Phương Tây yếu thế trước Nga trên chiến trường Ukraine như thế nào?
VOV.VN - NATO đang gặp nhiều khó khăn trong việc giúp Ukraine trụ vững trước đòn tiến công của Nga. Ban lãnh đạo EU thậm chí sợ rằng kịch bản tương tự sẽ xảy ra với họ. Phương Tây đang cho thấy họ yếu thế hơn Nga nhiều mặt trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Cả NATO và EU đều không phải là đối thủ của Nga ở Ukraine?
Phương Tây đang đối diện với nguy cơ thất bại ở Ukraine khi các chính sách của họ đối với cuộc xung đột này bị trệch hướng. Cách tiếp cận của châu Âu ngày càng phản ánh không đúng thực tế trên thực địa. Các nỗ lực của họ để trừng phạt Nga và thúc đẩy ý tưởng gửi quân tới Ukraine đều tỏ ra phản tác dụng.
Một ví dụ điển hình cho điều này là Đức. Quốc gia này có thái độ nhiệt tình ủng hộ Ukraine đối đầu với Nga. Khi nói về Tổng thống Putin, Thủ tướng Đức Scholz thậm chí không còn nhắc đến chức danh Tổng thống Nga nữa mà chỉ gọi cụt lủn là Putin. Thế nhưng, Đức sẽ không dám gửi tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraine nữa bởi vì Nga đã nắm rõ kế hoạch này qua việc chặn thu đoạn nói chuyện mật của giới tướng lĩnh Đức. Phía Nga đã nói với Thủ tướng Scholz rằng họ sẽ trả đũa nếu ông gửi tên lửa Taurus cho Ukraine. Tên lửa Taurus là loại vũ khí có khả năng bắn tới thủ đô Moscow từ lãnh thổ Ukraine.
Phản ứng của Thủ tướng Scholz không khác nhiều với các lãnh đạo khác ở các nước EU (ngoại trừ Hungary) cũng như thể chế bao trùm của liên minh này. Tất cả họ đều hiểu rằng Nga đang từng bước giành thắng lợi ở Ukraine, còn Ukraine thì đang thất bại, từng chút một.
Chính vì vậy, Tổng thống Pháp Macron đang rất nỗ lực xây dựng một liên minh đưa quân NATO tới Ukraine. Tuy nhiên, những người đồng cấp của ông trong EU chỉ lắng nghe chứ không hưởng ứng. Điều này là dễ hiểu.
Từ góc độ chiến dịch, không dễ để đưa quân NATO tới Ukraine ngoài những thành phần được cho là đã có mặt tại đó. Mặc dù NATO được cho là mới chỉ đưa một số quân của mình tới miền Tây Ukraine (nơi hiện không có chiến sự), khối này vẫn thừa hiểu rằng nếu binh sĩ NATO sang miền Đông Ukraine, quân đội Nga sẽ sử dụng tên lửa tầm xa và máy bay để tiêu diệt họ.
Châu Âu (ngoài Nga) cũng thiếu thốn hệ thống phòng không. Nếu họ chuyển thêm các hệ thống đó sang Ukraine để bảo vệ binh sĩ của mình, thì họ sẽ rơi vào thế không được bảo vệ ngay tại quê nhà. Trên thực tế, phương Tây (khu vực châu Âu) đã cạn kiệt hệ thống phòng không tới mức độ chưa từng có tiền lệ do viện trợ nhiều cho Ukraine thời gian qua.
Hầu hết các quân đội ở châu Âu đều thiếu nhân lực và thiếu ngân sách. Lục quân châu Âu nhỏ bé và thiếu kinh nghiệm tác chiến. Chiến đấu ở Afghanistan, Iraq và hay vùng Sahel không giống như chiến đấu với quân đội Nga hiện đại, được trang bị tốt và giàu kinh nghiệm tác chiến quy mô lớn.
Đáng lưu ý, tất cả các kế hoạch của phương Tây nhằm đánh bại Nga, cho đến nay đều phá sản.
Khi Ukraine sử dụng ồ ạt vũ khí nóng của phương Tây, lại nhận được thông tin dồi dào cũng do phương Tây cung cấp, cùng hàng ngàn UAV và rất nhiều đạn dưọc mà vẫn thất bại khi phản công thì tương lai của họ tất yếu trở nên u ám.
Một báo cáo của Lầu Năm Góc bị rò rỉ cho thấy tỷ lệ thương vong giữa quân Ukraine và quân Nga là 7:1 hoặc thậm chí còn cao hơn nữa.
Nội lực của Nga khiến phương Tây khó xoay sở
Nga bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine không được suôn sẻ lắm và mắc nhiều sai lầm chiến thuật trong giai đoạn đầu nhưng sau đó, quân đội Nga đã có nhiều điều chỉnh và trưởng thành trên các mặt, bao gồm cả năng lực chỉ huy.
Không những vậy, ngành công nghiệp Nga đang sản xuất thêm nhiều vũ khí, với chất lượng tốt hơn và đang vượt xa phương Tây, bao gồm cả Mỹ. Dù rằng châu Âu và Mỹ đang tích cực nỗ lực cải thiện năng lực sản xuất quốc phòng, họ vẫn phải mất nhiều năm nữa để sản xuất đủ vũ khí thay thế những vũ khí của Ukraine đã bị phá hủy trong cuộc xung đột với Nga.
Ngày nay, phần còn lại của châu Âu đang tỏ ra e ngại Nga sẽ không dừng lại ở Ukraine.
Trước nỗi sợ trên, châu Âu đang phản ứng lại, nhưng có vẻ là theo một cách bất hợp lý. Thay vì tìm cách ngăn chặn một thảm họa ở Ukraine, họ lại đang đẩy mạnh nỗ lực “trừng phạt” Nga, gia tăng các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này và sẵn sàng chiếm hữu trực tiếp các tài sản Nga bị đóng băng rồi trao lại cho Kiev. Dường như Liên minh châu Âu chưa tính nhiều đến suy nghĩ và phản ứng của Moscow trước các động thái đó.
Xét một cách khách quan, châu Âu không có nhiều thứ có thể làm được để tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc đối đầu quân sự với Nga.
Vấn đề lớn của Ukraine là thiếu nhân lực. Qua thực chiến, tinh thần quân đội Ukraine cũng xuống thấp. Lực lượng vũ trang Ukraine hiện phải trông chờ vào các chiến thuật không mang lại nhiều hy vọng, chỉ gây thêm thương vong cho họ, như khi cố sức tấn công Krynky hay cố thủ tại Avdiivka.
Đợt tấn công gần đây của Ukraine vào lãnh thổ Nga quanh Belgorod cũng giống như các đòn đánh tự sát với thương vong lớn cho bên tấn công.
Thủ tướng Đức Scholz nói rằng ông không chấp nhận một nền hòa bình ở Ukraine do ông Putin quy định. Nhưng như thế cũng gần tương đương nói rằng ông Scholz sẽ không để cho ông Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, căn cứ trên cục diện thực tế hiện nay, có khả năng xung đột Ukraine sẽ kết thúc khi quân đội Ukraine quyết định rằng mình không thể tiếp tục chiến đấu.