Rộ tin Iran cung cấp tên lửa cho Nga, Mỹ và châu Âu đứng ngồi không yên
VOV.VN - Theo các quan chức Mỹ và châu Âu, lô hàng mới nhất Iran chuyển cho Nga bao gồm vài trăm tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Tehran có nhiều loại vũ khí như vậy, với tầm bắn lên tới khoảng 800km.
Tờ Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Mỹ và châu Âu nói rằng, Iran đã gửi tên lửa đạn đạo tầm ngắn cho Nga. Động thái này diễn ra khi Nga tăng cường các cuộc tấn công bằng tên lửa vào các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraine trong những ngày gần đây.
Giới chức châu Âu cho biết Mỹ đã thông báo với các đồng minh về các chuyến hàng của Iran trong tuần này, bao gồm cả việc trao đổi với đại sứ các nước ở Washington hôm 5/9.
Iran trở thành nguồn cung cấp tên lửa cho Nga?
“Chúng tôi đã cảnh báo về mối quan hệ đối tác an ninh ngày càng sâu sắc giữa Nga và Iran kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát và rất lo ngại về những báo cáo này. Chúng tôi và các đối tác đã nêu rõ tại hội nghị thượng đỉnh G7 và NATO vào mùa hè này rằng chúng tôi sẽ cùng nhau đưa ra những biện pháp trừng phạt đáng kể. Việc chuyển giao tên lửa cho Nga cho thấy Iran ủng hộ Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine”, Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Sean Savett cho biết.
Iran phủ nhận việc chuyển giao tên lửa đạn đạo để Nga sử dụng trong xung đột ở Ukraine.
“Iran không tham gia vào các hành động như vậy, nhưng cũng kêu gọi các quốc gia khác ngừng cung cấp vũ khí cho các bên tham gia vào cuộc xung đột”, người phát ngôn của phái bộ Iran tại Liên Hợp Quốc ở New York cho biết.
Đại sứ quán Nga tại Washington hiện chưa bình luận về thông tin trên.
Việc chuyển giao tên lửa cho Nga có thể có tác động tiêu cực đến hy vọng của chính phủ mới ở Iran trong việc xoa dịu căng thẳng với phương Tây. Tân Tổng thống Masoud Pezeshkian đã nói rằng ông hy vọng sẽ cải thiện nền kinh tế Iran bằng cách có được sự nới lỏng lệnh trừng phạt từ châu Âu và Mỹ.
Mối quan hệ quân sự giữa Iran với Nga chủ yếu do Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) giám sát.
Hồi tháng 3, các nhà lãnh đạo Nhóm G7 cảnh báo sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt phối hợp đối với Iran nếu nước này chuyển giao tên lửa cho Nga.
Theo các quan chức phương Tây, lô hàng mới nhất bao gồm vài trăm tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Iran có nhiều loại vũ khí như vậy, với tầm bắn lên tới khoảng 800km.
Các đợt giao hàng diễn ra trong bối cảnh hệ thống phòng không ít ỏi của của Ukraine đang chật vật đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga.
Theo phân tích của WSJ dựa trên dữ liệu từ Không quân Ukraine, trong 6 tháng tính đến tháng 3 năm nay, Ukraine chỉ bắn hạ 10% tên lửa đạn đạo do Nga phóng.
Tên lửa đạn đạo quá nhanh và mạnh, khiến hầu hết các hệ thống phòng không khó có thể đánh chặn. Patriot là giải pháp đáng tin cậy nhất của Ukraine để đánh chặn những tên lửa này, nhưng Kiev chỉ có số lượng hạn chế các hệ thống này.
Ông Fabian Hinz, nhà nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London, cho biết tên lửa của Iran có thể được sử dụng cùng với bom lượn và UAV của Nga để áp đảo Ukraine trên chiến trường.
Mỹ và châu Âu cảnh báo trừng phạt
Giới chức châu Âu ngày 6/9 cho biết họ đang làm việc với các đối tác Mỹ để áp dụng trừng phạt bổ sung đối với Iran. Do động thái của Tehran được dự đoán từ vài tháng trước, công tác chuẩn bị cho các biện pháp như vậy đã được thực hiện vào mùa hè.
Châu Âu có khả năng cấm hãng hàng không quốc gia Iran (Iran Air) bay đến các sân bay trên lục địa này, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến các mối quan hệ thương mại còn lại. Châu Âu cũng chuẩn bị nhắm mục tiêu vào một loạt doanh nghiệp và cá nhân Iran có liên quan đến việc chuyển giao tên lửa, bao gồm các công ty vận tải.
Đầu năm nay, các quan chức EU nói rằng việc Iran chuyển giao tên lửa cho Nga sẽ là một “ranh giới đỏ” có thể khiến họ trực tiếp hủy bỏ việc nới lỏng trừng phạt Iran theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Tuy nhiên, một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu tuần trước cho biết ngoài lĩnh vực hàng không, các mối quan hệ kinh tế hoặc ngân hàng với Iran sẽ không bị cắt đứt.
EU, Mỹ và Vương quốc Anh đã áp đặt một loạt biện pháp lệnh trừng phạt có mục tiêu đối với Iran và Nga khi Tehran chuyển giao UAV cho Moscow.
Trong 18 tháng qua Mỹ đã tổ chức các cuộc đàm phán định kỳ với Iran do các quan chức Oman làm trung gian, đồng thời cảnh báo Tehran về việc chuyển giao tên lửa. Các quan chức Mỹ đã nói rằng họ đang tìm cách tiếp tục các cuộc trao đổi đó trong những tháng tới.
Việc Nga muốn có tên lửa Iran trở nên rõ ràng hơn vào tháng 12/2023 khi một phái đoàn Nga đến thăm một khu vực huấn luyện ở Iran để thị sát tên lửa đạn đạo và các thiết bị liên quan, bao gồm tên lửa Ababil tầm ngắn.
Chuyến thăm đó diễn ra sau chuyến đi vào tháng 9 của ông Sergei Shoigu, khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng Nga, đến trụ sở của lực lượng hàng không vũ trụ IRGC tại Tehran. Ông Shoigu đã thị sát tên lửa Ababil và các hệ thống tên lửa khác. Ông cũng gặp Thiếu tướng Mohammad Bagheri, Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Iran và nói rằng quan hệ Nga-Iran đang đạt đến một tầm cao mới.
Ông Michael Singh, cựu Giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề Trung Đông tại Hội đồng An ninh Quốc gia, cho rằng Washington và các đồng minh cần làm nhiều hơn chứ không chỉ đơn giản là áp đặt các lệnh trừng phạt để đáp trả.
“Thích hợp hơn sẽ là lệnh cấm tên lửa, hoặc nếu không thể, cần tăng cường các nỗ lực để ngăn chặn Iran nhập khẩu các thành phần cần thiết để duy trì chương trình tên lửa của họ”, ông Singh quan điểm.