Quốc hội chuyển giao, kế thừa và phát triển

Kế thừa và phát huy những thành tựu của Quốc hội khoá trước là những mong đợi của cử tri đối với Quốc hội khoá XIII.  

Kỳ họp thứ 9 - kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII đang diễn ra với nhiệm vụ trọng tâm là thảo luận, xem xét các báo cáo công tác cả nhiệm kỳ của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước.  Dù thời gian hoạt động bị rút ngắn hơn so với những nhiệm kỳ trước, song những kết quả mà Quốc hội đã làm được là rất đáng nghi nhận. Kế thừa những thành tựu của Quốc hội khoá trước, đồng thời phát huy tốt hơn trong mọi mặt hoạt động chính là những mong đợi của cử tri đối với Quốc hội khoá XIII.

Nét đổi mới nổi bật của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII là không khí thảo luận, tranh luận tại diễn đàn Quốc hội thực sự dân chủ và thẳng thắn. Quốc hội khoá XII cũng đã tạo dựng được những cơ chế mới, tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội tham gia tốt hơn vào hoạt động của Quốc hội. Nhiều đại biểu Quốc hội đã để lại dấu ấn nghị trường bằng những cơ sở khoa học, lập luận chặt chẽ, sắc bén với quan điểm lập trường táo bạo.

Với nhiệm kỳ 4 năm, Quốc hội đã thông qua được 68 luật, 12 nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 13 Pháp lệnh và 7 Nghị quyết. Công tác lập pháp tiếp tục có những bước tiến, đổi mới quy trình, đảm bảo cả chất lượng và số lượng. Việc giám sát theo chuyên đề, chất vấn theo nhóm vấn đề đã có tác động tích cực đến cuộc sống, những vấn đề đặt ra được giải quyết thấu đáo hơn. Lần đầu tiên Hội đồng dân tộc và một số Ủy ban tổ chức điều trần. Đây cũng là một phương thức hoạt động mới được các chuyên gia đánh giá cao, nhất là khi mà thời gian dành cho chất vấn tại mỗi kỳ họp không nhiều, trong khi đó bao nhiêu vấn đề nóng trong cuộc sống được đặt ra.

Trong nhiệm kỳ qua Quốc hội đã làm tốt chức trách nhiệm vụ, góp phần vào công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nền kinh tế giữ được mức tăng trưởng khá, an sinh xã hội đảm bảo, quốc phòng trật tự an toàn xã hội được giữ vững, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên. Song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do tình hình biến động trên thế giới, trong nước thiên tai, dịch bệnh xảy ra; giá cả nhiều mặt hàng tăng cao đã tác động tiêu cực đến sản xuất, đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, gia đình chính sách, người thu nhập thấp, người về hưu, cán bộ, công chức, viên chức...

Trước mắt để đảm bảo mục tiêu có được một Quốc hội thực sự mạnh mẽ, trí tuệ, ngang tầm với nhiệm vụ cách mạng thời kỳ mới thì ngay từ bây giờ, công tác bầu cử đại  biểu Quốc hội phải được làm tốt. Ngoài việc cơ cấu đại biểu phù hợp, tăng cường đại biểu chuyên trách, Quốc hội cần dành nhiều thời gian để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, nắm bắt kịp thời thực tế cuộc sống,  nhất là những bức xúc những vấn đề nhạy cảm để phối hợp với các cơ quan chức năng tháo gỡ.

Những mong muốn mang tính nhiệm kỳ là những vấn đề gắn cụ thể với chức năng nhiệm vụ, cơ bản của Quốc hội. Đó là nắm bắt kịp thời sự phát triển của kinh tế xã hội, để cải cách công tác lập pháp một cách hiệu quả, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội và hội nhập quốc tế. Nêu cao tinh thần thực hiện nhiệm vụ giám sát tối cao, với phương pháp khoa học, chủ động, sáng tạo. Tập trung trí tuệ có luận cứ khoa học xác đáng để quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là trong tình hình hiện nay: dân số tăng cao, tình hình kinh tế, xã hội đối mặt với nhiều thách thức; tình hình thế giới diễn biến phức tạp; các thế lực thù địch vẫn chưa từ bỏ âm mưu, thủ đoạn chống phá công cuộc xây dựng CNXH của nhân dân ta; nguy cơ biến đổi của khí hậu đang hiện hữu…

Để Quốc hội khoá XIII đáp ứng mong muốn của cử tri, mỗi cử tri cần có hành động tích cực, nêu cao ý thức công dân, thực hiện quyền và nghĩa vụ trong cuộc bầu cử sắp tới, sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu về đức, tài và tâm huyết bầu vào Quốc hội khoá XIII./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên