Quốc vương Saudi Abbia lần đầu thăm Nga: Năng lượng là bàn đạp
VOV.VN -Đối với cả Nga và Saudi Arabia, chuyến thăm có thể là dịp để thắt chặt mối quan hệ lỏng lẻo hiện nay giữa hai nước.
Theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Quốc vương Saudi Arabia Salman tối (4/10 theo giờ địa phương) đã tới thủ đô Moscow, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nga nhằm phát triển mối quan hệ song phương vốn từ lâu đã rơi vào “điểm chết”. Đây cũng là chuyến thăm Nga đầu tiên của một vị Quốc vương Saudi Arabia đương nhiệm.
Quốc vương Saudi Arabia Salman tối 4/10 đã tới thủ đô Moscow, bắt đầu chuyến thăm Nga (Ảnh: Sputnik)
Sau nhiều lần trì hoãn, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Saudi Arabia, được cả hai bên đánh giá là mang tính lịch sử, có thể xem là một chiến thắng đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đó là việc nhận được sự thừa nhận của đồng minh chính của Mỹ tại vùng Vịnh về ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga tại Trung Đông, nhất là sau cuộc can thiệp quân sự vào Xyri cách đây 2 năm. Số phận của Tổng thống Syria Bachar Al-Assad, đồng minh của Nga nhưng lại là kẻ thù của Saudi Arabia tiếp tục gây chia rẽ song không còn là rào cản cho mối quan hệ hai nước. Minh chứng là chuyến thăm đầu tiên của Quốc vương Salman tới Nga, 10 năm sau chuyến đi duy nhất của Tổng thống Nga tới Saudi Arabia năm 2007.
Có thể nói, quan hệ giữa hai nước chưa bao giờ được coi là thực sự gần gũi và cuộc khủng hoảng tại Syria bùng phát năm 2010 thậm chí còn làm xấu đi mối quan hệ này. Đối với cả Nga và Saudi Arabia, chuyến thăm có thể là dịp để thắt chặt mối quan hệ lỏng lẻo hiện nay. Bởi nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin muốn tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột nhằm chấm dứt cuộc can thiệp gây tốn kém kiện nay. Mà làm được điều này, Nga cần có Saudi Arabia.
Chuyên gia phân tích Alexandre Choumiline, Giám đốc trung tâm phân tích xung đột Trung Đông của Nga cho rằng, đối với nước này, khôi phục tiếp xúc với các quốc gia vùng Vinh là rất quan trọng. Nga, với việc can thiệp vào Syria có thể nói là đã đối đầu với thế giới của người Sunni và hiện Nga muốn khôi phục lại mối quan hệ này. Và không chỉ Syria, mà Nga thời gian qua cũng tích cực trong giải quyết nhiều vấn đề nóng của khu vực và bước đầu nhận được sự công nhận của nhiều nước.
Quốc vương Saudi Arabia lần đầu viếng thăm Nga
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong chuyến thăm Saudi Arabia hồi đầu tháng 9 vừa qua cũng kêu gọi khôi phục sự đoàn kết của khu vực, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng vùng Vịnh hiện nay: "Chúng tôi đã khẳng định lập trường của mình là ủng hộ việc giải quyết căng thẳng thông qua đàm phán nhằm đi tới một giải pháp đáp ứng được mối quan tâm, cũng như lợi ích của tất cả các bên. Chúng tôi tin rằng, mối quan tâm chung của tất cả các bên là khôi phục sự thống nhất của các nước trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh"
Về phía Saudi Arabia, nước này cũng có những lợi ích nhất định. Mục đích là nhằm ngăn chặn việc xây dựng một mối quan hệ bền vững hơn giữa Nga và Iran, cũng như thu hút Nga về phía thế giới của người Sunni. Vào thời điểm hiện nay, Saudi Arabia nhận thấy, căng thẳng giữa Nga và Iran quanh vấn đề Syria là không hề ít và muốn lợi dụng điểm này để lôi kéo Nga.
Hơn nữa, trong bối cảnh, quan hệ giữa Saudi Arabia và đồng minh Mỹ đang ngày càng xuất hiện nhiều rạn nứt, thì cơ hội cho quan hệ Nga- Saudi Arabia càng lớn. Truyền thông Mỹ thời gian qua cũng cho những bình luận cho rằng, Saudi Arabia không còn là “người bạn gần gũi” nữa của Mỹ, với lưu ý chính sự bùng nổ của ngành công nghiệp dầu, khí đá phiến mà Mỹ đi tiên phong đã hủy hoại vị thế của Saudi Arabia trên thị trường năng lượng quốc tế.
Và chính vấn đề năng lượng, mà cụ thể là dầu mỏ là “bàn đạp” cho mối quan hệ hai nước. Kể từ đầu năm, Saudi Arabia và Nga đã dẫn dắt các quốc gia sản xuất đầu mỏ đi tới chính sách cắt giảm sản lượng, với mục tiêu là tăng giá dầu. Ngay ngày hôm qua, trước thềm chuyến thăm của Quốc vương Saudi Arabia, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ủng hộ việc gia hạn chính sách này ít nhất là tới cuối năm 2018. Thách thức là quan trọng đối với 2 nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ dầu mỏ này.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, Quốc vương Salman kể từ khi lên ngôi năm 2015 đã cho thấy sự khác biệt với vương triều trước. Sau khi giải tán chính phủ, thay thế giám đốc điều hành 2 tập đoàn lớn nhất nước là SABIC và Saudi Aramco, Quốc vương Salman dường như đã có sự thay đổi trong chính sách ngoại giao, nhất là với Nga. Nhiều quan chức nước này và cả các thành viên hoàng gia từng nhiều lần tuyên bố, xem Nga là một trong những nước quan trọng trong thế giới đương đại và nhấn mạnh chiều dài lịch sử trong quan hệ hai nước. Đó là việc Liên bang Xô-viết trước đây chính là nước đầu tiên công nhận Nhà nước Saudi Arabia năm 1962./.
Sau 2 năm không kích, Nga xoay chuyển cục diện cuộc chiến ở Syria