Quan hệ láng giềng Pakistan - Afghanistan “ấm” lên
Ngoại trưởng Afghanistan hy vọng chuyến thăm của người đồng cấp Pakistan sẽ khởi đầu cho một mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước…
Ngoại trưởng Pakistan Hina Rabbani Khar vừa tiến hành chuyến thăm một ngày tới Afghanistan với mục tiêu xây dựng quan hệ lâu dài giữa hai nước láng giềng. Điều khiến dư luận rất quan tâm là xây dựng thế nào mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng Nam Á vốn tồn tại không ít vấn đề phức tạp.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp nước chủ nhà, Ngoại trưởng Afghanistan Zalmai Rasoul, bà Ngoại trưởng Rabbani Khar cho biết “mục đích chuyến thăm của bà là chuyển tải một thông điệp mạnh mẽ tới Kabul rằng Pakistan muốn có một mối quan hệ sâu sắc và lâu bền với Afghanistan”. Bà cũng khẳng định, Pakistan ủng hộ nền độc lập, thống nhất của Afghanistan, bất kỳ mối đe dọa nào tới sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Afghanistan cũng là mối đe dọa đối với Pakistan. Islamabad ủng hộ tiến trình hòa bình và chương trình hòa giải dân tộc ở Afghanistan.
Ngoại trưởng Pakistan Hina Rabbani Khar hội đàm với người đồng cấp Afghanistan Zalmai Rasoul (ảnh: AFP) |
Điều mà Ngoại trưởng Pakistan nhấn mạnh như một thông điệp gửi tới Afghanistan về sự ủng hộ tiến trình hòa bình và chương trình hòa giải dân tộc ở Afgahnistan chính là vấn đề lâu nay khiến hai quốc gia láng giềng này luôn ở trong tình trạng “cơm không lành, canh chẳng ngọt”... Đó là vấn đề liên quan đến lực lượng Taliban, lực lượng từng cầm quyền ở Afghanistan trước cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ và các nước phương Tây khởi xướng và hiện nay vẫn đang là vấn đề khiến cộng đồng quốc tế còn phải “bận tâm”.
Phía Afghanistan lâu nay vẫn cho rằng, Pakistan luôn ủng hộ lực lượng Taliban bằng nhiều cách và cho rằng, tình hình Afghanistan chỉ có thể ổn định khi vấn đề Taliban được giải quyết. Mà vấn đề Taliban muốn giải quyết thì không đơn giản chỉ do Afghanistan.
Taliban vốn bị coi là lực lượng khủng bố khi có mối liên hệ với Al Qaeda, lực lượng chủ mưu vụ tấn công toà tháp đôi ở Mỹ, khơi màn cuộc chiến chống khủng bố kéo dài suốt hơn 10 năm qua. Thế nhưng, sau khi lực lượng liên quân vào Afghanistan tiêu diệt lực lượng khủng bố rồi xây dựng ở đây một chính quyền mới không có Taliban, “vấn đề Taliban” trở nên nan giải trong quan hệ quốc tế.
Quan hệ Pakistan - Afghanistan luôn căng thẳng xung quanh việc giải quyết vấn đề này. Pakistan là một trong 3 nước duy nhất công nhận chính quyền do Taliban lãnh đạo ở Afghanistan trong những năm 1990. Đồng thời một số thành viên thuộc lực lượng tình báo Pakistan được cho là vẫn duy trì liên lạc với phe Taliban và các nhóm nổi dậy khác bên trong Afghanistan. Ngay ở Pakistan hiện nay vẫn có lực lượng Taliban mà chính quyền nước này đang phải tiến hành những cuộc đàm phán hòa bình để giải quyết. Tổng thống Afghanistan nhiều lần yêu cầu Pakistan hành động quyết liệt hơn trong cuộc đấu tranh chống các phần tử chủ chiến tại khu vực biên giới, vốn vẫn phát động các cuộc tấn công vào Afghanistan.
Với LHQ, vấn đề Taliban cũng đang trở nên “nan giải”, lúc thì tổ chức toàn cầu này “khép” Taliban vào tội khủng bố và cần phải trừng trị, lúc lại tìm cách hòa đàm. Hiện nay LHQ đang xem xét loại một số cựu thủ lĩnh Taliban ra khỏi danh sách khủng bố và thậm chí xem xét việc công nhận Taliban là một đảng phái ở Afghanistan. Hoa Kỳ cũng đã có lúc phải kêu gọi Pakistan hãy đóng một vai trò xây dựng trong tiến trình hòa giải với phe Taliban tại Afghanistan. Hiện Mỹ cũng đang tiến hành các chiến dịch ngoại giao mới nhằm kêu gọi lực lượng Taliban tại Afghanistan tham gia vào các cuộc đối thoại.
Chính những diễn biến này cho thấy, chuyến thăm Afghanistan của Ngoại trưởng Pakistan có ý nghĩa như thế nào trong việc tìm biện pháp giải quyết “vấn đề Taliban” trong quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng Nam Á. Ngoại trưởng Rabbani Khar cũng nhân dịp này lên tiếng bác bỏ một báo cáo của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mới đây cho rằng các cơ quan an ninh Pakistan đang giúp đỡ Taliban để lực lượng này có thể trở lại nắm quyền ở Afghanistan sau khi NATO rút khỏi nước này vào năm 2014 như một cách làm yên lòng Kabul.
Và như thế, lời phát biểu của Ngoại trưởng Afghanistan Zalmai Rasoul nhấn mạnh vai trò của Pakistan trong việc xây dựng nền hòa bình trong khu vực, kiểu “Islamabad đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hòa bình ở Afghanistan và Kabul hy vọng chuyến thăm này của Ngoại trưởng Pakistan sẽ khởi đầu cho một mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước”… phần nào đang làm cho dư luận kỳ vọng về một triển vọng tốt cho khu vực, cụ thể hơn là cho Afghanistan thời hậu chiến./.