Phương Tây đang vận chuyển vũ khí vào Ukraine như thế nào?
VOV.VN - Trong khi phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi rời Ukraine thì súng ống và tên lửa lại đang được chuyển vào quốc gia này, chủ yếu đi qua biên giới Ba Lan và Ukraine bằng đường bộ.
Phương Tây tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine
Một trong những sự thay đổi đang diễn ra trên thế giới hiện nay là sự sẵn sàng của một số nước nhằm gửi vũ khí đến Ukraine. Đức, quốc gia từ lâu từ chối gửi vũ khí tới các khu vực xung đột đã cung cấp tên lửa chống tăng và tên lửa đất đối không cho Ukraine. Liên minh châu Âu mặc dù không có quân đội riêng nhưng đã gửi vũ khí sát thương trị giá khoảng 450 triệu euro (tương đương 499 triệu USD) cho Ukraine trong khi Luxembourg cũng đang hỗ trợ nước này xe jeep, lều trại và 100 tên lửa chống tăng NLAW.
Từ năm 2014, nhiều quốc gia đã cung cấp các khoản hỗ trợ quân sự không bao gồm vũ khí sát thương cho Ukraine. Tuy nhiên, Mỹ đã đồng ý thông qua việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine vào năm 2017. Tháng 4/2018, đợt vận chuyển vũ khí đầu tiên, trong đó có 210 tên lửa Javelin và 37 bệ phóng tên lửa, đã đến Ukraine.
Ngày 4/3 vừa qua, khoảng 14 máy bay thân rộng chở các tên lửa chống tăng Javelin, bệ phóng tên lửa và đạn dược đã đến sân bay gần biên giới Ukraine giữa bối cảnh Mỹ và các đồng minh châu Âu đang tăng cường nỗ lực hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga, quốc gia vốn mạnh hơn hẳn về sức mạnh quân sự.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark A.Milley đã kiểm tra chiến dịch vận chuyển vũ khí trong một chuyến thăm không báo trước, gặp gỡ quân đội của 22 nước đang làm việc để vận chuyển đạn dược bằng đường bộ cho Ukraine.
Vũ khí Mỹ, trong đó có các tên lửa Javelin cũng như đạn dược và các trang thiết bị quân sự khác, là một phần trong gói hỗ trợ cho Ukraine trị giá 350 triệu USD mà Tổng thống Biden đã thông qua hôm 26/2, một quan chức Mỹ cho hay. Đợt vận chuyển này đã hạ cánh ở một sân bay gần biên giới có thể tiếp nhận 17 máy bay/ngày. Vào giai đoạn đầu của cuộc chiến, mỗi ngày chỉ có 2 - 3 máy bay đến nhưng con số này hiện đang tăng dần và chỉ riêng một sân bay này đã có tới 14 chuyến vận chuyển mỗi ngày.
Mỹ đã cung cấp gần 70% gói hỗ trợ trị giá 350 triệu USD cho Ukraine, một quan chức Lầu Năm Góc cấp cao cho biết ngày 4/3. Dự kiến, toàn bộ việc vận chuyển sẽ hoàn tất trong tuần tới.
Đợt vận chuyển vũ khí này, bao gồm cả các tên lửa phòng không Stinger từ kho vũ khí của quân đội Mỹ, chủ yếu ở Đức, là đợt vận chuyển vũ khí lớn nhất từng được thông qua từ kho quân sự của Mỹ cho một quốc gia khác, quan chức này thông tin.
Mỹ đã cung cấp hơn 3 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine kể từ năm 2014, trong đó, khoảng 1 tỷ USD đã được cung cấp cho nước này trong năm qua dưới thời chính quyền Tổng thống Biden.
Các vũ khí được hỗ trợ cho Ukraine bao gồm các bệ phóng tên lửa từ Hà Lan, tên lửa Javelin từ Estonia, tên lửa đất đối không Stinger từ Đức, Ba Lan và Latvia, cùng với súng ngắn và súng bắn tỉa từ Cộng hòa Séc.
Sự hợp tác là một phần trong nỗ lực khẳng định các cam kết của chính quyền Tổng thống Biden với các đồng minh Đông Âu và cảnh báo Nga rằng: Mặc dù NATO sẽ không đưa quân tới Ukraine nhưng NATO sẽ chiến đấu nếu có bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào một thành viên của liên minh.
Việc vận chuyển vũ khí tới Ukraine diễn ra như thế nào?
Trước khi chiến tranh xảy ra, các đợt vận chuyển vũ khí sẽ đến thủ đô Kiev một cách đơn giản bằng đường hàng không nhưng hiện nay, viện vận chuyển vũ khí tới Ukraine trở nên khó khăn hơn nhiều. Các máy bay chở hàng vận chuyển vũ khí có nguy cơ bị bắn hạ.
Thay vì vận chuyển bằng đường hàng không, vũ khí được chuyển tới Ukraine bằng đường bộ qua lãnh thổ của các nước trong NATO.
Các quan chức Mỹ cho biết vũ khí, thiết bị và các vật tư chiến tranh khác cũng đang được đưa tới các nước láng giềng như Ba Lan và Romania, sau đó vận chuyển qua đường bộ tới phía Tây Ukraine để các chỉ huy phân bố cho các đơn vị trên toàn đất nước.
"Tất cả chúng tôi đều cảm thấy vô cùng ấn tượng về việc lực lượng vũ trang Ukraine đã sử dụng hiệu quả các trang thiết bị mà chúng tôi cung cấp cho họ", một quan chức Lầu Năm Góc đánh giá, đồng thời cho rằng điều đó "đã làm chậm cuộc tiến công của Nga".
Tuy nhiên, không phải tất cả thành viên NATO đều chuẩn bị để chấp nhận rủi ro. Chính phủ Hungary cho biết nước này từ chối cho phép các chuyến vận chuyển có thể là "mục tiêu của hành động quân sự thù địch" đi qua.
Theo các quan chức phương Tây, kể từ khi chiến tranh bùng nổ, vũ khí liên tục được chuyển cho Ukraine. Chi tiết của các đợt vận chuyển này không được tiết lộ. Tuy nhiên, một trong những tuyến đường chính là đi qua biên giới Ba Lan và Ukraine với các đợt vận chuyển từ Đức, Mỹ và một số quốc gia khác.
Trong khi phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi rời Ukraine thì súng ống và tên lửa lại đang được chuyển vào quốc gia này. Các đợt vận chuyển lớn khó ngụy trang và dễ bị tấn công ngay khi chúng vào Ukraine. Trong khi đó, các trực thăng của Nga đang hoạt động tích cực gần biên giới với Ba Lan. Vì thế, luôn có rủi ro dẫn đến leo thang căng thẳng. Nếu Nga tấn công các xe tải chở vũ khí vào Ukraine gần biên giới và đáp xuống lãnh thổ Ba Lan, điều này có thể coi như cuộc tấn công vào một nước thành viên NATO và dẫn tới tất cả các nước thành viên NATO khác tới hỗ trợ.
Bộ Ngoại giao Nga nhận định, các quốc gia cung cấp vũ khí cho Ukraine đang "không hiểu được mức độ rủi ro" của việc này. Dù vậy, việc cung cấp vũ khí dường như vẫn tiếp tục diễn ra./.