Quân đội tạm giữ Tổng thống: Tương lai nào cho Zimbabwe?
VOV.VN - Giới quan sát cho rằng, sau khi Tổng thống Zimbabwe Mugabe bị quân đội tạm giữ, chính trường nước này sẽ còn nhiều diễn biến khó lường.
Sau khi lãnh đạo Zimbabwe gần 4 thập niên, đưa đất nước đi từ thành công của cuộc đấu tranh giành độc lập đến sự sụp đổ của nền kinh tế, Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe – một trong những nhà lãnh đạo lâu đời nhất thế giới đã trở thành tù nhân của quân đội mà chính ông từng chỉ huy.
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe. Ảnh: AFP/Getty.
Theo một thông báo của quân đội Zimbabwe, Tổng thống Robert Mugabe, 93 tuổi, đã bị tạm giữ cùng phu nhân. Động thái này dường như sẽ chấm dứt một trong những “triều đại chính trị” gây tranh cãi nhất ở châu Phi nhưng đồng thời đặt ra những câu hỏi về tương lai bất định cho Zimbabwe. Liệu sẽ có một chính phủ chuyển tiếp hay sẽ có một thỏa hiệp cho phép ông Mugabe trở lại nắm quyền?
Dù có điều gì xảy ra, đây dường như vẫn là một thời điểm thuận lợi cho đất nước Zimbabwe vốn đã phải sống trong cảnh u ám dưới sự lãnh đạo của ông Mugabe ngay cả những lúc quyền lực của nhà lãnh đạo này dường như là không thể lay chuyển.
Người dân Zimbabwe thức dậy vào sáng 15/11 nhận được thông báo trên truyền hình về việc Tổng thống Mugabe bị tạm giữ nhưng quân đội vẫn nói rằng “đây không phải là một cuộc đảo chính quân sự”.
Bất chấp lời khẳng định nêu trên từ phía quân đội, sự kiện ở Zimbabwe mang đầy đủ các dấu hiệu của một cuộc đảo chính. Quân đội phong tỏa thủ đô Harare, tiếp quản đài truyền hình quốc gia.
Người phát ngôn quân đội Zimbabwe, Thiếu tướng Sibusiso Moyo trong một tuyên bố nói rằng họ đang nhằm vào “những tên tội phạm” trong chế độ Mugabe. Theo ghi nhận, mặc dù có rất ít dấu hiệu bạo lực vào tối 15/11 nhưng nhiều người dân ở thủ đô Harare vẫn chưa biết phải phản ứng thế nào trước sự kiện này.
Robert Mugabe – Từ đỉnh cao đến vực sâu
Ông Robert Mugabe chính là người đã lãnh đạo đất nước đứng lên giành độc lập khỏi Vương quốc Anh vào năm 1980, chấm dứt chế độ cai trị của người da trắng. Khi trở thành Tổng thống, với những bài phát biểu hùng hồn, ông luôn hứa hẹn với người dân rằng: “Zimbabwe sẽ không bao giờ trở thành thuộc địa một lần nữa”.
Nhưng “câu thần chú” này dường như đã dần mất đi hiệu lực, đặc biệt trong những năm gần đây khi uy tín của Tổng thống Mugabe bị tổn hại do những cáo buộc tham nhũng và đàn áp. Zimbabwe từ một trong những quốc gia giàu có nhất của châu Phi trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong lịch sử thế giới hiện đại, đồng tiền của nước này mất giá đến mức phải in đồng 100 tỷ (chưa bằng 1 USD - theo tỷ giá chợ đen).
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe và phu nhân Grace Mugabe. Ảnh: EPA. |
Tổng thống Mugabe gần đây đã tiến hành thanh lọc một số quan chức chủ chốt của đảng cầm quyền ZANU-PF, mở đường cho người vợ 52 tuổi của ông, bà Grace tiến gần tới việc thay thế vị trí của ông. Nhiều người cho rằng, đây chính là tính toán sai lầm bởi nó khiến ông Mugabe mất niềm tin của dân chúng, mất luôn cả sự ủng hộ của những lãnh đạo quân sự.
Tối 15/11, số phận của của ông Mugabe và vợ ông vẫn chưa được làm rõ. Chưa có bất kỳ tuyên bố chính thức nào được phát đi từ hai người này. Tuy nhiên, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma - người tuyên bố đã cử đặc phái viên tới Harare nói rằng ông Mugabe “vẫn ổn” và đang bị giam lỏng tại tư dinh.
Tướng Sibusiso Moyo phát ngôn thay mặt quân đội Zimbabwe, xác nhận Tổng thống Mugabe, 93 tuổi và người vợ 52 tuổi đang bị quản thúc.
“Mugabe và gia đình ông ấy vẫn ổn, sự an toàn của họ được đảm bảo. Chúng tôi chỉ nhằm đến các mục tiêu tội phạm – những người gây ra thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế xã hội”, ông Moyo nói.
Tuyên bố kiểu như trên được phát đi phát lại nhiều lần trên đài truyền hình và đài phát thanh quốc gia của Zimbabwe nhưng không có thêm thông tin chi tiết. Hiện có tin đồn rằng một số Bộ trưởng đã bị bắt, trong đó bao gồm Bộ trưởng Tài chính Ignatius Chombo – người đã bị binh lính áp giải khỏi nhà. Mặc dù vậy, đại diện quân đội Zimbabwe cho biết, danh tính của những người bị bắt chưa thể công bố.
Trong nhiều thập kỷ, Tổng thống Mugabe nổi tiếng là một nhà phê bình không biết mệt mỏi các chính sách của phương Tây cũng như các tổ chức quốc tế khác. Những người ủng hộ Mugabe ca ngợi ông vì có những hành động quyết đoán như tịch thu trang trại của người da trắng. Đúng là những trang trại này sau đó được dành cho người da đen, nhưng rất nhiều trong số đó rơi vào tay những bạn bè thân thiết của ông Mugabe.
Hơn thế nữa, trong nhiều năm, số lượng lớn các trang trại này đã bị bỏ hoang bởi chủ nhân mới của chúng không có nền tảng hoặc chẳng mấy quan tâm đến phát triển nông nghiệp. Chùm ảnh: Người dân Zimbabwe đổ xô rút tiền ngân hàng sau đảo chính
Tương lai nào cho Zimbabwe?
Trên đường phố Harare, tin tức về “cuộc tiếp quản quân sự” được người dân chào đón với sự lạc quan nhưng thận trọng.
“Tôi rất vui vì chúng ta sẽ có một nhà lãnh đạo khác. Chúng tôi muốn một điều gì đó mới mẻ. Hãy nhìn xem, chúng tôi đang thất nghiệp và nghèo đói. Tất cả những gì chúng tôi muốn đó là một điều gì đó khác biệt”, Yemurai – một người đàn ông sống ở khu phố Chitungwiza của Harare cho biết.
Tuy nhiên, một số người khác cũng lo ngại rằng việc quân đội can thiệp vào chính trường có thể dẫn đến tình trạng bạo lực.
Baxon, một người dân sống ở khu vực Glen View nói: “Đây là một thảm họa. Nó chẳng khác nào việc giải quyết một vấn đề bằng cách tạo ra một vấn đề khác. Chúng tôi không muốn có thêm một cuộc chiến tranh nữa nhưng có vẻ như họ đang hướng tới điều đó”.
Với tình hình hiện nay ở Zimbabwe, nhà phân tích chính trị Mike Mavura cho rằng, điều quan trọng là quân đội phải nói rằng, hành động của họ không phải là một cuộc đảo chính. Quân đội Zimbabwe phủ nhận tiến hành đảo chính
"Chúng ta không còn ở những năm 60 hay 70 của thế kỷ trước khi các cuộc đảo chính ở châu Phi là theo cánh tả, hữu hoặc trung. Tôi nghĩ họ [quân đội Zimbabwe-ND] đang nỗ lực để tỏ ra là những người tiến bộ. Dù vậy, nếu xét đến những lợi ích về dân chủ thì không rõ liệu cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào năm tới có được tiến hành hay không?”, ông Mavura nhận định.
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Zimbabwe lên đến đỉnh điểm hồi tuần trước, khi Tổng thống Mugabe bãi miễn Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa, dọn đường cho vợ của ông Mugabe, bà Grace tiến bước trên chính trường.
Lời giải thích của ông Mugabe đối với quyết định trên là vì ông Mnangagwa không trung thành và thiếu tôn trọng cũng như sử dụng những biện pháp mờ ám củng cố quyền lực. Mnangagwa sau đó trốn sang Nam Phi.
Động thái này đã làm mâu thuẫn trong đảng ZANU-PF cầm quyền thêm trầm trọng. Trong khi phe đảng viên trẻ đứng về phía bà Grace Mugabe thì những cựu chiến binh – những người từng xả thân chống lại chế độ da trắng lại ủng hộ ông Mnangagwa – người từng là Bộ trưởng Quốc phòng.
Với những diễn biến mới nhất ở Zimbabwe, nhà bình luận chính trị Maxwell Saungweme cho rằng, quân đội nước này có thể sẽ gây sức ép buộc ông Robert Mugabe từ chức để ông Mnangagwa lên làm Tổng thống.
“Kế hoạch này nếu thành hiện thực sẽ giúp tình hình được giải quyết êm đẹp nhưng đương nhiên ông Mugabe không dễ dàng gì chấp nhận điều này. Vì vậy, toàn bộ câu chuyện này hoàn toàn có thể trở nên phức tạp hơn rất nhiều trong thời gian tới”, ông Saungweme cảnh báo./. Tổng thống Zimbabwe và vợ đang bị quân đội tạm giữ