Thế giới 7 ngày:

Pháp tấn công Mali, phiến quân sát hại con tin tại Algeria

(VOV) - Pháp đã giành được những thắng lợi đầu tiên trong cuộc chiến với phiến quân. Tuy nhiên phiến quân cũng đã có những hành động đáp trả.


Sau khi tiến hành hàng loạt các vụ không kích vào các vị trí của phiến quân tại miền Bắc Mali, bộ binh Pháp đã triển khai quân cùng các khí tài quân sự hiện đại để chiến đấu giành lại các thành phố, thị trấn bị quân nổi dậy chiếm đóng.

Cùng với hơn 1.000 binh sĩ trong tổng số khoảng 2.500 binh sĩ mà Pháp dự định triển khai tại Mali, quân đội của các nước thuộc Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) cũng đã được đưa tới trong một nỗ lực cùng với Pháp đẩy lùi nhóm phiến quân Hồi giáo đang tiến công vào miền Nam Mali.

Theo các nguồn tin, cho đến nay, với sự trợ giúp của Pháp và các quốc gia Tây Phi, binh sĩ Mali đã giành lại quyền kiểm soát thành phố Konna, một căn cứ của quân đội ở miền trung Mali bị phiến quân đánh chiếm. Cùng với đó, quân đội Mali cùng đã giành lại thị trấn Diabaly, nằm về phía Bắc thủ đô Bamako, vốn bị các tay súng Hồi giáo chiếm giữ vài ngày trước đó.

Việc đẩy lui phiến quân khỏi thị trấn Diabaly, được xem là thành công thứ 2 đối với quân đội Pháp khi thực hiện chiến dịch không kích cũng như tác chiến trên bộ tại Mali. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cũng như các quan sự quân sự Pháp cũng cảnh báo, Pháp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi tham chiến tại Mali bởi phiến quân được huấn luyện và trang bị vũ khí tốt hơn nhiều so với dự đoán ban đầu của Pháp. Trong ảnh: Binh sĩ Pháp trên xe thiết giáp tham chiến tại Mali (Ảnh: AP).

Ngày 16/1, một nhóm vũ trang có liên hệ với al-Qeada đã tấn công vào một khu khai thác khí đốt ở Algeria bắt giữ hàng trăm con tin người Algeria và người nước ngoài đang làm việc tại cơ sở này. Vụ tấn công được cho là nhằm trả đũa cho việc chính phủ Algeria cho phép Pháp dùng không phận để không kích vào miền Bắc Mali.

Chính phủ Algeria cho biết, cuộc khủng hoảng con tin đã kết thúc sau 4 ngày khi ngày 19/1, lực lượng đặc nhiệm Algeria đã tấn công vào cơ sở khai thác khí đốt này và tiêu diệt toàn bộ 32 tên khủng bố đang giam giữ các con tin. Tuy nhiên, đã có ít nhất 23 con tin thiệt mạng trong chiến dịch giải cứu này.

Cuộc khủng hoảng con tin tại Algeria đã kết thúc, tuy nhiên sự việc này cũng làm dấy lên mối quan ngại về tính mạng của các công dân nước ngoài, đặc biệt là các công dân phương Tây đang làm việc cũng như sinh sống tại các quốc gia Tây Phi - nơi mạng lưới al-Qaeda và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác đang cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng. Trong ảnh: Một con tin người Na Uy được giải thoát sau khi đặc nhiệm Algeria tấn công vào cơ sở khai thác khí đốt (Ảnh: Reuters).

Dư luận Mỹ đang háo hức chờ đón lễ nhậm chức nhiệm kỳ 2 của đương kim Tổng thống Barack Obama, được tổ chức chính thức vào ngày 21/1 (giờ Mỹ). Hiện tại các hoạt động chuẩn bị cuối cùng cho buổi lễ  đã được hoàn tất. Dự kiến có khoảng 800.000 người sẽ đổ về Washington vào ngày Tổng thống Obama đọc diễn văn nhậm chức, giảm đáng kể so với con số kỷ lục 1,8 triệu người của năm 2009.

Lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ luôn là sự kiện lớn tại Washington nên an ninh được tăng cường nhằm đảm bảo không có trục trặc xảy ra tại khu vực đồi Capitol. Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã tích cực lên kế hoạch ứng phó trước kịch bản tấn công của những phần tử riêng lẻ, không thuộc các nhóm khủng bố có tổ chức. Cảnh sát, quân đội và các mật vụ của Cơ quan cảnh vệ Tổng thống được bố trí dày đặc khắp nơi. Trong ảnh: Mặt trước của Tòa nhà Quốc hội Mỹ được bố trí sẵn sàng cho lễ nhậm chức lần thứ 2 của Tổng thống Obama (Ảnh: AP).


Sau rất nhiều chờ đợi, ngày 16/1, Tổng thống Mỹ Barack Obamaký ban hành 23 sắc lệnh nhằm hạn chế tình trạng bạo lực liên quan tới súng đạn. Trước sự chứng kiến của Phó Tổng thống Joe Biden và đại diện gia đình của 20 gia đình học sinh thiệt mạng trong vụ thảm sát tại thị trấn Newtown, bang Connecticut tháng trước, Tổng thống Obama đã ký ban hành gói sắc lệnh mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội. Gói biện pháp này nhằm tăng cường kiểm tra lai lịch của các đối tượng mua súng và mở rộng các chương trình đảm bảo an toàn học đường.

