Quan hệ Nga-Nhật và bài toán Nam Kurin
Hai nước đã nhiều lần căng thẳng liên quan đến việc tranh chấp chủ quyền quần đảo này, nhưng chưa khi nào cuộc tranh cãi lại trở nên quyết liệt như hiện nay.
Ngày 10/2, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Seiji Maehara bắt đầu chuyến thăm dài ngày tới Nga trong bối cảnh tình trạng leo thang căng thẳng về vấn đề Nam Kurin mà phía Nhật Bản gọi là “vùng lãnh thổ phương Bắc”.
Nhiều nhà phân tích nhìn nhận, vấn đề Nam Kurin, vốn là vật cản lớn trong quan hệ hợp tác Nga-Nhật, lần này trở lại bàn thương lượng dưới tác động các yếu tố và động lực mới.
Tổng thống Nga Medvedev tự tay ghi lại các hình ảnh khi tới thăm đảo Kunasia: Ảnh: AFP |
Hồi đầu tháng 11/2010, Tổng thống Nga Medvedev đã bay đến đảo Kunasia (phía Nhật gọi là đảo Kunasiri) thuộc quần đảo Kurin và ở thăm trong 4 giờ. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1945, một nhà lãnh đạo Nga đến thăm khu đảo tranh chấp với Nhật từ sau Thế chiến thứ 2. Phía Nhật Bản đã phản ứng gay gắt trước chuyến thăm chớp nhoáng này.
Cùng với việc triệu hồi Đại sứ Nhật Bản tại Liên bang Nga Masahara Kono về nước và triệu Đại sứ Liên bang Nga tại Nhật Bản Mikhain Bely đến phản đối, Thủ tướng Naoto Kan khẳng định, chuyến thăm của người đứng đầu Nhà nước Nga tới quần đảo tranh chấp này đã làm tổn thương tình cảm của công chúng Nhật.
Không dừng lại ở cuộc khẩu chiến ngoại giao, cả hai viện của Nhật Bản còn thông qua dự luật tái khẳng định chủ quyền đối với 4 hòn đảo thuộc quần đảo đang tranh chấp này. Dự luật quy định rõ rằng, 4 hòn đảo này, gồm đảo Iturup, Sikotan, Kunasia và Habomai là "phần lãnh thổ không thể tách rời" của Nhật Bản; đồng thời nêu rõ Chính phủ Nhật Bản sẽ "thực hiện những nỗ lực cao nhất để sớm lấy lại các hòn đảo này".
Chuyến thăm của ngoại trưởng Nhật Bản Maehara đến Nga lần này cũng nằm trong nỗ lực giải quyết tranh chấp mà Tổng thống Naoto Kan đã tuyên bố. Tuy nhiên, nhiệm vụ của ông Maehara sẽ rất nặng nề và khó có thể thực hiện được khi mà ngay trước chuyến thăm Nga lần này, các nhà lãnh đạo hai nước tiếp tục có những tuyên bố căng thẳng.
Ngày 9/2, Tổng thống Nga Medvedev tuyên bố sẽ chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ lợi ích của Nga tại Nam Kurin. Theo đó, “các quần đảo này thuộc lãnh thổ của Liên bang Nga và chủ quyền của Nga là lâu dài. Chúng tôi sẽ triển khai lực lượng quân sự đủ để tăng cường sự hiện diện trên đảo Kurin. Đây là một trong những ưu tiên chiến lược của Nga trong thời gian tới”.
Tổng thống Nga còn kêu gọi các nước láng giềng của Nga ở khu vực Thái Bình Dương đầu tư vào Nam Kurin.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cũng lên tiếng kêu gọi người dân Nhật Bản tổ chức các cuộc biểu tình phản đối tuyên bố chủ quyền của Nga đối với các hòn đảo ở phía Nam Kurin.
Ông Naoto Kan hy vọng, chiến dịch đòi trả lại vùng lãnh thổ phía Bắc của Nhật Bản sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ trên toàn quốc và ông cho rằng chiến dịch này đang trở thành một động lực mạnh mẽ trong các cuộc đàm phán với Nga.
Đây không phải lần đầu tiên quan hệ Nga - Nhật căng thẳng do những tranh cãi liên quan đến chủ quyền quần đảo tranh chấp này. Tuy nhiên, chưa khi nào, cuộc tranh cãi trở nên quyết liệt như hiện nay. Quần đảo Nam Kurin là khu vực giàu tài nguyên và có ý nghĩa chiến lược với cả đôi bên.
Liệu những bất đồng trong quan hệ Nga - Nhật có được hóa giải sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Nhật Bản hay không đang được dư luận khu vực trông đợi. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra trong những ngày qua thì chuyến đi tới Nga của ông Maehara chưa chắc đã đạt nhiều kết quả./.