Rào cản lớn khiến Trung Quốc khó lấp đầy khoảng trống do Mỹ để lại ở Afghanistan

VOV.VN - Trung Quốc được cho là đang suy tính các bước nhằm mở rộng ảnh hưởng và lấp đầy khoảng trống của Mỹ tại Afghanistan một khi quân đội Mỹ và NATO rút hết quốc gia này.

Khoảng trống địa chính trị tại Afghanistan

Ngày 2/7 vừa qua, toàn bộ binh sỹ Mỹ đã rời khỏi căn cứ không quân Bagram, Afghanistan sau gần 20 năm hiện diện tại đây. Bagram là căn cứ quân sự lớn nhất của các lực lượng Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Afghanistan, có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh cho thủ đô Kabul. Các quan chức an ninh Mỹ cho biết, dù thời hạn rút quân là trước ngày 11/9/2021 nhưng phần lớn quân đội Mỹ rời khỏi quốc gia này trước ngày 4/7.

Việc Mỹ rút khỏi Afghanistan sẽ tạo ra một khoảng trống địa chính trị - kết quả không thể tránh khỏi của bất kỳ cuộc rút lui nào. Điều này sẽ tạo cho Trung Quốc cơ hội để gia tăng ảnh hưởng tại Afghanistan một cách sâu rộng nhờ Sáng kiến Vành đai và Con Đường (BRI).

The Daily Beast dẫn một số nguồn tin thân cận với chính phủ Afghanistan cho biết, Trung Quốc đang tăng cường đối thoại với chính quyền Kabul để mở rộng Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) trị giá 62 tỷ USD – một trong những dự án hàng đầu thuộc BRI, bao gồm việc xây dựng các tuyến đường cao tốc, đường sắt và đường ống dẫn năng lượng giữa Pakistan và Trung Quốc và từ 2 quốc gia này tới Afghanistan.

Một trong những kế hoạch cụ thể đang được thảo luận là việc xây dựng tuyến đường lớn do Trung Quốc tài trợ, kết nối Afganistan với thành phố Peshawar, nằm ở phía tây bắc Pakistan.

“Đã có một cuộc thảo luận về việc xây dựng tuyến đường cao tốc Peshawar-Kabul giữa các nhà chức trách của Afghanistan và Trung Quốc. Sự liên kết giữa hai thành phố này bằng đường bộ đồng nghĩa với việc Afghanistan sẽ chính thức gia nhập CPEC”, The Daily Beast dẫn một nguồn tin giấu tên nêu rõ.

Từ trước đến nay, Bắc Kinh luôn quan tâm đến việc mở rộng BRI sang Afghanistan và từng kêu gọi Kabul tham gia sáng kiến trong ít nhất nửa thập kỷ qua. Tuy nhiên, chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn vẫn chần chừ vì lo ngại việc gia nhập BRI sẽ khiến Washington tức giận.

“Đã có sự tiếp xúc liên tục giữa chính phủ Trung Quốc và chính phủ Afghanistan trong vài năm qua. Điều đó khiến Mỹ hoài nghi chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani”, một nguồn tin giấu tên cho biết. Giờ đây sự tiếp xúc ngày càng gia tăng khi các lực lượng Mỹ rời đi bởi “Tổng thống Ghani cần một đồng minh có các nguồn lực vững chắc, tầm ảnh hưởng lớn và có khả năng hỗ trợ quân sự cho chính phủ của ông”.

Nói cách khác, ở phía sau hậu trường, chính phủ Afghanistan đang mở rộng vòng tay chào đón Trung Quốc sau khi nói lời tạm biệt với Mỹ.

Cơ hội lớn cho Trung Quốc

Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố kế hoạch rút toàn bộ lực lượng Mỹ ra khỏi Aghanistan trước ngày 11/9, vào tháng 6/2021, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên xác nhận rằng, Trung Quốc đang thảo luận với các bên thứ 3, trong đó có Afghanistan về việc mở rộng CPEC.

Theo Sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Quốc muốn kết nối châu Á với châu Phi và châu Âu thông qua mạng lưới đường bộ và đường biển trải dài 60 quốc gia. Sáng kiến này không chỉ thúc đẩy việc kết nối liên châu lục mà còn giúp Bắc Kinh vươn xa tầm ảnh hưởng ra toàn thế giới, với chi phí ước tính lên tới 4.000 tỷ USD. Afghanistan nằm ở vị trí chiến lược, có thể đóng vai trò như một trung tâm thương mại kết nối Trung Đông, Trung Á và châu Á, cung cấp cho Trung Quốc điều kiện lý tưởng để thực hiện tham vọng của mình.

