đó", Dmitry Gorenburg, một chuyên gia về Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân nêu quan điểm.
Những ví dụ khác cho tương lai của Ukraine mà các chiến lược gia chỉ ra có thể bao gồm kịch bản như ở Trung Đông, nơi mà Israel xung đột với Palestine và các nước Arab láng giềng sau khi nhà nước Do Thái này thành lập năm 1948 hoặc kịch bản như Bắc Ireland.
Ukraine có còn khả năng tiến hành cuộc tấn công tiếp theo?
Giới quan sát cho rằng, thậm chí cả khi không đạt được đột phá vào mùa hè này, Ukraine vẫn có thể tiếp tục chiến đấu trong mùa đông. Mưa và tuyết có lẽ sẽ làm chậm chiến dịch sử dụng những phương tiện hạng nặng như xe tăng nhưng các lực lượng của Ukraine đã cho thấy họ hoạt động hiệu quả hơn với các đơn vị nhỏ và sử dụng những phương tiện nhẹ hơn.
Ukraine chỉ sử dụng một phần trong số các binh lính được đào tạo tốt nhất cho cuộc phản công và chỉ vài nghìn trong số 60.000 binh lính Ukraine được NATO huấn luyện đã tập trận trong các chiến dịch phối hợp. Qua thời gian, số lượng binh lính và chỉ huy Ukraine nhận được sự hỗ trợ tiên tiến từ phương Tây sẽ tăng lên.
Sự huấn luyện này sẽ giúp các phương tiện phương Tây được sử dụng tốt hơn. Những nỗ lực của Ukraine nhằm tận dụng xe tăng châu Âu và xe chở quân nhân của Mỹ không thu về thành quả đáng kể trong chiến dịch vừa qua nhưng vào mùa xuân tới, Kiev sẽ vừa có các trang thiết bị phương Tây vừa có các binh lính thành thạo các kỹ năng.
Vào giữa năm tới, Ukraine có thể sẽ nhận được tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất. Sức ép cũng gia tăng với Washington và Berlin về việc cung cấp các tên lửa tầm xa ATACMS và Taurus.
Câu hỏi lớn xoay quanh việc hỗ trợ tiêm kích F-16 cho Ukraine là Mỹ sẽ trang bị cho chúng loại vũ khí nào. Nga sở hữu các hệ thống phòng không có thể nhắm trúng máy bay làm dấy lên mối lo ngại ở Washington rằng, các chiến đấu cơ của Ukraine sẽ bị bắn hạ. Việc trang bị cho chúng các loại bom dẫn đường chính xác như JSW và Paveway có thể giúp F-16 duy trì khoảng cách an toàn hơn trên tiền tuyến.
Các nhà quan sát dự đoán, phương Tây cuối cùng sẽ hỗ trợ Ukraine các thiết bị tiên tiến như UAV hiện đại có khả năng tấn công trên không. Đầu năm nay, nhà sản xuất vũ khí Mỹ General Atomics đã cung cấp cho Ukraine 2 UAV Reaper MQ-9. Loại máy bay không người lái này có thể mang cả bom Paveway và tên lửa Hellfire.
Hiện nay, trở ngại mà Ukraine phải đối mặt ngoài thời tiết còn có nguy cơ sụt giảm nguồn cung vũ khí và trang thiết bị từ phương Tây, cùng với các vấn đề bảo trì. Ngoài ra, Nga vẫn tiếp tục tăng cường phòng tuyến, trong đó lắp đặt thêm các bãi mìn mới tại một số khu vực mà Ukraine đã dọn sạch.
Nhiều chính trị gia đánh giá cuộc xung đột ở Ukraine với thái độ thận trọng, đặc biệt là khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11 năm sau. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa, đã cho thấy lập trường khắt khe hơn với việc hỗ trợ cho Ukraine.
Mối lo ngại sự ủng hộ này sẽ phai nhạt nếu ông Trump quay lại Nhà Trắng đã gia tăng sức ép lên Ukraine và các nước ủng hộ Kiev để đạt được những thành quả đáng kể trong chiến dịch tiếp theo nếu họ không thể thực hiện điều đó trong năm nay.