Tổng thống Macron muốn “hạ bệ” tiếng Anh bằng tiếng Pháp trong EU?
VOV.VN - Tiếng Pháp từng thống soái trong giao tiếp toàn cầu nhưng rồi vị trí này của tiếng Pháp đã bị tiếng Anh thay thế một cách áp đảo. Nhưng người Pháp vẫn cố gắng lật ngược tình thế.
Tiếng Pháp là một trong 3 ngôn ngữ làm việc của Ủy ban châu Âu (EC) – nhánh hành pháp của Ủy ban châu Âu. Hai ngôn ngữ còn lại là tiếng Anh và tiếng Đức.
Theo các số liệu thống kê, ít nhất 80% quan chức của EC nói tiếng Pháp với tư cách là ngôn ngữ thứ nhất, thứ hai, hoặc thứ ba. Tuy nhiên vị thế của tiếng Pháp ngày càng suy giảm, nhường chỗ dần cho tiếng Anh. Tình trạng này cũng xuất hiện tại Brussels (Bỉ) nơi đặt trụ sở của Liên minh châu Âu (EU).
Theo trang Politico, khi Pháp chuẩn bị đám nhiệm chức Chủ tịch Liên minh châu Âu vào năm 2022, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được cho là đang ấp ủ các kế hoạch ngầm để đưa tiếng Pháp thay thế tiếng Anh trong tất các cuộc họp của EU ở Brussels (Bỉ).
Tiếng Anh hiện đang được sử dụng như “ngôn ngữ làm việc” của EU tại các hội nghị cấp cao của các đại diện của khối 27 nước thành viên này.
Nguồn tin trên cho hay, ông Macron hy vọng sẽ thực hiện quy tắc mới này sau khi Pháp đảm nhận chức Chủ tịch EU trong 6 tháng, từ tháng 1-6/2022. Theo đó, Tổng thống Pháp có thể sẽ phớt lờ các bức thư do Ủy ban châu Âu gửi đến nếu các bức thư này được soạn bằng tiếng Anh.
Một nhà ngoại giao Pháp được dẫn lời phát biểu như sau: “Chúng tôi sẽ luôn yêu cầu Ủy ban gửi thư cho chúng tôi bằng tiếng Pháp, và nếu họ không chịu làm vậy, chúng tôi sẽ đợi đến khi có phiên bản tiếng Pháp”.
Biên bản cuộc họp và các tài liệu chính thức cũng dự kiến sẽ sử dụng tiếng Pháp.
Nguồn tin này nói thêm như sau: “Chúng ta phải làm giàu tiếng Pháp, phải hồi sinh nó để ngôn ngữ này thực sự giành lại vị thế”.
Vào tháng 4/2021, Bộ trưởng Ngoại giao và các vấn đề EU của Pháp Clement Beaune và Quốc vụ khanh Pháp Jean-Baptiste Lemoyne cho rằng chức Chủ tịch EU sắp tới của Pháp tạo ra cơ hội vàng để giương cao chủ nghĩa đa ngôn ngữ.
Chính phủ Pháp được cho là còn đầu tư tiền bạc để cung cấp các khóa học tiếng Pháp cho các nhà ngoại giao EU.
Tuy nhiên động thái này đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ ngay bên trong EU.
Politico dẫn lời một nhà ngoại giao giấu tên bày tỏ sự lo ngại như sau: “Nhiều đại biểu các quốc gia trong các nhóm làm việc của EU đơn giản là không biết hoặc không nói được tiếng Pháp. Hy vọng rằng Pháp cuối cùng sẽ đi theo lối tiếp cận thực tế trong vấn đề ngôn ngữ”./.