Quân đội Nhật từ nay có thể chiến đấu ở nước ngoài
VOV.VN -Quy định cho phép sử dụng quân đội ở nước ngoài để phòng vệ là điểm mới của Dự luật An ninh mới được Hạ viện Nhật Bản thông qua
Vịnh Subic, Philippines (Ảnh AFP) |
1. Philippines mới đây đã điều các máy bay chiến đấu và 2 tàu chiến tới căn cứ Hải quân trước đây của Mỹ trên Vịnh Subic của nước này. Các chuyên gia an ninh nhận định, việc đưa máy bay và tàu chiến tới đồn trú tại vịnh Subic sẽ giúp Philippines đối phó hiệu quả hơn với những động thái của Trung Quốc tại Biển Đông.
Các quan chức Philippines cho biết, khi vịnh Subic được tái sử dụng làm căn cứ quân sự, Hải quân Mỹ sẽ có quyền tiếp cận nhiều hơn đối với vịnh này theo một thỏa thuận kéo dài 1 năm giữa hai bên, trong đó cho phép quân đội Mỹ được sử dụng các căn cứ quân sự tại Philippines.
Động thái này của Philippines cùng với việc nước này đang tiến hành vụ kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài quốc tế, khiến Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ. Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh chiều ngày 15/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh lên tiếng yêu cầu Philippines phải kéo chiếc tàu chiến cũ ra khỏi khu vực bãi Cỏ Mây.
Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lớn tiếng yêu cầu Philippines phải từ bỏ vụ kiện lên Toà trọng tài quốc tế, trong đó Philippines yêu cầu Toà ra phán quyết về tính phi pháp của yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Những động thái của 2 bên khiến căng thẳng giữa 2 nước tiếp tục leo thang. Báo chí Trung Quốc và Philippines còn đề cập khả năng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC sẽ diễn ra tại Manila - thủ đô của Philippines vào tháng 11 tới.
Quân đội Nhật Bản từ nay có thể chiến đấu ở nước ngoài, căn cứ theo Dự luật An ninh mới (Ảnh AFP) |
2. Chiều 16/7, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua Dự luật an ninh mới, mở đường cho khả năng được thông qua tại Quốc hội. Truyền thông Nhật Bản bình luận đây là một dấu ấn lớn trong việc thay đổi chính sách an ninh của Nhật kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Đây có thể coi là bước tiến gần tới đích của chính quyền Shinzo Abe trong việc thực hiện Quyền phòng vệ tập thể dựa trên việc sửa đổi Hiến pháp.
Điểm mới trong dự Luật an ninh lần này có thêm điều khoản quy định đối phó trực tiếp với những hành động tấn công từ bên ngoài đe dọa an ninh Nhật Bản, đồng thời cũng cho phép Nhật Bản sẽ có quyền thực hiện Quyền phòng vệ tập thể dưới những yêu cầu cụ thể khi sử dụng lực lượng phòng vệ ở nước ngoài.
Tuy nhiên, điều khoản này cũng nhấn mạnh thêm điều kiện phái cử lực lượng phòng vệ ra nước ngoài cần được Quốc hội thông qua.
Dự luật này ngoài việc được gửi lên Thượng viện cũng sẽ được đệ trình lên Quốc hội vào kỳ họp dự định được tiến vào ngày 27/9 tới.
Nhóm các nhà điều tra giám sát tại Syria tuyên bố Nhà nước Hồi giáo IS đã sử dụng khí độc trong các cuộc tấn công khu vực người Kurd kiểm soát ở vùng đông bắc Syria, những ngày cuối tháng 6/2015 (Ảnh Wochit) |
3. Hai tổ chức của Anh dựa trên kết quả điều tra các vụ tấn công cho biết, họ đã xác nhận Nhà nước Hồi giáo IS đã sử dụng vũ khí hóa học tấn công lực lượng người Kurd và mục tiêu dân sự ở Syria và Iraq.
Ngày 28/6, lực lượng người Kurrd ở Syria cáo buộc IS đã bắn "đạn chứa chất độc hóa học" vào khu vực do lực lượng này kiểm soát ở thành phố Hasaka.
Các loại hóa chất được sử dụng đã không được xác định. Không ai trong số các chiến binh bị phơi nhiễm chất độc này tử vong vì họ đã nhanh chóng được đưa tới bệnh viện điều trị kịp thời.
Hố bom trông như miệng núi lửa là dấu vết còn lại của vụ đánh bom tự sát tại một khu chợ sầm uất ở Khan Bani Saad, tỉnh Diyala, khoảng 20 dặm về phía đông bắc của Baghdad, Iraq vào ngày 18/7/2015. (Ảnh AP) |
4. Một vụ đánh bom tự sát với khối thuốc nổ lên tới 3 tấn đã xảy ra ở một khu chợ sầm xuất, khiến 115 người tử vong. Trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Đây là cuộc tấn công bằng đánh bom tự sát đơn lẻ đẫm máu nhất tại Iraq trong thập kỷ qua.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công bằng bom tự sát này.
Chính quyền tỉnh Diyala đã tuyên bố để tang 3 ngày cho các nạn nhân và ra lệnh đóng cửa tất cả các công viên và nơi giải trí trong suốt thời gian còn lại của kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr nhằm ngăn chặn xảy ra thêm các cuộc tấn công tương tự.
>> Xem thêm: Rúng động vụ IS đánh bom tự sát bằng 3 tấn thuốc nổ
Tổng thống Syria Bashar al-Assad (giữa) tham gia lễ cầu nguyện Eid al-Fitr tại nhà thờ Hồi giáo al-Hamad ở Damascus, Syria, ngày 17/7. (Ảnh: REUTERS / SANA) |
5. Ngày 17/7 là ngày lễ Eid Al Fitr, với ý nghĩa là “ánh sáng cuối đường hầm” là ngày lễ kết thúc tháng Mamadan. Trong suốt tháng lễ Ramadan, người Hồi giáo không ăn gì từ khi mặt trời mọc đến lúc tắt nắng, vì thế vào dịp này các nhà hàng, cửa hiệu đều mở muộn hơn thường lệ.
Ý nghĩa của việc này, thứ nhất, nhịn ăn uống là để có sự thông cảm với những người nghèo đói, những đồng đạo còn chưa đủ ăn, đủ mặc; Thứ hai, hành động này nhằm luyện cho con người một sự tiết chế, chống những cám dỗ vật chất, để tạo thuận lợi cho việc sau này "lên thiên đàng".
Vào tuần cuối cùng của tháng lễ Ramadan, nhu cầu mua sắm của người Hồi giáo thường tăng cao để chuẩn bị cho lễ Eid Al Fitr.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã tiến hành một cuộc cải tổ nội các, thay thế các bộ trưởng có thể từ chức hoặc rời bỏ chính phủ. (Ảnh EFE) |
6. Ngày 17/7 Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã tiến hành cải tổ chính phủ. Thủ tướng Tsipras đã thay thế Bộ trưởng Năng lượng Panagiotis Lafazanis – người phản đối thỏa thuận cứu trợ vừa đạt được. Một nhân vật thân cận với ông Lafazanis là Thứ trưởng Quốc phòng cũng bị sa thải.
Thủ tướng cũng chỉ định một số vị trí trong Bộ Tài chính và Ngoại giao- những người đã từ chức trong tuần để phản đối thỏa thuận cứu trợ.
Việc cải tổ nội các diễn ra vài giờ sau khi Liên minh châu Âu thông qua một khoản cho vay ngắn hạn cho Hy Lạp, giúp nước này trả nợ cho các chủ nợ quốc tế vào đầu tuần tới.
Lễ tưởng niệm các nạn nhân xấu số của thảm kịch MH17 diễn ra nhiều nơi trên thế giới. (Ảnh Reuters) |
7. Hôm 17/7/2015, tròn một năm xảy ra sự kiện bi thảm khi chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia bị rơi trên lãnh thổ miền Đông Ukraine, nhiều nơi trên thế giới đã tổ chức các hoạt động tưởng niệm để tưởng nhớ 298 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng trong chuyến bay.
Dù một năm đã qua đi, song nguyên nhân chính thức của vụ rơi máy bay vẫn chưa được làm rõ. Các bên liên quan vẫn tiếp tục đổ lỗi cho nhau về thảm kịch này. Uỷ ban An toàn Hà Lan dự kiến sẽ công bố báo cáo điều tra cuối cùng về vụ rơi máy bay vào đầu tháng 10 tới.
>> Xem thêm: Năm câu hỏi chưa có giải đáp từ thảm kịch Boeing MH17
Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Obama nói: "Thỏa thuận hạt nhân Iran giúp cho thế giới an toàn hơn" (Ảnh: Wochit) |
8. Hôm 14/7 Thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký kết giữa Iran và nhóm P5+1. Đây được xem là một trong những diễn biến ngoại giao được mong đợi nhất trên thế giới năm 2015.
Theo thỏa thuận này, Iran đồng ý chỉ sở hữu không quá 300 kg uranium được làm giàu ở mức 3,67% trong vòng 15 năm tới và tất cả các hoạt động làm giàu uranium này chỉ được giới hạn ở cơ sở hạt nhân Natanz.
Dự kiến thỏa thuận hạt nhân mới được ký kết sẽ được đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc xem xét. Nếu thỏa thuận này được thực thi, các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Iran sẽ dần được dỡ bỏ trong thời gian sớm nhất là vào nửa đầu năm 2016.
Phản ứng gay gắt nhất với thỏa thuận đạt được, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lên tiếng chỉ trích khi gọi đó là một “sai lầm lịch sử”. Ngay lập tức Tổng thống Mỹ phải lên tiếng cam kết sẽ luôn ủng hộ và bảo vệ an ninh cho đồng minh Israel trước bất cứ mối đe dọa nào.
Trước những ý kiến còn khác nhau về vấn đề này trong chính nước Mỹ, Tổng thống Barack Obama quyết liệt bảo vệ các thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran khi ông phải đối mặt với các phóng viên Nhà Trắng tại một cuộc họp báo. "Thỏa thuận hạt nhân này đáp ứng các lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ và các đồng minh", Tổng thống nói. "Nó ngăn chặn các mối đe dọa nghiêm trọng nhất, là mối đe dọa Iran có được vũ khí hạt nhân... Đó là lý do tại sao thỏa thuận này làm cho đất nước chúng ta và thế giới an toàn hơn"./.