Phương Tây đã "mệt mỏi" vì xung đột ở Ukraine?
VOV.VN - Tâm lý mệt mỏi vì cuộc xung đột ở Ukraine đang lan rộng ở cả hai bờ Đại Tây Dương khi các vấn đề nội bộ của các các nước phương Tây gia tăng và Kiev chưa đạt được bất kỳ thành quả đột phá nào trên chiến trường.
Phương Tây ngày càng mệt mỏi vì xung đột ở Ukraine?
Tổng thống Joe Biden ngày 4/10 đã nhận định, tình trạng rối ren trong Hạ viện Mỹ có thể làm gián đoạn sự hỗ trợ của Washington cho Kiev.
Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát đã từ chối thông qua gói hỗ trợ trị giá hàng tỷ USD cho Ukraine trong dự luật ngân sách ngắn hạn để tránh nguy cơ đóng cửa chính phủ. Ngoài ra, việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy lần đầu tiên bị phế truất trong lịch sử cũng khiến vấn đề ngân sách hỗ trợ Ukraine bị gác sang một bên.
Về phần mình, các nhà lãnh đạo EU đã tuyên bố hôm 5/10 rằng liên mình này sẽ không thể thay thế sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine.
"Chắc chắn châu Âu không thể thay thế Mỹ", Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell nói.
Trong khi đó, truyền thông phương Tây cảnh báo dư luận Mỹ và châu Âu ngày càng mệt mỏi về xung đột ở Ukraine.
Tâm lý này dường như không phải xuất hiện chỉ qua một đêm. Lệnh trừng phạt phương Tây áp lên Nga từ khi xung đột nổ ra đã gây ra tác động ngược ở Mỹ và châu Âu, đẩy giá năng lượng và lạm phát tăng cao.
Vấn đề ngày càng phức tạp hơn khi sáng kiến "Hành lang Đoàn kết EU - Ukraine" của Brussels cho thấy tính không hiệu quả, không những không thể vận chuyển ngũ cốc giá rẻ của Ukraine tới các nước nghèo ở Bán cầu Nam mà còn tác động tiêu cực đến các nhà sản xuất nông nghiệp ở Trung và Đông Âu. Để khắc phục vấn đề này, EU đã tiến hành một thỏa thuận với Ba Lan, Hungary, Bulgaria, Slovakia và Romania để áp lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine từ tháng 4 đến ngày 15/9.
Tuy nhiên, vào tháng 9, Ba Lan, Hungary và Slovakia mở rộng lệnh cấm trên, làm dấy lên sự chỉ trích từ chính phủ Ukraine và nước này đã khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới vì vấn đề trên.
Đáp lại, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố ngày 20/9 rằng Ba Lan "không còn vận chuyển bất kỳ vũ khí nào tới Ukraine bởi chúng tôi đang phải trang bị cho quân đội của mình các vũ khí hiện đại nhất".
Một cuộc thăm dò dư luận vào tháng 10/2023 cho thấy đa số người dân Ba Lan nói rằng Warsaw không nên tiếp tục hỗ trợ tài chính cho công dân Ukraine sống ở nước này.
Trong khi đó, ở Slovakia, đảng đối lập Dân chủ Xã hội Smer do cựu Thủ tướng Robert Fico lãnh đạo đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 30/9. Ông Fico đã xoáy sâu vào thực tế rằng Lực lượng Vũ trang Slovakia đang trong tình trạng tồi tệ sau khi gần như cạn kiệt kho vũ khí.
"Chúng tôi không có máy bay chiến đấu, không có hệ thống phòng không và không có đủ đạn dược", ông Fico cho hay, đồng thời tuyên bố ông sẽ dừng cung cấp vũ khí cho Ukraine. Với ông, việc cung cấp vũ khí cho Kiev đồng nghĩa với trì hoãn hòa bình và kéo dài xung đột. Cùng với các nhà lãnh đạo Trung và Đông Âu, ông Fico cũng ủng hộ việc mở rộng lệnh cấm nhập khẩu nông sản Ukraine.
