“Philippines nên giục Trung Quốc đàm phán sau phán quyết từ PCA“
VOV.VN - Theo chuyên gia hàng đầu của Philippines về luật biển, Manila nên hối thúc Bắc Kinh tham gia đàm phán, thảo luận công bằng sau phán quyết từ PCA.
Hôm qua (12/7), Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển 1982 ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. Phán quyết này được đánh giá là chiến thắng vượt ngoài mong đợi của Philippines.
Giáo sư luật Jay Batongbacal, Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề hàng hải và Luật Biển thuộc trường Đại học Philippines. (Ảnh: IISD)
Giáo sư luật Jay Batongbacal, chuyên gia hàng đầu của Philippines về luật biển, Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề hàng hải và Luật Biển thuộc trường Đại học Philippines đã có cuộc trao đổi với phóng viên VOV về phán quyết này và đề xuất những việc cần làm với Philippines và Trung Quốc vào thời điểm hậu phán quyết.
PV: Ông bình luận như thế nào về nội dung phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước của LHQ về luật biển 1982 về đường chín đoạn và quy chế pháp lý của các cấu trúc tại quần đảo Trường Sa?
Giáo sư Jay Batongbacal: Phán quyết của tòa đã làm giảm đáng kể phạm vi yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Phán quyết này cũng có thể diễn giải là đường chín đoạn chỉ là yêu sách về quyền lịch sử đối với các đảo và vùng lãnh hải 12 hải lý quanh các đảo đó. Phán quyết này cũng bác bỏ quyền có nhiều hơn 12 hải lý của tất cả các thực thể ở Trường Sa, khiến các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển hầu như không bị tác động.
PV: Phán quyết này có ý nghĩa như thế nào đối với Philippines?
Giáo sư Jay Batongbacal: Đối với Philippines, phán quyết này đã khiến cho Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước này được mở rộng một cách tối đa và giới hạn khu vực tranh chấp pháp lý ở vùng 12 hải lý xung quanh các đảo và đá.
Điều này có nghĩa là Trung Quốc không có quyền yêu cầu bất kỳ điều gì từ Philippines trong vấn đề nguồn tài nguyên hay các vấn đề khác. Phán quyết này cũng ủng hộ lập trường của Philippines và khẳng định các hành động gần đây của Trung Quốc chống lại Philippines là không phù hợp với luật pháp quốc tế.
PV: Vậy phán quyết này tác động như thế nào tới các tranh chấp tại Biển Đông?
Giáo sư Jay Batongbacal: Phán quyết của Tòa sẽ làm cho cuộc thảo luận về các tranh chấp ở Biển Đông được định hình lại với việc Trung Quốc có ít quyền và tư cách pháp lý hơn so với các yêu sách pháp lý của họ. Trong khi đó, lập trường của các quốc gia Đông Nam Á ven biển đối với quyền và tư cách pháp lý ở những vùng biển lân cận sẽ được tăng cường và được ủng hộ bởi luật quốc tế. Trong khi đó, lập trường của Trung Quốc về các vùng biển bên ngoài khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo và đá đã bị luật bác bỏ.
PV: Philippines nên làm gì sau phán quyết này?
Giáo sư Jay Batongbacal: Philippines nên lùi lại 1 bước, đánh giá cẩn thận các tác động của phán quyết và đưa ra tầm nhìn rõ ràng và chiến lược dài hạn trong việc làm thế nào để bảo vệ và đảm bảo các quyền chính đáng của mình ở Biển Đông. Philippines cũng nên tái vận động Trung Quốc tham gia vào các cuộc thảo luận công bằng và tỉnh táo về các khác biệt giữa các bên dựa trên các chỉ dẫn rõ ràng từ phán quyết.
Hành trình Philippines tìm công lý trước Trung Quốc qua “PCA”
PV: Còn Trung Quốc nên làm gì sau phán quyết này?
Giáo sư Jay Batongbacal: Trung Quốc cũng nên lùi lại một bước và nhìn lại chính sách đối ngoại của nước này về Biển Đông trong những năm gần đây đã phản tác dụng và đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc. Trung Quốc nên suy nghĩ kỹ về cách thức định hướng lại chính sách đối ngoại và lập trường trong tranh chấp ở Biển Đông nhằm giành lại lòng tin của các nước láng giềng.
Trung Quốc nên theo đuổi việc quản lý và hành động phù hợp với luật pháp quốc tế hơn là các nỗ lực đơn phương chỉ phục vụ lợi ích và kế hoạch của chính họ nhưng làm tổn hại đến các quốc gia khác trong khu vực. Nếu không, họ sẽ lại tiếp tục bị chỉ trích.
PV: Trân trọng cảm ơn giáo sư!/.