Phận trẻ em Syria dưới “mưa bom bão đạn”
(VOV) - Thế giới đang hàng ngày chứng kiến trẻ em Syria bị tổn thương cả về thể xác và tinh thần.
Bà Dominique Hyde, đại diện UNICEF ở Jordan đã chứng kiến những mất mát, thiếu thốn mà trẻ em Syria đang phải chịu đựng mỗi ngày trong trại tị nạn ở Jordan. Thực tế đó được bắt đầu từ câu chuyện của một cậu bé Syria 15 tuổi.
Bà Dominique Hyde, đại diện UNICEF ở Jordan chia sẻ với những tổn thương mà trẻ em Syria đang phải gánh chịu |
“Tất cả người dân trong ngôi làng cậu ở đều chết hết. Một nhóm có vũ trang đã tới tàn sát gia đình cậu, để lại cậu giữa những thi thể người nằm bất động.
Họ đào một cái huyệt lớn cho tất cả các nạn nhân. Cậu bé 15 tuổi cũng bị ném xuống và nhận thấy xung quanh mình là những người thân đều đã chết. Cậu bé tự nhủ phải thoát ra khỏi đó bằng mọi cách.
Thế rồi, cùng với một người bạn khác, cả hai cùng chạy về phía biên giới. Tuy sống sót, nhưng cậu bé 15 tuổi đã mất một bên chân vì hoại tử. Chán nản với ý nghĩ đã mất tất cả, cậu bé không còn thiết sống.
Thật may, các nhân viên cứu trợ có mặt kịp thời đã đưa hai cậu bé về thành phố. Cậu bé 15 tuổi được lắp chiếc chân giả. Tâm trạng của cậu bé đã ổn định trở lại”.
Dominique Hyde cho biết, bà cũng đã chứng kiến câu chuyện của một cậu bé 8 tuổi ở thị trấn Daraa. Một ngày, khi cậu bé đang ở trường, một số người đột nhiên xuất hiện (cậu bé không thể xác định những người này từ đâu đến) giết chết tất cả các giáo viên trong trường. Đó cũng là hình ảnh cuối cùng lưu lại trong ký ức cậu bé về ngôi trường của mình. Khoảng 90% trẻ em Syria đã và đang phải chứng kiến những cảnh bạo lực như thế, bà Hyde khẳng định.
Trại tị nạn Zaatari ở Jordan |
Câu chuyện của các cậu bé trong hai câu chuyện của Dominique Hyde trên đây cũng là tình cảnh của hơn 20.000 học sinh Syria đang lánh nạn trong trại tị nạn Zaatari hẻo lánh của Jordan.
Hơn 200.000 người tỵ nạn Syria hiện đang sống tại các thị trấn và thành phố trên khắp Jordan. Trại tỵ nạn lớn nhất tại Zaatari chứa ít nhất 50.000 người. Họ sang đây để tránh cuộc nội chiến ở Syria nhưng không tránh được sự khắc nghiệt của các cơn bão mùa đông tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Mùa đông băng giá kèm theo mưa và tuyết đã khiến cuộc sống của người tỵ nạn Syria và những người mất nhà cửa di tản ở bên trong lãnh thổ Syria ngày thêm cơ cực
Trong điều kiện khí hậu lạnh lẽo và ẩm ướt ở các trại tị nạn, nơi mà hàng nghìn người, cả trẻ em và người lớn không có đủ quần áo ấm và chăn màn, thì những dãy nhà lưu động hay các phòng học sẽ là nơi tạm trú an toàn cho trẻ em, đại diện Canada ở UNICEF khuyến cáo.
Dominique Hyde thừa nhận, điều kiện sống của người tị nạn Syria quả thực vô cùng khó khăn. Một nhân viên cứu trợ ở Ottawa ngày nào cũng đi khảo sát tại các khu tị nạn cách thủ đô Amman (Jordan) 100km về phía Bắc cho biết, mỗi ngày không chỉ có thêm nhiều người vượt biên giới sang tị nạn mà còn có thêm nhiều trẻ em được sinh ra trong các trại tị nạn. Nhiều bà mẹ sinh con ở ngay biên giới, điều đáng nói là phần lớn trong số họ đều dưới 18 tuổi. Họ cần được giúp đỡ và cung cấp đồ dùng thiết yếu để chăm sóc những đứa trẻ.
Mặc dù thế giới đang hàng ngày chứng kiến hình ảnh trẻ em Syria bị tổn thương cả về thể xác và tinh thần, thế nhưng không hiểu vì lý do gì cộng đồng thế giới vẫn chưa nhanh chóng vào cuộc giúp những đứa trẻ vô tội thoát khỏi cơ cực. Bằng chứng là UNICEF mới chỉ nhận được 13% trong tổng số tiền 196 triệu USD cộng đồng quốc tế tuyên bố hỗ trợ người dân Syria.
Trong khi đó, các cuộc tấn công leo thang ngày càng trở nên nghiêm trọng ở Syria thúc đẩy làn sóng người tị nạn mới đến biên giới, trong đó ít nhất một nửa là trẻ em.
Trẻ em tị nạn Syria ngày ngày phải đối mặt với giá lạnh, đói khát... |
Ở Zaatari tháng này, cũng như các trại tị nạn lạnh lẽo, thiếu thốn khác ở Lebanon và Iraq, mỗi ngày qua đi đều mang dấu ấn của giá lạnh, đói khát…
UNICEF và nhiều tổ chức khác vẫn đang nỗ lực phân phát quần áo ấm, khôi phục hệ thống nước nóng và sắp xếp chỗ ở cho các gia đình trong các trường học và các khu nhà dựng sẵn do các nước vùng Vịnh hỗ trợ. Nhưng họ vẫn sợ rằng mọi nỗ lực cố gắng của họ có thể sẽ trở về số không. Trong cuộc chiến tàn khốc như vậy, khó có thể trông chờ một kết thúc có hậu.
Tháng 4/2012, những người tị nạn Syria đã từng hy vọng có thể trở về nhà nhưng những bất ổn vẫn hiện hữu. Người dân nước này hiểu rằng họ sẽ tiếp tục phải đối mặt với một giai đoạn khó khăn mới./.