Hy vọng lớn về đột phá tại Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2
VOV.VN - Giới chuyên gia khẳng định Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 có nhiều khả năng tạo đột phá lớn cho quan hệ Mỹ-Triều và tình hình bán đảo Triều Tiên.
Cả thế giới đang đổ dồn sự chú ý vào Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 sẽ diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 27-28/2 tới. Sau sự khởi đầu suôn sẻ tại Singapore vào tháng 6/2018, dư luận đang chờ đợi cả Mỹ và Triều Tiên sẽ có những bước đi mạnh dạn hơn để tạo ra bước đột phá cho tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Donald Trump (trái) và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong cuộc gặp đầu tiên giữa 2 người trong khuôn khổ Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 1 ở Singapore. Ảnh: Guardian Nigeria. |
Nếu như Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 1 diễn ra tại Singapore vào 6/2018 là một sự kiện lịch sử khi hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên lần đầu tiên gặp mặt, làm quen thì cuộc gặp mặt lần thứ 2 tới đây sẽ là cuộc đấu trí gay cấn giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khi cùng chịu sức ép phải tạo ra kết quả mà ở đó cả hai bên đều cùng là người chiến thắng.
Lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên đang dẫn dắt dư luận
Vào thời điểm hiện tại thì có thể thấy rõ cả Tổng thống Mỹ và Nhà lãnh đạo Triều Tiên đều đã hiểu nhau hơn sau cuộc gặp đầu tiên tại Singapore. Nếu trước cuộc gặp đầu tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định điều kiện tiên quyết là Triều Tiên phải giải trừ hạt nhân một cách “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” thì nay Tổng thống Trump đã dịu giọng hơn. Chỉ vài ngày trước, Tổng thống Trump tuyên bố “không vội vàng” và “không gây sức ép buộc Triều Tiên đưa ra thời gian biểu cho tiến trình phi hạt nhân hóa” đồng thời cam kết sẽ đảm bảo các giải pháp phát triển kinh tế cho Triều Tiên nếu nước này tuân thủ cam kết về phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn.
Về phía Triều Tiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên VOV thường trú tại Australia, tiến sỹ Euan Graham, Giám đốc điều hành chương trình Châu Á, thuộc trường Đại học La Trobe, Australia nhận định: Triều Tiên biết rằng “Tổng thống Donald Trump đang rất cần triển khai thành công chính sách đối ngoại” vì thế họ sẽ có bước đi khéo léo để Tổng thống Trump có thể đạt được điều này song Triều Tiên cũng không phải nhượng bộ quá nhiều.
Sự thấu hiểu kỳ vọng và cả những giới hạn của nhau đang đưa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tiến gần hơn đến sự thỏa hiệp. Nếu như trước hội nghị ở Singapore, cả hai tránh tạo ra kỳ vọng quá lớn thì ngược lại lần này, cả phía Mỹ và Triều Tiên đều đang dẫn dắt dư luận hướng đến những thỏa thuận có tính chất đột phá. Vài ngày trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết đạt được hòa bình cho Mỹ, cho bán đảo Triều Tiên và thế giới trong khi đó Triều Tiên cũng thông báo với người dân rằng “đất nước đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử”, đang “đứng trước thời khắc quyết định”.
Các kết quả có khả năng đạt được
Quan hệ Mỹ-Triều Tiên vốn có quá nhiều khác biệt vì vậy việc hai bên sẽ chọn vấn đề nào để giải quyết trước tiên luôn được dư luận quan tâm. Trong cuộc trao đổi với phóng viên VOV thường trú tại Australia, giáo sư Carlyle Thayer thuộc trường Đại học New South Wales nhận định: “Tổng thống Donald Trump sẽ không bay một quãng đường xa đến Việt Nam chỉ để chụp ảnh mà không đạt được thỏa thuận nào. Vì vậy chắc chắn giữa hai bên đã đạt được một số thỏa thuận. Trong đó, nhiều khả năng, Triều Tiên sẽ cho phép các thanh sát viên quốc tế đến thanh sát cơ sở hạt nhân tại Yongbyon. Hai bên cũng có thể đạt được thỏa thuận về các cuộc tiếp xúc ở cấp chuyên viên”. Theo giáo sư Carlyle Thayer, vấn đề chưa rõ hiện nay là Mỹ sẽ có hành động tương tự nào để đáp lại.
Chuyên gia Trung Quốc: Thượng đỉnh Mỹ-Triều khẳng định vị thế của Việt Nam
Tiến sỹ Euan Graham cũng có chung quan điểm với giáo sư Carlyle Thayer về khả năng hai bên có thể đạt được thỏa thuận cho phép thanh sát viên quốc tế đến thanh sát tại cơ sở hạt nhân Yongbyon. Bên cạnh đó, tiến sỹ Graham cũng phán đoán, nhiều khả năng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến tranh, làm thay đổi tình trạng quan hệ giữa hai nước cũng như tạo đà để Triều Tiên mở rộng quan hệ với bên ngoài. Giáo sư Carlyle Thayer thì cho rằng một nội dung lớn nữa mà hai bên có thể đạt được thỏa thuận đó là việc Mỹ dỡ bỏ một phần hoặc hoàn toàn lệnh cấm vận kinh tế đối với Triều Tiên. Dự đoán này càng có cơ sở khi thông cáo báo chí ra ngày 21/2 của Nhà Trắng cho biết, “nếu Triều Tiên tuân thủ cam kết về phi hạt nhân hóa hoàn toàn thì Mỹ sẽ đảm bảo các biện pháp phát triển kinh tế” cho Triều Tiên.
Tất nhiên đây không phải là toàn bộ những gì mà Mỹ và Triều Tiên mong muốn nhận được từ đối tác đàm phán. Bên cạnh những nội dung này, Triều Tiên cũng luôn mong mỏi cả Hàn Quốc và lực lượng của Mỹ tại khu vực này cũng phải cam kết đảm bảo môi trường phi hạt nhân trên toàn bộ bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng chưa bao giờ ngừng hy vọng Mỹ rút sẽ quân khỏi Hàn Quốc, chấm dứt các cuộc tập trận cũng như cam kết không thực hiện các tấn công hạt nhân. Chỉ khi những biện pháp này được thực hiện thì Triều Tiên mới thực sự cảm thấy an toàn và giảm bớt nỗi lo về các cuộc tấn công trực tiếp.
Mỹ cũng vậy, điều họ luôn cần ở Triều Tiên đó là chấm dứt hoàn toàn và kiểm chứng được chương trình hạt nhân cũng như tên lửa đạn đạo để loại bỏ mối đe dọa trực tiếp đến an ninh của Mỹ cũng như của đồng minh.
Tuy nhiên, giáo sư Carlyle Thayer nhận định, đây đều là các vấn đề rất lớn chứ không phải là “chuyện bật, tắt công tắc” vì vậy cần có thời gian để giải quyết từng bước.
Mặc dù biết chắc là hội nghị Thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chưa thể giải quyết toàn bộ khúc mắc giữa Mỹ và Triều Tiên song để đạt được bất kỳ thỏa thuận nào thì cả hai đều phải có bước đi nhượng bộ và cơ sở quan trọng nhất để đạt được điều này vẫn là việc hai bên cần phải trao gửi cho nhau niềm tin.
Có thể thấy là không dễ dàng khi chuyển thái cực của mối quan hệ từ đồi đầu sang đối thoại nhưng cũng vì thế mà những bước đi đầu tiên luôn là khó khăn nhất nhưng khi đã vượt qua được ngưỡng cửa thì các khác biệt còn lại sẽ dần được thu hẹp.
Hà Nội là niềm tin và hy vọng
Hà Nội đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thế giới vì trở thành chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 diễn ra từ ngày 27-28/2. Việc chọn Việt Nam, mà cụ thể là Hà Nội đã cho thấy cả Mỹ và Triều Tiên đều đánh giá Việt Nam là đối tác tin cậy và tin tưởng Việt Nam sẽ tạo ra môi trường an toàn, công bằng, thân thiện cho cuộc đối thoại giữa hai bên.
Giáo sư Carlyle Thayer khẳng định: Các bên đều tin tưởng Việt Nam sẽ là một “chủ nhà công bằng, có thể tin tưởng. Việt Nam không can thiệp vào kết quả của cuộc gặp nhưng có thể tạo ra bối cảnh thuận lợi như an ninh tốt, nơi lưu trú tốt, báo chí có thể tác nghiệp và gửi thông tin ra bên ngoài đồng thời Việt Nam cũng có nhiều kinh nghiệm ngoại giao để có thể tổ chức thành công hội nghị có tầm cỡ quốc tế”.
Hai nhân vật then chốt ảnh hưởng thành bại của Thượng đỉnh Mỹ-Triều 2
Giáo sư Carlyle Thayer nhận định, trong những năm qua, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng và việc được chọn làm chủ nhà của hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai cũng giống như “bỏ phiếu tín nhiệm”, “chứng tỏ các bên tin tưởng vào năng lực, vào vai trò xây dựng, đóng góp của Việt Nam đối với an ninh, hòa bình của khu vực và thế giới. Vì thế Hội nghị này là minh chứng cho thấy Việt Nam có uy tín rất cao trên trường quốc tế”.
Không chỉ vậy, theo giáo sư Carlyle Thayer, Triều Tiên còn có tầm nhìn xa hơn khi năm tới Việt Nam sẽ lần thứ hai đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và cũng đồng thời là Chủ tịch ASEAN, tổ chức luôn thúc đẩy đối thoại và luôn muốn đóng góp, hỗ trợ tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Trong bối cảnh đó, giáo sư Carlyle Thayer nhận định, “Triều Tiên có thể muốn thông qua Việt Nam để gửi gắm vào ASEAN với mong muốn Việt Nam và ASEAN tiếp tục đóng vai trò tích cực vào tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên” trong các năm tới.
Tiến sỹ Euan Graham lại có góc nhìn khác khi cho rằng việc chọn Việt Nam là chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 mang ý nghĩa biểu tượng rất cao. Bởi Việt Nam từng là quốc gia bị chia cắt và được thống nhất. Việt Nam và Mỹ cũng từng đối đầu với nhau trong một cuộc chiến. Vì thế, với Mỹ, Việt Nam là một ví dụ rõ ràng cho thấy những thay đổi mà Việt Nam đã làm được sau khi đất nước thống nhất và cải thiện quan hệ với bên ngoài. Tiến sỹ Graham cũng cho rằng, Việt Nam cũng sẽ là thông điệp mà Mỹ muốn gửi gắm đến Triều Tiên “về tầm quan trọng của mở cửa kinh tế, về việc không cần sử dụng vũ khí hạt nhân song vẫn có chính sách đối ngoại độc lập”.
Công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai đang dần hoàn tất những khâu cuối cùng. Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đều đã sẵn sàng chào đón các vị khách quý với mong muốn sự chuẩn bị chu đáo sẽ giúp các bên sẽ có tâm thế thoái mái để có những ngày làm việc hiệu quả, đáng nhớ tại Việt Nam./.