Pháp làm Chủ tịch luân phiên EU với tầm nhìn "Phục hồi, mạnh mẽ và tương hỗ"

VOV.VN - Pháp vừa chính thức đảm nhận cương vị chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) nửa đầu năm 2022. Đây là lần thứ 13 Pháp giữ vai trò này kể từ khi EU được thành lập. 

Với cương vị này, Pháp phải thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng theo chương trình lập pháp của châu Âu và đưa ra các thỏa hiệp có khả năng giải quyết các vấn đề chính trị giữa các chính phủ của 27 quốc gia thành viên hoặc giữa các chính phủ và Nghị viện châu Âu.

Theo dự tính, trong nhiệm kỳ 6 tháng này, gần 400 sự kiện đã được lên kế hoạch và sẽ tổ chức tại Pháp, Bỉ cũng như trong các quốc gia thành viên trước khi Pháp chuyển giao vai trò chủ tịch cho quốc gia tiếp theo (CH Séc) vào nửa cuối năm nay. Với phương châm "Phục hồi, mạnh mẽ, tương hỗ", Tổng thống Pháp Macron đã công bố những ưu tiên trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên này bao gồm chủ quyền, tăng trưởng, sinh thái, chuyển đổi kỹ thuật số, nhà nước pháp quyền.

Thời điểm có ý nghĩa quan trọng với cả Pháp lẫn châu Âu

Pháp giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu trong một thời điểm có ý nghĩa quan trọng với cả Pháp lẫn châu Âu. Với nước Pháp là việc chỉ còn 100 ngày nữa là diễn ra vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. Vì thế, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với chính quyền Pháp cũng như cá nhân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đặc biệt là khi ông Macron chắc chắn sẽ sớm công bố việc ra tái tranh cử nhiệm kỳ 2 trong ít ngày nữa. Tuy nhiên, việc Pháp giữ chức Chủ tịch EU vào thời điểm này trước hết có tác động lớn đến các kế hoạch lớn của EU.

Pháp là cường quốc kinh tế số 2 châu Âu và là một trong hai đầu tàu của khối, cùng Đức. Pháp có sức mạnh kinh tế-chính trị, có đủ quyền lực để thúc đẩy các kế hoạch tham vọng của EU. Mặc dù EU là một khối gồm 27 quốc gia thành viên hành động theo nguyên tắc bình đẳng-đồng thuận nhưng thực tế có những nước thành viên EU có quá ít trọng lượng về chính trị-kinh tế để có thể tạo nên các biến đổi lớn trong thời gian giữ chức Chủ tịch EU. Điều này có thể thấy được rất rõ trong năm 2021 khi Bồ Đào Nha và Slovenia giữ chức Chủ tịch EU. Cả hai quốc gia này đều thể hiện rất mờ nhạt và hầu như không có vai trò đáng kể nào trong các sự kiện lớn của EU trong năm 2021.

Ngược lại, khi Đức giữ chức Chủ tịch luân phiên EU trong 6 tháng cuối năm 2020, chính phủ Đức của bà Angela Merkel đã thúc đẩy EU đạt được các thỏa thuận lịch sử, như việc thông qua gói phục hồi kinh tế hậu đại dịch 750 tỷ euro, trong đó lần đầu tiên toàn bộ 27 nước EU chấp nhận vay nợ chung-trả nợ chung. Thậm chí, đến ngày cuối cùng của năm 2020, cũng là ngày cuối nước Đức giữ chức Chủ tịch EU, EU vẫn hoàn tất được Hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc sau hơn 7 năm đàm phán bế tắc.

Qua đó, có thể thấy quốc gia giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU có thể đóng vai trò lớn, thúc đẩy các thay đổi chính sách quan trọng của EU, thông qua sức mạnh của quốc gia đó. Mặc dù sau khi châu Âu áp dụng Hiệp ước Lisbon từ năm 2007, quyền lực của nước giữ chức Chủ tịch luân phiên giảm đi nhiều nhưng quốc gia Chủ tịch vẫn có tiếng nói lớn trong việc sắp xếp nghị trình hoạt động hay quy trình bỏ phiếu thông qua các chính sách lớn của EU.

Về phần mình, Pháp đặt ra rất nhiều tham vọng thực hiện trong 6 tháng tới và giới quan sát cũng cho rằng, đây sẽ là 6 tháng rất sôi động, với nhiều biến chuyển lớn trong chính sách của EU, cả về đối nội lẫn đối ngoại.