Theo một cuộc điều tra dư luận do Viện thăm dò Gallup có trụ sở ở Mỹ thực hiện,hơn một nửa người Mỹ ủng hộ đề xuất giảm bạo lực súng đạn do Tổng thống Mỹ Barack Obama đề xuất. Cuộc thăm dò cũng cho thấy, khoảng 82% các nghị sĩ đảng Dân chủ và 75% các nghị sĩ đảng Cộng hòa đều ủng hộ sắc lệnh của Tổng thống Obama. Trong ảnh: Tổng thống Obama ký gói sắc lệnh về kiểm soát súng (Ảnh: Washington Post).

Ngày 14/1, khoảng 50 nước chính thức yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) đưa vấn đề Syria lên Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) trong bối cảnh, cuộc khủng hoảng kéo dài gần 2 năm qua tại nước này đã làm 60.000 người thiệt mạng. Trong bức thư, các nước cũng yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ gửi một thông điệp mạnh mẽ yêu cầu chính quyền Syria và tất cả các bên tôn trọng các quyền của con người và quyền nhân đạo trong cuộc xung đột hiện nay.

Tuy nhiên, sau cuộc họp kín ngày 18/1, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiếp tục chia rẽ về việc liệu có chuyển các báo cáo tội ác chiến tranh ở Syria sang Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) hay không? 

Dù vấp phải sự phản đối của một số nước, trong đó có Nga, Đại sứ Vương quốc Anh tại Liên Hợp Quốc Mark Lyall Grant cho biết, các nước vẫn sẽ tiếp tục vận động để Hội đồng Bảo an chuyển vụ kiện về tội ác chiến tranh ở Syria sang cho Tòa án Hình sự Quốc tế. Trong ảnh: Phiến quân Syria hành quyết tù binh mà không cần xét xử (Ảnh: Reuters).

Từ 16 - 18/1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á là Việt Nam, Thái LanIndonesia sau khi ông  được Hạ viện Nhật Bản bầu làm Thủ tướng ngày 26/12/2012.

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Shinzo Abe, mở đầu cho giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hai nước và nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư.

Dư luận cho rằng, chuyến thăm Việt Nam, Thái Lan và Indonesia lần này cho thấy, Nhật Bản đánh giá cao vai trò quan trọng của các nước ASEAN trong chiến lược đối ngoại mới, cũng như trong hợp tác phát triển kinh tế giữa Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á. Trong ảnh: Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe duyệt đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam (Ảnh: Đỗ Hưng).

Ngày 15/1, theo hãng tin Tân Hoa xã, Cục Khảo sát, đo đạc và thông tin địa lý quốc gia Trung Quốc đã tuyên bố, nước này sẽ tiến hành khảo sát quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang tranh chấp với Nhật Bản. Cục Khảo sát, đo đạc và thông tin địa lý quốc gia Trung Quốc nhấn mạnh, chương trình khảo sát nói trên nằm trong nỗ lực bảo vệ quyền và lợi ích biển của Trung Quốc.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội đàm với Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và các quy tắc liên quan đến “Quy tắc ứng xử trên Biển Đông” (COC), đồng thời nêu rõ: “Nhật Bản hết sức quan tâm đến hành động của Trung Quốc trong tranh chấp với các nước có chung đường biên giới trên biển, cũng như tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh các tuyến hàng hải mang tính chiến lược trong khu vực đối với nền kinh tế của mình”.

Trong khi đó, phát biểu tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Nhật Bản ngày 19/1, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã cam đoan ủng hộ Nhật Bản trong vấn đề đảo tranh chấp giữa Tokyo với Bắc Kinh và mời Tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Washington vào cuối tháng Hai để gặp gỡ Tổng thống Barack Obama. Trong ảnh: Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện đang là nơi tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc (Ảnh: Getty Images).

Chính phủ Venezuela hôm 13/1 thông báo, tình trạng nhiễm trùng phổi sau phẫu thuật ung thư của Tổng thống Hugo Chavez đã được kiểm soát và tình hình sức khỏe của ông đang tiến triển tích cực

“Mặc dù tình trạng sức khỏe của ông Chavez khá phức tạp sau cuộc phẫu thuật hôm 11/12, những ngày qua tình trạng sức khỏe của ông đang có tiến triển tích cực và ông Chavez đang tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị”, Bộ trưởng Bộ Thông tin Venezuela Ernesto Villegas cho biết. Trong ảnh: Bệnh viện CIMEQ tại thủ đô La Havana của Cuba - Nơi được đặt trong tình trạng an ninh nghiêm ngặt, được cho là nơi Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đang điều trị (Ảnh: AP).


Chính quyền thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc đã phải triển khai các biện pháp khẩn cấp nhằm ứng phó với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng của thành phố.

Theo số liệu của Cơ quan bảo vệ môi trường thành phố Bắc Kinh, trong ngày 12/1, chỉ số chất lượng không khí ở hầu hết các địa phương trong thành phố đã tăng lên mức 500, cấp độ ô nhiễm nguy hiểm.

Hiện Bắc Kinh có dân số khoảng 20 triệu người và hơn 5 triệu phương tiện giao thông. Bụi than và khói xe là hai nguồn chính gây ô nhiễm không khí tại thủ đô của Trung Quốc. Trong ảnh: Bắc Kinh chìm trong màn sương mờ do ô nhiễm khói bụi (Ảnh: Reuters).


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên