Quan hệ Mỹ- Pakistan: Khi lòng tin rạn nứt

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh NATO, Tổng thống Mỹ đã từ chối một cuộc gặp song phương với người đồng cấp Pakistan.

Mối quan hệ chiến lược giữa Mỹ và Pakistan vốn rạn nứt sau một số sự cố xảy ra gần đây nay lại càng rơi vào trạng thái khủng hoảng sau khi Tổng thống Mỹ từ chối một cuộc gặp song phương với Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari bên lề Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Chicago, Mỹ.

Trong lần đến Mỹ để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO, giới quan sát hy vọng hai bên sẽ hàn gắn sự rạn nứt trong quan hệ hai nước; tuy nhiên, điều này đã không xảy ra khi mà Người phát ngôn Nhà Trắng tuyên bố, Tổng thống Obama không có cuộc gặp song phương nào với ông Zardari tại Hội nghị lần này. Thay vào đó là cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ và Tổng thống Pakistan.

Từ chối một cuộc gặp song phương với Tổng thống Pakistan bên lề Hội nghị Thượng đỉnh NATO, động thái này của Mỹ khiến người ta nghi ngờ về mối quan hệ Mỹ-Pakistan đang tiếp tục xấu đi (Ảnh: 1pak.com)
Giải thích về vấn đề này, người phụ trách an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho biết, vì lịch làm việc của ông Obama đã kín nên không thể sắp xếp một cuộc gặp với Tổng thống Pakistan.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích chính trị, có lẽ ông Obama không gặp ông Zardari vì Tổng thống Pakistan đến Chicago mà không đem theo thỏa thuận về việc mở cửa lại biên giới Pakistan - Afghanistan cho các chuyến hàng của Mỹ .

Mỹ vốn hy vọng rằng ông Zardari sẽ đến Chicago với một tuyên bố chính thức mở lại tuyến tiếp vận rất cần thiết đối với NATO này. Tuy nhiên, trước đề nghị của Mỹ, Pakistan đã đưa ra hàng loạt đòi hỏi, bao gồm việc xem xét lại chính sách của Mỹ đối với các vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào các mục tiêu tại Pakistan và Mỹ phải đưa ra một lời xin lỗi công khai trong vụ 24 binh sĩ Pakistan thiệt mạng.

Theo người phát ngôn của Tổng thống Zardari, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Tổng thống Pakistan nói rằng, ông muốn “tìm một giải pháp lâu dài cho vấn đề liên quan đến các vụ tấn công của máy bay không người lái vì điều này không chỉ vi phạm chủ quyền Pakistan mà còn gây ra làn sóng phẫn nộ trong dân chúng Pakistan. Nhiều thường dân vô tội bị thương vong trong các cuộc tấn công này”.

Ngoài ra, trong cuộc gặp với bà Clinton, ông Zardari còn cho biết, Pakistan sẽ chỉ mở lại tuyến vận chuyển này nếu Mỹ chấp nhận trả một mức phí cao hơn cho mỗi chiếc xe đi qua lãnh thổ nước này (Pakistan đề nghị tăng gấp đôi mức phí, từ 250 lên 500 USD/xe).

Tuy nhiên, Mỹ coi đòi hỏi này là quá đáng bởi Mỹ hiện đang cấp viện trợ cho Islamabad rất nhiều. Mỹ đánh giá Pakistan đóng vai trò chủ chốt cho một giải pháp hòa bình trong giải quyết cuộc xung đột tại Afghanistan. Không chỉ vì tầm quan trọng của tuyến tiếp vận qua lãnh thổ nước này mà còn vì Pakistan có mối quan hệ gần gũi với nhóm phiến quân Taliban và các tay súng nổi dậy khác ở Afghanistan.

Điều này cũng được Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen thừa nhận: “Chúng ta không thể giải quyết vấn đề tại Afghanistan mà không có sự tham gia tích cực của Pakistan. Chúng ta phải giải quyết điều này. Do vậy, cuộc gặp giữa tôi và Tổng thống Zardari chính là bàn về điều này”.

Hiện Pakistan vẫn chưa có phản ứng nào cho thấy, nước này không hài lòng với việc Tổng thống Obama từ chối tiếp xúc song phương với ông Zardari; tuy nhiên, chỉ riêng việc ông Zardari phải hội đàm với bà Clinton thay vì ông Obama đã cho thấy quan hệ Mỹ - Pakistan không có dấu hiệu được cải thiện.

Theo các nhà phân tích chính trị, trong tình thế hiện nay, Mỹ sẽ không thể để quan hệ với Pakistan xấu đi. Nhưng niềm tin rạn nứt giữa hai nước sẽ không dễ hàn gắn nếu những nghi ngờ và mâu thuẫn không sớm được gột rửa./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên