Quân bài đất hiếm của ông Trump tại Ukraine vấp phải rào cản lớn từ Nga

VOV.VN - Cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Zelensky đều cho biết, hai bên quan tâm đến một thỏa thuận đổi vũ khí của Mỹ lấy khoáng sản của Ukraine. Tuy vậy, thỏa thuận này có thể đối mặt với rào cản lớn từ Nga.

Nhiều tài nguyên nằm trong lãnh thổ Nga chiếm giữ

Mặc dù Ukraine có lượng khoáng sản dồi dào, trong đó có lithium và titan trị giá hàng nghìn tỷ USD nhưng bất cứ thỏa thuận nào như vậy sẽ phải tính đến thực tế là rất nhiều tài nguyên trong số này nằm ở lãnh thổ do Nga chiếm giữ hoặc quá gần tiền tuyến và khó khai thác.

Tổng thống Trump cho biết, ông đang tìm cách đạt được thỏa thuận với Ukraine về “đất hiếm và những nguồn tài nguyên khác”. Đất hiếm là tên gọi chung của nhóm gồm 17 nguyên tố hóa học, được sử dụng trong sản xuất các thiết bị công nghệ như xe điện, điện thoại di động, hệ thống tên lửa và nhiều thiết bị điện tử khác. Đất hiếm cũng được dùng trong y tế để chẩn đoán và điều trị một số bệnh như ung thư, sản xuất các thiết bị y tế, chẳng hạn như máy MRI, máy chụp X-quang.

“Tôi muốn có sự đảm bảo về nguồn đất hiếm. Chúng tôi đang đầu tư hàng tỷ USD vào lĩnh vực này. Ukraine có nguồn đất hiếm dồi dào và họ sẵn sàng thực hiện thỏa thuận”, ông Trump phát biểu tại phòng Bầu Dục hồi đầu tuần này.

Theo giới phân tích, sự quan tâm của Tổng thống Trump đến nguồn đất hiếm của Ukraine được thúc đẩy trước mối lo ngại Trung Quốc đang sở hữu số lượng lớn nguồn tài nguyên này.

Theo dữ liệu của Bộ Kinh tế Mỹ, Ukraine có tới 22 trong số 34 loại khoáng sản mà Liên minh châu Âu cho là rất quan trọng, trong đó có vật liệu công nghiệp và xây dựng, hợp kim ferro, kim loại quý, kim loại màu và một số nguyên tố đất hiếm. Ukraine cũng có trữ lượng than đáng kể nhưng hầu hết lại nằm tại các vùng lãnh thổ do Nga chiếm giữ.

Nguồn khoáng sản, đất hiếm của Ukraine lớn cỡ nào?

Ukraine là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ, trong đó có một số nguyên liệu thô quan trọng rất cần thiết cho các ngành công nghiệp như quốc phòng, thiết bị công nghệ cao, hàng không vũ trụ và năng lượng xanh.

Theo Viện nghiên cứu Địa chất, Ukraine sở hữu các nguyên tố đất hiếm như lanthanum và xeri, được sử dụng để chế tạo TV và đèn chiếu sáng; neodymium, dùng trong trong tua bin gió và pin EV; cùng với cũng như erbi và yttri, ứng dụng trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và laser. Ngoài ra, Ukraine cũng có các nguyên tố quý hiếm khác như scandium.

Các nhà phân tích khai thác và kinh tế cho biết Ukraine không có bất kỳ mỏ đất hiếm nào đang hoạt động thương mại. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Ukraine là nhà cung cấp tiềm năng chính về các vật liệu bao gồm titan, lithium, berili, mangan, gali, urani, zirconi, than chì, apatit, fluorit và niken.

Cơ quan Địa chất Nhà nước Ukraine cho biết, quốc gia này nắm giữ trữ lượng titan lớn nhất ở châu Âu, chiếm khoảng 7% trữ lượng titan của thế giới. Kiev cũng có trữ lượng lithium được xác nhận lớn nhất châu Âu, ước tính khoảng 500.000 tấn - rất quan trọng trong chế tạo pin, gốm sứ và thủy tinh. Trữ lượng titan chủ yếu nằm ở miền Trung Ukraine, còn lithium nằm ở trung tâm, phía Đông và Đông Nam của nước này.

Trữ lượng than chì của Ukraine, một thành phần chính trong pin xe điện và lò phản ứng hạt nhân, chiếm 20% tài nguyên toàn cầu. Các mỏ này nằm ở miền Trung và miền Tây của đất nước.

Những nguồn tài nguyên nào do Kiev kiểm soát?

Cuộc xung đột bùng phát từ tháng 2/2022 đã gây ra thiệt hại trên diện rộng khắp Ukraine và Nga hiện kiểm soát khoảng 1/5 diện tích lãnh thổ của đất nước này.

Phần lớn các mỏ than của Ukraine, vốn cung cấp năng lượng cho ngành công nghiệp thép của Ukraine trước xung đột, tập trung ở phía Đông và đã bị mất.

Khoảng 40% nguồn tài nguyên khoáng sản của Ukraine hiện đang nằm dưới sự chiếm đóng của Nga, nhóm nghiên cứu “We Build Ukraine và Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Ukraine trích dẫn dữ liệu đến nửa đầu năm 2024 cho biết.

Quân đội Nga tiếp tục tiến quân đều đặn ở khu vực Donetsk, phía đông Ukraine. Vào tháng 1/2025, Ukraine đã đóng cửa mỏ than cốc duy nhất bên ngoài thành phố Pokrovsk - nơi mà lực lượng của Moscow đang cố gắng chiếm giữ.

Nga đã kiểm soát ít nhất hai mỏ lithium của Ukraine: một ở Donetsk và một ở khu vực Zaporizhzhia ở phía Đông Nam. Còn Kiev vẫn kiểm soát các mỏ lithium ở khu vực Kyrovohrad, miền Trung nước này.

Cơ hội và thách thức đối với việc khai thác khoáng sản ở Ukraine

Hồi đầu tháng 1, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Ukraine Oleksiy Sobolev cho biết, chính phủ nước này đang thực hiện các thỏa thuận với các đối tác phương Tây, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp và Italy về các dự án khai thác nguyên vật liệu quan trọng. Chính phủ Ukraine ước tính tiềm năng đầu tư vào khoảng 12-15 tỷ USD từ nay cho đến năm 2033.

Cơ quan Địa chất Ukraine cho biết, chính phủ đang lên kế hoạch cấp phép khai thác tại 100 địa điểm song không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Mặc dù Ukraine có lực lượng lao động trình độ cao và tương đối rẻ cùng cơ sở hạ tầng phát triển nhưng các đối tác nước ngoài vẫn nêu bật một số rào cản đối với việc đầu tư, trong đó phải kể đến quy trình quản lý phức tạp và kém hiệu quả, cũng như khó khăn trong việc tiếp cận dữ liệu địa chất và khai thác khoáng sản. Họ cho biết các dự án như vậy sẽ mất nhiều năm để triển khai và đòi hỏi khoản đầu tư ban đầu khá lớn.

Vì sao ông Trump muốn tiếp cận nguồn đất hiếm tại Ukraine?

Cuộc đua xác định, bảo vệ, phát triển và thu lợi từ khoáng sản đất hiếm đã diễn ra nhanh chóng trong nhiều năm nay. Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, khu vực Bắc Mỹ có trữ lượng đất hiếm khá dồi dào, với khoảng 3,6 triệu tấn ở Mỹ và hơn 14 triệu tấn ở Canada. Mỹ là nhà sản xuất đất hiếm lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc. Ngoài ra, cũng phải kể đến các nhà sản xuất lớn khác là Australia và Myanmar.

Nhưng vào năm 2023, Trung Quốc, quốc gia sản xuất khoảng 60% và chế biến gần 90% tổng lượng đất hiếm trên thế giới đã làm rung chuyển thị trường toàn cầu khi công bố lệnh cấm khai thác và sản xuất đất hiếm tại nước này.

Điều đó đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở phương Tây, nơi các nhà lập pháp và nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng công nghệ phương Tây sẽ bị tê liệt do thiếu nguồn cung cấp khoáng sản đất hiếm.

Ngày 3/2, Trung Quốc tiếp tục đặt ra thách thức với Mỹ khi họ áp thuế đối với một loạt hàng hóa của Mỹ để trả đũa cho mức thuế mà ông Trump áp với Bắc Kinh. Bắc Kinh cũng áp đặt kiểm soát xuất khẩu đối với vonfram, tellurium, ruthenium và molypden, vốn là các khoáng sản quan trọng trong sản xuất công nghệ cao.

Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ về vũ khí và thiết bị giúp Kiev chiến đấu chống lại cuộc tấn công của Nga. Tính đến tháng 9/2024, Quốc hội Mỹ đã phân bổ 174,2 tỷ USD cho các mục đích liên quan đến Ukraine, phần lớn số tiền đó được chuyển cho Bộ Quốc phòng và các tài khoản liên quan đến quốc phòng, Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho biết. 

Tính toán của Tổng thống Trump

Ngay khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã coi việc chấm dứt xung đột Ukraine là ưu tiên hàng đầu. Các cố vấn của ông cho biết, chính quyền sẽ thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có cả việc gây sức ép để đưa Nga và Ukraine đến bàn đàm phán. Việc ra điều kiện viện trợ trong tương lai của Mỹ để đổi lấy các nhượng bộ của Ukraine được coi là chìa khóa kế hoạch này. Giới phân tích cho rằng, việc thuyết phục Ukraine cho các nhà đầu tư Mỹ tiếp cận nhiều hơn với đất hiếm và khoáng sản quan trọng có thể là một phần trong phép tính của ông Trump.

Nếu không có vũ khí của Mỹ, quân đội Ukraine khó có khả năng đối phó với các cuộc tấn công dữ dội từ quân đội Nga vốn có quy mô lớn hơn và được trang bị tốt hơn. Và khả năng phòng thủ của họ sẽ nhanh chóng sụp đổ

Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump đặt điều kiện đổi vũ khí của Mỹ để lấy các nhượng bộ từ Ukraine. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đã bị Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát luận tội sau một cuộc điện đàm với ông Zelensky. Trong cuộc gọi, Tổng thống Trump dường như nói rằng ông sẽ hủy bỏ lệnh đóng băng viện trợ của Mỹ nếu ông Zelensky mở lại cuộc điều tra về một công ty năng lượng của Ukraine mà con trai của ông Biden là một thành viên trong hội đồng quản trị của công ty này. Tuy nhiên ông Trump đã phủ nhận mọi sự cáo buộc.

Lần này, đảng Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện Quốc hội nên khó có khả năng chính quyền ông Trump sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ khi đặt điều kiện viện trợ cho Ukraine.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giải mã sức mạnh “kẻ hủy diệt” Iskander-1000 của Nga khiến NATO và Ukraine lạnh gáy
Giải mã sức mạnh “kẻ hủy diệt” Iskander-1000 của Nga khiến NATO và Ukraine lạnh gáy

VOV.VN - Hãng thông tấn Sputnik ngày 4/2 cho biết, Nga đang chuẩn bị triển khai phiên bản mới của tên lửa đạn đạo chiến thuật đất đối đất Iskander có tên gọi Iskander-1000 tới Ukraine. Tầm bắn mở rộng và khả năng tiên tiến của tên lửa này dự kiến ​​sẽ làm gia tăng mối lo ngại đối với Ukraine và các quốc gia NATO.

Giải mã sức mạnh “kẻ hủy diệt” Iskander-1000 của Nga khiến NATO và Ukraine lạnh gáy

Giải mã sức mạnh “kẻ hủy diệt” Iskander-1000 của Nga khiến NATO và Ukraine lạnh gáy

VOV.VN - Hãng thông tấn Sputnik ngày 4/2 cho biết, Nga đang chuẩn bị triển khai phiên bản mới của tên lửa đạn đạo chiến thuật đất đối đất Iskander có tên gọi Iskander-1000 tới Ukraine. Tầm bắn mở rộng và khả năng tiên tiến của tên lửa này dự kiến ​​sẽ làm gia tăng mối lo ngại đối với Ukraine và các quốc gia NATO.

Sai lầm của Ukraine khi ứng phó tình trạng cạn nhân lực
Sai lầm của Ukraine khi ứng phó tình trạng cạn nhân lực

VOV.VN - Ukraine đang thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng. Một số binh sỹ nước này cho biết, nhiều nhân sự chuyên biệt đang được điều đến các chiến hào để đảm nhiệm vai trò của lính bộ binh. Điều này đã gây ra làn sóng phản đối dữ dội.

Sai lầm của Ukraine khi ứng phó tình trạng cạn nhân lực

Sai lầm của Ukraine khi ứng phó tình trạng cạn nhân lực

VOV.VN - Ukraine đang thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng. Một số binh sỹ nước này cho biết, nhiều nhân sự chuyên biệt đang được điều đến các chiến hào để đảm nhiệm vai trò của lính bộ binh. Điều này đã gây ra làn sóng phản đối dữ dội.

Đòn bẩy chiến lược của ông Trump nhằm buộc Nga chấm dứt xung đột với Ukraine
Đòn bẩy chiến lược của ông Trump nhằm buộc Nga chấm dứt xung đột với Ukraine

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức dưới quyền ông tuyên bố, họ có kế hoạch chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine. Dù ông Trump không tiết lộ kế hoạch cụ thể, nhưng theo giới phân tích, Washington có rất nhiều đòn bẩy để buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán với Ukraine.

Đòn bẩy chiến lược của ông Trump nhằm buộc Nga chấm dứt xung đột với Ukraine

Đòn bẩy chiến lược của ông Trump nhằm buộc Nga chấm dứt xung đột với Ukraine

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức dưới quyền ông tuyên bố, họ có kế hoạch chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine. Dù ông Trump không tiết lộ kế hoạch cụ thể, nhưng theo giới phân tích, Washington có rất nhiều đòn bẩy để buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán với Ukraine.