Mục tiêu cụ thể của Pháp để đối phó với thách thức

Mục tiêu đầu tiên mà Pháp hướng đến là nâng cao chủ quyền của châu Âu. Trong bài phát biểu cách đây 3 tuần để công bố các ưu tiên hành động của nước Pháp khi giữ chức Chủ tịch EU, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề cập rất nhiều đến kế hoạch cải tổ châu Âu. Một loạt các kế hoạch đã được vạch ra: cải tổ Hiệp ước Schengen về tự do di chuyển nội khối; xây dựng một cơ chế trợ giúp khẩn cấp liên chính phủ để giúp đỡ một quốc gia thành viên EU khi quốc gia đó rơi vào khủng hoảng ở biên giới; xây dựng một cơ chế quản lý và tổ chức tốt hơn vấn đề di cư. Các ý tưởng này trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết sau khi xảy ra khủng hoảng người di cư ở biên giới giữa Ba Lan và Belarus.

Tiếp đến, một kế hoạch cải tổ cực kỳ tham vọng mà Pháp ấp ủ từ lâu là về mặt an ninh-quốc phòng. Pháp dự tính công bố một Sách trắng quốc phòng-an ninh của châu Âu, trong đó đề cập đến thực trạng các mối đe dọa, định ra mục tiêu và phương hướng hành động của khối. Dự kiến, cuối tháng 3/2022, Pháp và Ủy ban châu Âu sẽ tổ chức Thượng đỉnh Quốc phòng của EU tại Paris để thảo luận chủ đề này, nhằm xây dựng sự tự chủ chiến lược lớn hơn của EU.

Nhóm ưu tiên thứ hai của Pháp là định hình một mô hình phát triển mới của châu Âu hậu đại dịch Covid-19, thông qua việc rút ra các bài học từ đại dịch để giúp châu Âu thành công trong việc chuyển đổi số và chống biến đổi khí hậu. Một chính sách cụ thể mà Pháp muốn ưu tiên thúc đẩy là việc xây dựng một mức lương tối thiểu chung của toàn bộ Liên minh châu Âu. Ưu tiên tiếp theo của Pháp là về kinh tế số, thúc đẩy việc luật hóa các quy định nhằm kiểm soát tốt hơn các tập đoàn công nghệ khổng lồ. Mục tiêu, như lời Tổng thống Pháp Macron, là để ngăn các tập đoàn này không trở thành độc quyền không luật lệ và giết chết sự sáng tạo. Pháp dự tính sẽ thiết lập một cơ chế theo đó các nền tảng số sẽ phải chịu trách nhiệm lớn hơn.

Bầu cử Pháp tác động ra sao lên nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên EU?

Nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU của Pháp kéo dài từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 30/6/2022 và trong khoảng thời gian này, nước Pháp sẽ tổ chức hai cuộc bầu cử quan trọng nhất trong nền chính trị nước này, là 2 vòng bầu cử Tổng thống Pháp trong tháng 4/2022 và bầu cử lập pháp vào tháng 6/2022.

Do đó, các sự kiện chính trị đối nội tại Pháp chắc chắn sẽ tác động lớn đến việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch EU của Pháp. Tác động đầu tiên là về mặt hậu cần, tổ chức, khi các chiến dịch tranh cử Tổng thống, mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng sẽ tiến hành, sẽ phân tán một nguồn lực lớn của chính quyền Pháp. Hiện tại, đa số các cuộc họp quan trọng của EU, gồm Thượng đỉnh Quốc phòng EU (cuối tháng 03/2022), Thượng đỉnh EU-châu Phi (17-18/02)… đều được Pháp lên kế hoạch tổ chức trong 3 tháng đầu năm 2022.

Tiếp đến, không ai biết trước sẽ có thay đổi gì nếu vào tháng 4/2022, ông Emmanuel Macron không tái cử Tổng thống Pháp. Khi đó, Pháp sẽ có một chính quyền mới và có thể sẽ có các gián đoạn hoặc thay đổi ưu tiên trong thời gian hơn 2 tháng còn lại giữ chức Chủ tịch luân phiên EU. Tuy nhiên, trong lịch sử, Pháp từng rơi vào tình huống này vào năm 1995, khi ông Jacques Chirac trở thành Tổng thống Pháp thay ông Francois Mitterand vào thời điểm Pháp đang giữ chức Chủ tịch luân phiên E. Về cơ bản, sẽ khó có các thay đổi quá lớn.

Chức Chủ tịch luân phiên EU sẽ tác động thế nào đến kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Pháp?

Về lý thuyết, đây là một thuận lợi với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bởi trong những năm qua, ông Macron đã khẳng định được vai trò và vị thế của mình như một trong những lãnh đạo hàng đầu, có tầm nhìn, có tham vọng của châu Âu và trong số các đối thủ đua tranh ghế Tổng thống Pháp với ông Macron hiện tại, không một ai có hiểu biết hay vị thế châu Âu tốt hơn ông Macron. Do đó, nếu làm tốt vai trò Chủ tịch EU, ông Macron sẽ ghi thêm điểm trong cuộc đua Tổng thống.

