Phóng tên lửa liên tiếp, Triều Tiên đối mặt với cô lập
(VOV) - Tuần qua có nhiều sự kiện “gây sốc” như video ăn thịt người, tuyên bố về nô lệ tình dục, và căng thẳng Đài Loan-Philippines.
Ngày 14/5, báo chí Nga đồng loạt đưa tin nước này đã bắt giam một điệp viên CIA hoạt động dưới vỏ bọc là một nhà ngoại giao ở sứ quán Mỹ tại Moscow, tên là Ryan Fogle. Người này bị cáo buộc âm mưu tuyển mộ một sỹ quan tình báo Nga. Phía Nga cho biết, nhà ngoại giao này “không được hoan nghênh” vì có các hành động khiêu khích như thời chiến tranh lạnh và sẽ bị trục xuất. Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul cũng đã bị triệu tập về vụ việc này. Vụ bê bối gián điệp bị phanh phui ngày 14/5 vừa qua không phải là điều mới trong quan hệ Nga - Mỹ. Tuy nhiên, vụ việc diễn ra vào thời điểm nhạy cảm trong quan hệ Nga-Mỹ. Hai nước hiện đang bất đồng trong cách giải quyết cuộc xung đột ở Syria. (ảnh: Daily Mail) |
Ngày 15/5, người dân Mỹ đã tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân đã chết trong vụ khủng bố tại giải Boston Marathon trước đó tròn một tháng. Lễ tưởng niệm được tổ chức ngay tại hiện trường vụ nổ với sự tham gia của nhiều người dân thành phố và các khu vực lân cận. Vụ khủng bố tại giải Boston Marathon xảy ra vào ngày 15/4 cách đây tròn một tháng, làm 3 người chết, hơn 260 người khác bị thương. (ảnh: CTVNews) |
Một vị thị trưởng Nhật Bản theo tư tưởng dân tộc đã gây sốc với phát ngôn về “Nô lệ tình dục" vào hôm 13/5. Theo ông Toru Hashimoto, thị trưởng của Osaka, việc quân đội Nhật Bản ép buộc các phụ nữ châu Á trước và trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 làm gái mại dâm là cần thiết để “duy trì kỷ luật” trong hàng ngũ cũng như giúp “thư giãn” các binh sĩ đã phải mạo hiểm sinh mạng của mình trước hòn tên mũi đạn. Những bình luận trên đã làm tăng sự giận dữ tại các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc, vốn chịu khổ đau khi bị phát xít Nhật xâm chiếm. Các nước này từ lâu đã phàn nàn Nhật Bản vẫn chưa hoàn toàn chuộc những tội lỗi thời chiến tranh. Các sử gia cho biết có tới 200.000 phụ nữ, chủ yếu là từ bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc, đã buộc phải bán dâm cho binh sĩ Nhật trong các nhà thổ quân đội. (ảnh: CBS news) |
Trong lúc chiến sự Syria diễn ra căng thẳng thì tuần qua xuất hiện video phiến quân mổ bụng, moi gan, ăn tim binh sĩ Syria. Trong một đoạn video được phát tán trên mạng, một phiến quân đang dùng dao mổ bụng một binh sĩ chính phủ đã chết. Một đoạn video gây chấn động trên mạng Internet còn ghi lại cảnh viên chỉ huy phiến quân Syria cắt quả tim của một binh sĩ chính phủ đã chết và đưa lên miệng cắn. Sau đó, như chưa thỏa mãn, kẻ ăn tim binh sĩ Syria thề sẽ tung clip rùng rợn hơn. Điều đáng lưu ý là phiến quân trong đoạn clip trên cũng nhận được sự đồng tình từ hàng ngũ quân nổi dậy cho "hành động trả thù" của y. (ảnh chụp từ clip) |
Tại phiên họp hôm 15/5, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết được các nước Arab ủng hộ kêu gọi khởi động tiến trình chuyển tiếp chính trị ở Syria, đồng thời mạnh mẽ lên án chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad vì sử dụng ngày càng nhiều vũ khí hạng nặng. Chính phủ Mỹ hôm 16/5 đã đưa ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng như các cơ quan, tổ chức hỗ trợ cho chính phủ Syria. Không những vậy, Mỹ để ngỏ giải pháp quân sự đối với Syria. Hôm 16/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bóng gió về khả năng sử dụng biện pháp quân sự với Syria nhằm bảo vệ “an ninh của Mỹ”, nếu ông nhận được bằng chứng rõ ràng rằng chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến Syria. Tờ “Thời báo chủ nhật” (The Sunday Times) của Anh ngày19/5 đăng tin, quân đội Syria đã chuẩn bị sẵn sàng hệ thống tên lửa đất đối đất Tishreen nhằm vào Israel nếu như Tel Aviv có ý định tấn công Damacus. Ngày 17/5, trước thông thông tin của báo chí Mỹ và chỉ trích của các nước phương Tây về việc Nga bán vũ khí cho Syria, Ngoại trưởng Nga Lavrov khẳng định, việc Nga xuất khẩu vũ khí sang Syria là theo các hợp đồng đã ký trước đây và không vi phạm luật pháp của Nga cũng như các điều ước quốc tế. Theo đó, Nga tiếp tục cung cấp hệ thống tên lửa Yakhont chống hạm cho chính phủ Syria. Tên lửa Yakhont với tầm bắn 290km, có khả năng cung cấp hỏa lực mạnh đẩy lùi các tàu chiến muốn tiếp cận vùng duyên hải Syria cũng như hạn chế sức mạnh của không quân trong trường hợp phương Tây muốn thiết lập vùng cấm bay. (Trong ảnh là hệ thống phòng không hiện đại S-300 mà phương Tây đồn là Nga đã bán cho Syria; nguồn ảnh: The Week) |
Hôm 15/5, Đài Loan không hài lòng về lời xin lỗi của Philippines và tiếp tục đưa ra tối hậu thư với Philippines về vụ nước này bắn chết một ngư dân của vùng lãnh thổ này. AP dẫn lời nhà lãnh đạo Đài Loan Giang Nghi Hoa hôm 15/5 rằng chính quyền của ông không hài lòng với lời xin lỗi do đại diện Philippines tại Đài Bắc đưa ra. Trước tình hình căng thẳng này và trước giờ “G” mà Đài Loan đưa ra, Tổng thống Philippines đã cử đại diện cho cá nhân ông sang vùng lãnh thổ này để xin lỗi. Phát ngôn viên của Tổng thống Edwin Lacierda nói ông Aquino đã cử chủ tịch Phòng Kinh tế-Văn hóa Manila (MECO), cơ quan chuyên xử lý quan hệ với Đài Loan, tới hòn đảo này để đưa ra lời xin lỗi. Mặc dù vậy, Đài Loan vẫn cho rằng Philippines xin lỗi không chân thành và công bố 1 loạt biện pháp trừng phạt kinh tế bao gồm ngừng tiếp nhận lao động Philippines vốn có đóng góp quan trọng đối với kinh tế quốc gia Đông Nam Á này. Đến ngày18/5 Philippines phủ nhận cáo buộc của Đài Loan rằng lực lượng tuần duyên nước này đã cố tình giết chết ngư dân. Bộ trưởng Tư pháp Leila de Lima và Ricky Carandang, phát ngôn viên của Tổng thống Benigno Aquino đã bác bỏ các cáo buộc giết người. (ảnh: RT) |
Các nỗ lực nối lại đối thoại giữa Nhật Bản và CHDCND Triều Tiên bắt đầu có tín hiệu tích cực thông qua chuyến thăm Bình Nhưỡng của cố vấn Thủ tướng Nhật Bản. Ông Isao Iijima, cố vấn của Thủ tướng Nhật Bản ngày 16/5 đã có cuộc gặp với Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Hội nghị Nhân dân Tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam. Mặc dù nội dung cuộc gặp không được tiết lộ nhưng giới phân tích cho rằng có thể coi việc quan chức cấp cao của Triều Tiên tiếp cố vấn của Thủ tướng Nhật Bản là thông điệp cho thấy Triều Tiên có phản ứng tích cực với mong muốn đối thoại của Nhật Bản. Giới phân tích nhận định, Nhật Bản đã nhận ra chỉ gây sức ép không thôi sẽ không tác động được đến Triều Tiên. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã từ chối đưa ra lời bình luận về chuyến thăm Cộng hòa dân chủ nhân Triều Tiên của ông Isao Iijima, cố vấn Thủ tướng (ảnh: Channel News Asia) |
Trong các ngày 18/5 và 19/5, Triều Tiên đã phóng tổng cộng 4 tên lửa tầm ngắn ra ngoài khơi bờ biển phía đông bán đảo Triều Tiên Ít nhất ba tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên đã được xác định rơi xuống biển. Một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Nam yêu cầu không tiết lộ danh tính, cho biết. Ông suy đoán rằng hành động bắn tên lửa này có thể là một phần của một cuộc tập trận hoặc thử nghiệm tên lửa. Các quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, họ đã tăng cường giám sát Triều Tiên và đang duy trì sự sẵn sàng ở mức độ cao để đối phó với bất kỳ nguy hiểm gia tăng nào. Phía Nhật Bản khẳng định Triều Tiên phóng tên lửa tầm ngắn. Tuy nhiên không có tên lửa nào hướng vào vùng lãnh hải của Nhật Bản.Vụ phóng tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên diễn ra sau một cuộc tập trận hải quân chung giữa Hàn Quốc và Mỹ trong tuần này mà Bình Nhưỡng coi là sự khiêu khích và chuẩn bị cho chiến tranh, và các vụ tên lửa này tiếp diễn chỉ chưa đầy hai tháng sau khi Triều Tiên phóng 2 tên lửa tầm ngắn xuống biển ngoài khơi bờ biển phía đông nước này. Dư luận, đặc biệt là Mỹ, đã phản ứng mạnh mẽ vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Mỹ cho rằng, các hành động khiêu khích chỉ khiến Triều Tiên bị cô lập. (ảnh: EPA) .
|
Một sự kiện khác thu hút nhiều sự chú ý của giới quan sát trong tuần qua là chuyến đi nhiều mục đích của Thủ tướng Trung Quốc tới 4 nước Ấn Độ, Pakistan, Thụy Sỹ và Đức bắt đầu từ ngày 19/5. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Lý Khắc Cường trên cương vị Thủ tướng Trung Quốc. Chuyến thăm này được coi là có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố, tăng cường quan hệ kinh tế thương mại giữa Trung Quốc với các nước trên thế giới. Cụ thể, chuyến đi nhằm củng cố quan hệ với thị trường mới nổi Ấn Độ (vừa mới có căng thẳng biên giới với Trung Quốc), tăng cường hợp tác với đồng minh truyền thống Pakistan, cũng như làm mới quan hệ với các nước châu Âu là Đức và Thụy Sĩ. (ảnh: The Times) |