Phương Tây lún sâu hơn vào xung đột ở Ukraine, Nga sẽ phản ứng ra sao?
VOV.VN - Độ tiên tiến của các loại vũ khí mà Mỹ và NATO hỗ trợ cho Kiev đã cho thấy mức độ leo thang của cuộc xung đột cũng như rủi ro của những tính toán sai lầm có thể khiến giao tranh không chỉ dừng lại ở lãnh thổ Ukraine.
Phương Tây lún sâu vào xung đột ở Ukraine
Sau cuộc họp ở Rammstein, Đức ngày 20/1 của các nước phương Tây ủng hộ Ukraine, "lằn ranh đỏ" không cung cấp xe tăng hạng nặng đã bị vượt qua. Ukraine sẽ nhận được từ 120 - 140 xe tăng trong đợt vận chuyển đầu tiên từ 12 nước phương Tây, trong đó có Mỹ và Anh. Lằn ranh tiếp theo sẽ là việc cung cấp tiêm kích và tên lửa tầm xa.
Cho đến nay phương Tây vẫn từ chối việc cung cấp vũ khí có thể được sử dụng để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thẳng thừng nói "không" khi được hỏi về việc hỗ trợ tiêm kích F-16 cho Kiev. Tuy nhiên, Pháp và Ba Lan dường như sẵn sàng cân nhắc yêu cầu trên từ Ukraine khi Tổng thống Macron nhận định rằng, "về lý thuyết, không có gì bị loại trừ" khi nhắc đến việc hỗ trợ quân sự. Còn Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cũng không loại trừ khả năng cung cấp tiêm kích F-16 cho nước láng giềng. Ông Morawiecki nói rằng, bất kỳ đợt vận chuyển nào đều sẽ diễn ra "trong sự hợp tác đầy đủ" với các nước NATO.
Gần 1 năm sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, phương Tây đi từ việc chỉ cung cấp vũ khí phòng thủ cho Ukraine cho tới hỗ trợ hệ thống pháo phản lực HIMARS để tấn công các vị trí của Moscow và tới nay là chuyển giao xe tăng hạng nặng. Những loại vũ khí tưởng chừng là điều cấm kỵ nay đã được chuyển giao cho Ukraine.
Phương Tây khẳng định động thái này là nhằm thể hiện sự đoàn kết của liên minh này cũng như hỗ trợ Ukraine tăng cường khả năng phòng thủ và tấn công. Tuy nhiên, trên thực tế, mức độ tiên tiến của các loại vũ khí mà Mỹ và NATO hỗ trợ cho Kiev đã cho thấy mức độ leo thang của cuộc xung đột cũng như rủi ro của những tính toán sai lầm có thể khiến giao tranh không chỉ dừng lại ở lãnh thổ Ukraine.
Không chỉ về mặt vũ khí, ngay cả trong các tuyên bố, một số nhà lãnh đạo phương Tây dường như cũng "mạnh miệng" và cứng rắn hơn. Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO Rob Bauer gần đây cho biết liên minh này "sẵn sàng" cho cuộc đối đầu trực tiếp với Nga và khuyến khích "nền kinh tế chiến tranh trong thời bình". Trong khi đó, Tổng thống Litva Gitanas Nauseda hối thúc NATO "vượt qua nhiều lằn ranh đỏ của Nga hơn" bằng việc cung cấp các vũ khí Ukraine cần, trong đó có máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa.
Phản hồi trước nhận định trên, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, các nước Baltic cùng với Ba Lan "dường như đang chuẩn bị làm mọi thứ để khiêu khích nhiều sự đối đầu hơn và có lẽ không cân nhắc đến hậu quả”. Ông cũng cho rằng "thật đáng buồn" khi những quốc gia đầu tàu của châu Âu không hành động để cân bằng ảnh hưởng.
Giới quan sát lo ngại, sự can thiệp ngày càng sâu của các nước NATO vào cuộc xung đột ở Ukraine có thể khiến mối quan hệ giữa phương Tây và Nga tiến gần đến điểm không thể quay đầu.
Nga sẽ phản ứng thế nào?
Cho tới nay, ngoài các cảnh báo, Nga vẫn chưa phản ứng trước việc phương Tây vượt qua các lằn ranh đỏ. Sau gần một năm đối mặt với lệnh trừng phạt kinh tế khắc nghiệt, Nga khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các mục tiêu đến cùng và không có ý định đàm phán để chấm dứt chiến tranh nếu các yêu cầu của mình không được đáp ứng. Moscow cũng ra lệnh động viên một phần và tấn công dồn dập vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.
