Vì sao Mỹ dứt khoát không thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine?
VOV.VN - “Vùng cấm bay không phải là một chiếc ô thần kỳ ngăn cản máy bay. Đó là một quyết định nổ súng vào những chiếc máy bay khi bay vào một khu vực nhất định”
Không có vùng cấm bay tại Ukraine
Mỹ một lần nữa bác bỏ kế hoạch áp đặt vùng cấm bay tại Ukraine. Điều này được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định khi trả lời phỏng vấn trên kênh NBC và được phát sóng ngày 2/3. Người đứng đầu Lầu Năm Góc bác bỏ mọi kế hoạch áp đặt vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine theo lời đề nghị của giới chức Kiev.
Ông Lloyd Austin nhấn mạnh, bất kỳ nỗ lực nào nhằm thực thi vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine đều có thể dẫn đến chiến tranh với Nga: “Điều này chắc chắn sẽ khơi mào cho một cuộc xung đột nóng giữa các cường quốc hạt nhân”.
Trả lời phỏng vấn NBC, ông Austin lưu ý rằng, việc không thiết lập khu vực cấm bay (NFZ) phù hợp với cam kết của Tổng thống Joe Biden về việc quân đội Mỹ sẽ không can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột Nga-Ukraine.
“Tổng thống Biden đã nói rõ rằng, quân đội Mỹ sẽ không chiến đấu với quân đội Nga ở Ukraine. Nếu thiết lập một vùng cấm bay và để thực thi vùng cấm bay này, chắc chắn bạn sẽ phải đụng độ với máy bay Nga. Và một lần nữa, điều đó sẽ khiến Mỹ chiến tranh với Nga”, Bộ trưởng Austin nói.
Trước đó, trong cuộc họp báo đầu tuần qua, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cũng nhấn mạnh những rủi ro liên quan đến việc thực thi vùng cấm bay tại Ukraine: “Điều này chắc chắn khiến căng thẳng leo thang và có khả năng khiến chúng ta rơi vào tình thế xung đột quân sự với Nga. Đây không phải là điều Tổng thống Mỹ mong muốn”.
Không chỉ Washington, Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã nhắc lại lập trường này, khẳng định “tham gia vào cuộc xung đột với Nga là một bước tiến mà không thành viên nào trong NATO tính đến” và vùng cấm bay “đơn giản là không có trong chương trình nghị sự”.
Vùng vực cấm bay (NFZ) là khu vực mà máy bay bị cấm hoặc hạn chế bay, thường là vì lý do an ninh. Vùng cấm bay được thiết kế để ngăn chặn việc sử dụng sức mạnh không quân, đặc biệt là chống lại dân thường hơn là để tạo thuận lợi hơn cho một bên trong cuộc xung đột.
Tổng thống Ukraine Zelensky thì cho rằng, vùng cấm bay sẽ là một biện pháp phòng ngừa và không nhằm mục đích kéo NATO vào cuộc chiến với Nga. Ông Zelensky kêu gọi Mỹ và NATO kiểm soát “những khu vực quan trọng” trong không phận Ukraine để ngăn chặn các hoạt động không quân của Nga.
Đề xuất này của nhà lãnh đạo Ukraine cũng thu hút những ý kiến ủng hộ ở phương Tây, trong đó, có một số chuyên gia hàng đầu về Ukraine, một Hạ nghị sĩ Mỹ và thậm chí một số chính trị gia ở các nước NATO đã thể hiện đồng tình. Trong đó, Hạ nghị sĩ Adam Kinzinger (R-IL) đã đăng dòng tweet về thiết lập vùng cấm bay tại Ukraine, nhằm làm gián đoạn các hoạt động không quân của Nga và “mang đến cho Ukraine một cuộc chiến công bằng.
Tuy nhiên, những ý kiến phản bác cho rằng, đây là một “ý tưởng tồi, sẽ đặt thế giới vào bờ vực của chiến tranh hạt nhân". Điều không thể tránh khỏi khi Mỹ công bố vùng cấm bay ở Ukraine là “lời tuyên chiến với Nga” và có thể dẫn đến cuộc xung đột giữa hai quốc gia đang cùng nhau kiểm soát 90% vũ khí hạt nhân trên thế giới.
“Vùng cấm bay không phải là một chiếc ô thần kỳ ngăn cản máy bay. Đó là một quyết định nổ súng vào những chiếc máy bay khi bay vào một khu vực nhất định” - bà Olga Oliker, giám đốc chương trình Châu Âu và Trung Á tại tổ chức International Crisis Group đưa ra cảnh báo rõ ràng.
Mỹ thấy rõ rủi ro tiềm ẩn
Mỹ và các đồng minh của họ đã sử dụng vùng cấm bay ba lần trong quá khứ. Cụ thể, tại Iraq sau Chiến tranh vùng Vịnh; tại Bosnia trong cuộc xung đột giữa những năm 1990; và tại Libya trong cuộc can thiệp quân sự năm 2011. Trong bối cảnh quá khứ, lực lượng không quân đối lập thua kém rất nhiều so với Mỹ và đồng minh. Và gần như không có thách thức nào với khả năng kiểm soát bầu trời của Mỹ.
Nhưng Nga là một câu chuyện hoàn toàn khác. Lực lượng không quân Nga lấn át Ukraine và có quy mô đứng thứ hai chỉ sau không quân Mỹ. Rõ ràng, thế trận không giống các tình huống áp đặt vùng cấm bay trước đây và chính quyền của Tổng thống Biden nhận thấy rõ những rủi ro tiềm ẩn này.
Trong thông điệp liên bang ngày 2/3, Tổng thống Biden đã loại trừ dứt khoát việc Mỹ can thiệp trực tiếp vào Ukraine: “Các lực lượng của chúng tôi không - và sẽ không - tham gia vào cuộc xung đột với Nga ở Ukraine”. Thông điệp đồng nghĩa với việc loại bỏ mọi khả năng về thiết lập vùng cấm bay tại Ukraine và không có dấu hiệu nào cho thấy ông chủ Nhà Trắng sẽ thay đổi quyết định của mình.
Ngoài cảnh báo việc thiết lập vùng cấm bay sẽ khiến NATO trực tiếp tham chiến và có “gần 100% khả năng dẫn đến xung đột vũ trang trực tiếp giữa Mỹ và Nga”, Trung tá Tyson Wetzel thuộc không quân Mỹ cũng tiết lộ rằng, lực lượng NATO không đủ số lượng máy bay gần Ukraine để thực hiện một sứ mệnh như vậy trong tương lai gần./.