“Trung Quốc đã từng bước vun đắp quan hệ với nhiều nhà lãnh đạo chính trị để giành được sự ủng hộ của họ cho các dự án Afghanitan. Bắc Kinh luôn mong muốn kết nối Afghanistan với BRI. Tuy nhiên, tình hình chính trị tại quốc gia Nam Á này đầy rẫy sự rạn nứt và chia rẽ. Sẽ có lãnh đạo của một số nhóm sắc tộc phản đối BRI, không phải vì họ nhìn thấy điều bất lợi mà bởi các tác nhân bên ngoài muốn ngăn chặn sáng kiến này”.

Một nhân viên cấp cao trong cơ quan đối ngoại của Afghanistan cho biết, cách đây 5 năm, các quan chức Trung Quốc đã làm việc với Ngoại trưởng Afghanistan Salahuddin Rabbani để thảo luận về việc gia hạn CPEC và BRI. Nhưng sau đó, Đại sứ Ấn Độ và Đại sứ Mỹ tại Afghanistan được cho là đã gây sức ép để ông Rabbani phải hoãn lại các cuộc đàm phán với phía Trung Quốc. Còn một nhà ngoại giao khác thì công khai cáo buộc Tổng thống Ghani đứng về phía Trung Quốc và cung cấp cho họ các nguồn tài nguyên của Afghanistan. Cuối cùng, cuộc đàm phán đã bị dừng lại.

Hiện tại, khi quân đội Mỹ rậm rịch rời đi, Trung Quốc đang ở một tình thế vô cùng thuận lợi để tiếp tục kế hoạch của nước này và khuyến khích Kabul tham gia BRI, đặc biệt nếu sự rút lui của Washington làm gia tăng lo ngại lực lượng Taliban sẽ thành lập một đế chế riêng tại Afghanistan. Kể từ tháng 2/2020, khi chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thỏa thuận hòa bình với Taliban, các quan chức Trung Quốc được cho là đã thường xuyên liên lạc với đại diện của nhóm này.

“Taliban nhiều khả năng sẽ đồng thuận trong việc hợp tác với Trung Quốc. Nhưng các quốc gia khác trong khu vực lại đang cố gắng tập hợp những thủ lĩnh có lập trường đối đầu thay vì lập trường hòa bình với Taliban”, The Daily Beast dẫn một nguồn tin cho biết.

Trong khuôn khổ chiến lược thúc đẩy Afghanistan tham gia BRI, Trung Quốc đã khởi động một số dự án quan trọng, trong đó có việc xây dựng sân bay Taxkorgan trên Cao nguyên Pamirs ở tây bắc Khu tự trị Tân Cương, giáp biên giới với Afghanistan. Bắc Kinh cũng là nhà xây dựng và vận hành cảng biển Gwadar ở tỉnh Balochistan của Pakistan, giáp ranh với Afghanistan. Cả Taxkorgan và Gwadar đều đang được phát triển theo CPEC.

Những thách thức Bắc Kinh cần vượt qua

Ông Michael Kugelman, Phó Giám đốc phụ trách Nam Á của Trung tâm Wilson có trụ sở ở Washington cho rằng: “Việc Mỹ rút quân đã mang lại cho Trung Quốc một cơ hội chiến lược. Chắc chắn sẽ có khoảng trống cần được lấp đầy, nhưng chúng ta không nên phóng đại khả năng lấp đầy của Bắc Kinh. Trong lúc tình hình an ninh tại Afghnistan diễn biến phức tạp, có nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát, những gì Trung Quốc có thể làm hiện giờ là củng cố dấu ấn của nước này”.

Nhưng Bắc Kinh vẫn có một hậu thuẫn vô cùng quan trọng. Là đối tác chiến lược của Bắc Kinh, Pakistan có thể chứng minh là “con át chủ bài” giúp Trung Quốc giành thắng lợi trong cuộc chơi cuối cùng tại Afghanistan. Sudha Ramachandran, một nhà phân tích về các vấn đề an ninh và chính trị Nam Á nhận định: “Trung Quốc có thể gặt hái được nhiều thành công hơn Mỹ ở Afghanistan nhờ mối quan hệ chặt chẽ và tầm ảnh hưởng to lớn với Pakistan ”.

Trái với quan điểm này, chuyên gia Kugelman giải thích rằng, khả năng của Trung Quốc nhằm tăng cường dấu ấn tại Afghanistan sẽ “phụ thuộc rất nhiều vào việc nước này có đạt được thỏa thuận với Taliban. Nếu Taliban chấp thuận để Trung Quốc tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng và các dự án khác ở Afghanistan thì Bắc Kinh sẽ có cơ hội tốt hơn nhiều”.