Ông Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia của Ukraine dự đoán Nga đang chuẩn bị cho sự leo thang tối đa, theo đó không loại trừ khả năng Moscow thực hiện một cuộc tấn công khác từ phía Bắc, phía Nam và phía Đông như những gì từng diễn ra vào 24/2/2022, có thể là vào đúng ngày này của năm nay. Quan chức Ukraine nhận định với Sky News rằng cuộc giao tranh ác liệt nhất vẫn chưa đến và những tháng tới sẽ đóng vai trò then chốt quyết định kết cục cuộc xung đột.
"Nga đang chuẩn bị leo thang tối đa. Nước này đang tập hợp mọi thứ có thể, tiến hành tập trận và huấn luyện binh lính", ông Danilov nói, đồng thời cho biết quân đội Ukraine đang chuẩn bị cho mọi khả năng. Theo ông Dnilov, khoảng một nửa trong số 320.000 binh lính Nga được huy động vào tháng 9 năm ngoái sẽ tham gia vào cuộc tấn công thứ hai này. Dù vậy, một quan chức phương Tây nhận định hiện chưa có dấu hiệu cho thấy Nga lên kế hoạch tấn công vào 24/2.
Quan chức an ninh cấp cao Ukraine cũng dự báo những ngày giao tranh đẫm máu đang ở phía trước.
"Dĩ nhiên chúng tôi đang trải qua thời gian khó khăn nhưng tôi hiểu rõ các cuộc giao tranh lớn vẫn chưa diễn ra và chúng sẽ diễn ra vào năm nay, trong 2 - 3 tháng tới. Đó là những tháng quyết định cuộc xung đột này", ông Danilov cho hay và giải thích đây là lý do tại sao Ukraine cần nhiều hơn và nhanh hơn các đợt vận chuyển vũ khí sát thương từ phương Tây. Mục tiêu cuối cùng của Ukraine là giành lại tất cả các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát, không chỉ từ 24/2/2022 mà còn từ năm 2014.
Dù vậy, mới đây, Tổng thống Croatia Zoran Milanovic nhận định Ukraine sẽ không bao giờ giành được Crimea và việc các nước NATO tăng cường hỗ trợ vũ khí sát thương cho Ukraine là "phi đạo đức" và sẽ chỉ khiến các cuộc giao tranh đẫm máu giữa Ukraine và Nga lan rộng, gây ra nhiều thương vong hơn và làm tăng rủi ro chiến tranh hạt nhân. Kiev cho rằng những nhận định của ông Milanovic là "không thể chấp nhận được" và là một sự sỉ nhục với nỗ lực thống nhất lãnh thổ của nước này.
Dư luận Nga và phương Tây
Trong khi đó, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy người dân Nga phản ứng giận dữ hoặc thất vọng trước các quyết định của Tổng thống Putin. Ngoài ra, cũng không có bằng chứng cho thấy các quốc gia ở Bán cầu Nam, những người chịu tác động nhiều nhất về kinh tế từ hệ quả của cuộc xung đột, quay sang phản đối Nga. Tại Ấn Độ, một cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy hầu hết những người được hỏi đều đổ lỗi cho NATO và Mỹ chứ không phải Nga về cuộc xung đột ở Ukraine.
Thậm chí, chính các nước phương Tây cũng chia rẽ về sự ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Washington Post cho biết người dân Đức chia rẽ sâu sắc trước câu hỏi về việc cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Kiev. Các chính phủ Mỹ và Anh được cho là hầu như không thông báo rộng rãi trước công chúng trước khi cam kết hỗ trợ nhiều vũ khí hiện đại hơn.
Theo một cuộc thăm dò dư luận gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew, nhiều người Mỹ cho rằng Washington đang cung cấp quá nhiều hỗ trợ cho Ukraine. Ngoài ra, mặc dù phần lớn người Mỹ vẫn ủng hộ hỗ trợ cho Kiev nhưng sự ủng hộ cho các quyết định của chính quyền Tổng thống Biden đã sụt giảm, đặc biệt là trong các thành viên đảng Cộng hòa. Cuộc thăm dò dư luận trên cho thấy 1/4 người Mỹ cho rằng Mỹ đang cung cấp quá nhiều sự hỗ trợ cho Ukraine, trong khi 31% cho rằng mức độ này là phù hợp và 1/5 người được hỏi muốn Mỹ hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine. Cuộc khảo sát này được tiến hành chỉ 1 tuần sau khi Tổng thống Biden thống báo hỗ trợ 31 xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams cho Kiev. Quốc hội Mỹ đã thông qua hơn 110 tỷ USD hỗ trợ cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2 năm ngoái./.