Nhưng, châu Âu, dù rất quan trọng, cũng không phải là chủ đề mà cử tri Pháp quan tâm nhất. Thay vào đó là vấn đề việc làm, sức mua, an ninh, nhập cư. Do đó, các đối thủ của ông Macron sẵn sàng tận dụng mọi cơ hội để công kích ông Macron nếu ông Macron quá sa đà vào vấn đề châu Âu.

Ví dụ mới nhất là sự việc Pháp treo cờ châu Âu phía trên mộ liệt sĩ vô danh ở Khải hoàn môn hôm 31/12 và 1/1 để đánh dấu việc Pháp giữ chức Chủ tịch EU mà lại không treo cờ Pháp bên cạnh. Tất cả các đối thủ chính trị của ông Macron đã đồng loạt công kích ông Macron là đã xem nhẹ chủ quyền nước Pháp và trước làn sóng công kích, chính quyền Pháp đã phải sớm hạ lá cờ EU xuống.

Những ví dụ này cho thấy, việc Pháp giữ chức Chủ tịch EU trong 6 tháng đầu 2022 là cơ hội tốt cho ông Macron nhưng nếu không xử lý khéo léo sẽ khiến ông Macron mất điểm trong các chủ đề quan trọng khác của cuộc đua vào ghế Tổng thống Pháp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

EU tăng cường các biện pháp ngăn chặn dòng người di cư
EU tăng cường các biện pháp ngăn chặn dòng người di cư

VOV.VN - Các quốc gia ở biên giới cực đông với Belarus của Liên minh châu Âu là Ba Lan và Litva, Latvia đã thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn trong ngày 1/12 để ngăn chặn tình trạng người di cư qua khu vực biên giới.

EU tăng cường các biện pháp ngăn chặn dòng người di cư

EU tăng cường các biện pháp ngăn chặn dòng người di cư

VOV.VN - Các quốc gia ở biên giới cực đông với Belarus của Liên minh châu Âu là Ba Lan và Litva, Latvia đã thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn trong ngày 1/12 để ngăn chặn tình trạng người di cư qua khu vực biên giới.

Giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus với EU
Giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus với EU

VOV.VN - Đây là lần thứ hai trong tuần này, Tổng thống Nga V.Putin điện đàm với Tổng thống Belarus A.Lukashenko về cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus với các nước EU.

Giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus với EU

Giải pháp cho cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus với EU

VOV.VN - Đây là lần thứ hai trong tuần này, Tổng thống Nga V.Putin điện đàm với Tổng thống Belarus A.Lukashenko về cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus với các nước EU.

Cơ hội cho Tổng thống Pháp Macron trở thành người dẫn dắt EU sau bà Merkel?
Cơ hội cho Tổng thống Pháp Macron trở thành người dẫn dắt EU sau bà Merkel?

VOV.VN - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rất muốn thay thế vai trò của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Dù vậy, theo Washington Post, nhiều khả năng, châu Âu sẽ không có một nhân vật ảnh hưởng trung tâm duy nhất.

Cơ hội cho Tổng thống Pháp Macron trở thành người dẫn dắt EU sau bà Merkel?

Cơ hội cho Tổng thống Pháp Macron trở thành người dẫn dắt EU sau bà Merkel?

VOV.VN - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rất muốn thay thế vai trò của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Dù vậy, theo Washington Post, nhiều khả năng, châu Âu sẽ không có một nhân vật ảnh hưởng trung tâm duy nhất.

Tổng thống Macron muốn “hạ bệ” tiếng Anh bằng tiếng Pháp trong EU?
Tổng thống Macron muốn “hạ bệ” tiếng Anh bằng tiếng Pháp trong EU?

VOV.VN - Tiếng Pháp từng thống soái trong giao tiếp toàn cầu nhưng rồi vị trí này của tiếng Pháp đã bị tiếng Anh thay thế một cách áp đảo. Nhưng người Pháp vẫn cố gắng lật ngược tình thế.

Tổng thống Macron muốn “hạ bệ” tiếng Anh bằng tiếng Pháp trong EU?

Tổng thống Macron muốn “hạ bệ” tiếng Anh bằng tiếng Pháp trong EU?

VOV.VN - Tiếng Pháp từng thống soái trong giao tiếp toàn cầu nhưng rồi vị trí này của tiếng Pháp đã bị tiếng Anh thay thế một cách áp đảo. Nhưng người Pháp vẫn cố gắng lật ngược tình thế.