Một số nhà quan sát cho rằng việc người dân Slovakia bỏ phiếu cho Smer phần nào xuất phát từ thực tế, họ đã mệt mỏi vì cuộc xung đột ở Ukraine cũng như các vấn đề trong nước liên quan.
Trong khi đó, Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova ngày 5/10 tuyên bố bà sẽ không thông qua gói hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine. Người phát ngôn Martin Strizinec giải thích quyết định trên xuất phát từ thực tế các đảng ở Slovakia phản đối gói hỗ trợ này và hiện đang đàm phán thành lập chính phủ.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto nhận định với truyền thông phương Tây ngày 4/10 rằng nước này đã cạn kiệt ngân sách và trang thiết bị để hỗ trợ cho Kiev.
"Không còn nhiều sự hỗ trợ phòng không cho Ukraine. Chúng tôi không có nguồn lực vô hạn", ông Guido Crosetto nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Italy cũng chỉ ra các vấn đề mà nước này đối mặt hiện nay như tỷ lệ lạm phát, di cư, khủng hoảng năng lượng và chậm tăng trưởng kinh tế.
"Tất cả những điều này đã khiến chất lượng sống ở các nước phương Tây trở nên tồi tệ hơn", ông Crosetto nhận định, cho rằng những vấn đề trên đang ảnh hưởng đến quan điểm của công chúng về sự hỗ trợ của Rome cho Kiev.
Nga đã thắng trong ván cược của mình?
George Beebe, cựu chuyên gia phân tích của CIA nhận định, Nga đang chiến đấu trong một cuộc xung đột tiêu hao và đặt cược rằng Ukraine thiếu nguồn lực, vũ khí và đạn dược để duy trì trong một vài năm, trong khi phương Tây thiếu cả khả năng và ý chí chính trị để duy trì sự ủng hộ cho Kiev “lâu nhất có thể".
Các nhà phân tích đều cho rằng một cuộc xung đột tiêu hao sẽ mang lại lợi thế cho Nga bởi nước này có khả năng sản xuất nhiều vũ khí đạn dược cũng như có dân số lớn hơn nhiều Ukraine.
Trong khi đó, nền kinh tế Ukraine đang đối mặt với vô vàn khó khăn do xung đột và phụ thuộc chủ yếu vào sự hỗ trợ từ phương Tây.
Ông Beebe cho rằng, "ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy Tổng thống Putin đã đúng" khi đặt cược rằng sự ủng hộ của phương Tây cho Ukraine sẽ giảm dần.
"Ukraine không đáp ứng các mục tiêu tuyển quân, nền kinh tế đang đi xuống và mức độ nhiệt tình của Mỹ và châu Âu nhằm duy trì sự hỗ trợ cho Ukraine đang giảm dần", chuyên gia này cho hay.
Trên thực tế, sự hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine tập trung vào các vũ khí công nghệ cao phục vụ việc tiến hành các cuộc tấn công chính xác. Tuy nhiên, những vũ khí này lại đắt đỏ, vì thế chỉ được sản xuất với số lượng hạn chế và không thể thay thế nhanh chóng. Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO - Đô đốc Rob Bauer thậm chí cảnh báo, phương Tây "đang vét đáy thùng" và sắp hết đạn để viện trợ cho Ukraine.
Một câu hỏi được đặt ra hiện nay là nếu sự hỗ trợ của phương Tây cạn kiệt và sự chống chịu của Ukraine suy giảm nghiêm trọng, liệu Kiev có thể chống chịu bao lâu trong cuộc xung đột hiện nay. Cuối cùng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ phải quyết định làm gì tiếp theo bởi vì tất cả các cuộc xung đột đều kết thúc khi một bên bị đánh bại hoặc các bên thỏa hiệp với nhau.