“Trung Quốc cũng có thể khuyến khích Taliban tham gia BRI, bởi lực lượng này từng cho biết, họ sẽ ủng hộ các dự án phát triển nếu chúng phục vụ lợi ích quốc gia của Afghanistan”, chuyên gia Kugelman nói.

Sau tất cả, điều mà Trung Quốc thực sự cần để mở rộng BRI tới Afghanistan chính là hòa bình. Bắc Kinh đã đề xuất cung cấp các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng trị giá hàng tỷ USD cho Taliban để đổi lấy hòa bình tại Afghanistan.

“Nhưng Taliban không phải thách thức duy nhất mà Trung Quốc cần phải vượt qua. Còn rất nhiều thế lực khác, bao gồm cả các lực lượng chống đối và ủng hộ chính phủ tại Afghanistan. Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với một môi trường an ninh nhiều biến động, ngay cả khi họ thuyết phục được Taliban tham gia các dự án của mình”, chuyên gia Kugelman nói.

Các tài sản chiến lược như sân bay Taxkorgan và cảng biển Gwadar sẽ củng cố cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, giúp nước này đạt được các mục tiêu kinh tế và an ninh lâu dài trong khu vực. Tuy nhiên, hòa bình vẫn là chìa khóa cho kế hoạch tổng thể của Bắc Kinh tại Afghanistan sau khi quân đội Mỹ rút hết khỏi quốc gia này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mỹ tìm cách tái định cư cho hàng nghìn người Afghanistan từng làm việc cho lực lượng Mỹ
Mỹ tìm cách tái định cư cho hàng nghìn người Afghanistan từng làm việc cho lực lượng Mỹ

VOV.VN - Mỹ đang thảo luận với 3 nước Trung Á nhằm tái định cư tạm thời cho hàng nghìn nhân viên người Afghanistan từng làm nhiệm vụ biên dịch, phiên dịch cho quân đội Mỹ tại nước này.

Mỹ tìm cách tái định cư cho hàng nghìn người Afghanistan từng làm việc cho lực lượng Mỹ

Mỹ tìm cách tái định cư cho hàng nghìn người Afghanistan từng làm việc cho lực lượng Mỹ

VOV.VN - Mỹ đang thảo luận với 3 nước Trung Á nhằm tái định cư tạm thời cho hàng nghìn nhân viên người Afghanistan từng làm nhiệm vụ biên dịch, phiên dịch cho quân đội Mỹ tại nước này.

Lập trường của những “người trong cuộc” sau khi Mỹ giao căn cứ lớn nhất cho Afghanistan
Lập trường của những “người trong cuộc” sau khi Mỹ giao căn cứ lớn nhất cho Afghanistan

VOV.VN - Việc Mỹ chuyển giao căn cứ quân sự lớn nhất cho Afghanistan là một dấu mốc quan trọng với Washington, trong khi với Taliban, đây là một bước tiến tích cực hướng tới hòa bình, còn người dân Afghanistan thì lạc quan thận trọng.

Lập trường của những “người trong cuộc” sau khi Mỹ giao căn cứ lớn nhất cho Afghanistan

Lập trường của những “người trong cuộc” sau khi Mỹ giao căn cứ lớn nhất cho Afghanistan

VOV.VN - Việc Mỹ chuyển giao căn cứ quân sự lớn nhất cho Afghanistan là một dấu mốc quan trọng với Washington, trong khi với Taliban, đây là một bước tiến tích cực hướng tới hòa bình, còn người dân Afghanistan thì lạc quan thận trọng.

Mỹ xác nhận chuyển giao căn cứ lớn nhất cho lực lượng quốc phòng và an ninh Afghanistan
Mỹ xác nhận chuyển giao căn cứ lớn nhất cho lực lượng quốc phòng và an ninh Afghanistan

VOV.VN - Hôm qua (2/7), toàn bộ binh sỹ Mỹ đã rời khỏi căn cứ không quân Bagram, Afghanistan sau gần 20 năm hiện diện tại đây.

Mỹ xác nhận chuyển giao căn cứ lớn nhất cho lực lượng quốc phòng và an ninh Afghanistan

Mỹ xác nhận chuyển giao căn cứ lớn nhất cho lực lượng quốc phòng và an ninh Afghanistan

VOV.VN - Hôm qua (2/7), toàn bộ binh sỹ Mỹ đã rời khỏi căn cứ không quân Bagram, Afghanistan sau gần 20 năm hiện diện tại đây.