Sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nêu bật vai trò tích cực của Ấn Độ trong khu vực
VOV.VN - Sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương do chính phủ Ấn Độ khởi xướng cùng một loạt chương trình nghị sự song phương và đa phương do Ấn Độ thực hiện thời gian qua đang làm nổi bật hơn vai trò của nước này ở khu vực.
Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được đánh giá là khu vực đang đóng vai trò then chốt của tình hình địa chính trị thế giới hiện nay và đang là “điểm đến” sôi động của ngoại giao quốc tế. Trong bức tranh ấy, Ấn Độ đang nổi lên với vai trò trung tâm, kết nối các mối quan hệ từ Tây sang Đông, từ các nước lớn đến các quốc gia tầm trung có vai trò không nhỏ đối với cấu trúc an ninh khu vực.
Trong khuôn khổ Đối thoại 3 bên gồm Ngoại trưởng Ấn Độ, Pháp và Australia ở thủ đô New Delhi vào ngày 13/4, các nước thảo luận về Sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương do chính phủ Ấn Độ khởi xướng. Sáng kiến này cùng một loạt chương trình nghị sự song phương và đa phương do Ấn Độ thực hiện thời gian qua đang làm nổi bật hơn vai trò của nước này ở khu vực.
Nội dung Sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Đối thoại Raisina - diễn đàn quốc tế thường niên do Ấn Độ tổ chức khai mạc hôm 13/4 theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của nhiều quan chức cấp cao thế giới, các học giả, chuyên gia bàn về các vấn đề toàn cầu cấp bách đang cần giải quyết.
Sự kiện này được tổ chức đúng dịp Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian thăm Ấn Độ và ông dự kiến sẽ có bài phát biểu tại Đối thoại Raisina. Trong bài phát biểu, ngoại trưởng Pháp có thể sẽ công bố ưu tiên đối ngoại mới của nước Pháp. Đó là nước Pháp sẽ can dự và tham gia nhiều hơn vào các vấn đề tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Đây sẽ là sự thay đổi chiến lược của nước Pháp và châu Âu sau những thay đổi, biến động tại khu vực này hơn 1 năm qua. Nó cũng đồng điệu với chiến lược đối ngoại và an ninh mà Ấn Độ đang triển khai, thể hiện qua Sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà nước này khởi xướng.
Sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố lần đầu trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 1/6/2018 tại Singapore. Một năm sau đó, ông Modi một lần nữa đề cập ý tưởng này tại hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Bangkok, Thái Lan ngày 4/11/2019.
Nhà lãnh đạo Ấn Độ đề xuất “một nỗ lực hợp tác để chuyển các nguyên tắc của khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương thành các hành động cụ thể nhằm đảm bảo môi trường hàng hải chung”. Đề xuất này cũng chuyển đổi khái niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Ấn Độ thành các biện pháp hợp tác thực tế và có thể thực thi trong lĩnh vực hàng hải.
Sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Ấn Độ gồm có 7 trụ cột gồm: An ninh biển, hệ sinh thái biển, tài nguyên biển, xây dựng năng lực và chia sẻ tài nguyên, quản lý và giảm rủi ro thảm họa, hợp tác công nghệ và thương mại, và kết nối, vận tải biển.
Cách tiếp cận của Ấn Độ trong chiến lược này là bao trùm, vượt lên các vấn đề an ninh truyền thống hay các thách thức địa chính trị. Ấn Độ còn muốn thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề môi trường liên quan tới biển và đại dương. Thông qua Sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, ý định của Ấn Độ ở đây là người chủ trì, điều phối hợp tác khu vực và không chỉ trong nội bộ khu vực, đặc biệt là với các quốc gia nhỏ hơn.
Đối thoại Raisina 2021 đang diễn ra là nơi phù hợp cả về mặt thời điểm và không gian để các cường quốc như Pháp, Australia đưa ra chiến lược can dự của mình vào khu vực Ấn Độ Dương Thái Bình Dương, cũng như thể hiện vai trò cầu nối của chủ nhà Ấn Độ.
Thu hút các đối tác bên ngoài
Việc các đối tác toàn cầu như Pháp, Anh, Đức hay thậm chí cả Liên minh châu Âu (EU), hướng các lợi ích và chiến lược của mình tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là điều tất yếu. Lý do là bởi trọng tâm địa chính trị của thế giới đang dịch chuyển từ không gian châu Âu Đại Tây Dương sang khu vực này. Nơi đây chứng kiến những mâu thuẫn và các vấn đề địa chính trị lớn của thế giới đương đại như cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc, an ninh hàng hải tại biển Đông, biển Hoa Đông, sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng hậu đại dịch Covid-19, hay tranh chấp lãnh thổ Ấn Độ - Trung Quốc. Những biến động này sẽ ảnh hưởng tới lợi ích về lâu dài của các quốc gia và nó đang xác lập nên trật tự thế giới mới trong tương lai.
Sự có mặt của các cường quốc thế giới thế giới tại đây trước tiên là về mặt quân sự, an ninh được dự đoán sẽ mang lại nhiều thay đổi tại khu vực. Trước hết họ đã và đang góp tiếng nói để xác lập trật tự tại khu vực dựa trên tiêu chí như tự do, rộng mở và trên cơ sở luật pháp quốc tế, chống lại sự cưỡng ép và các hình thức bạo lực của bất kỳ bên nào trong quan hệ quốc tế.
Sự trở lại của Nhóm Đối thoại 4 bên về An ninh (nhóm Bộ Tứ - Quad) hơn 1 năm qua là một ví dụ. 4 quốc gia gồm Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Australia đã và đang xây dựng những thành tố của một cơ chế hợp tác khu vực đảm bảo an ninh, tự do. 4 quốc gia này đã gia tăng hợp tác về an ninh hàng hải qua các cuộc tập trận hải quân, qua các thỏa thuận hợp tác về hậu cần, qua các hình thức trao đổi tin tức tình báo… Xa hơn, họ còn thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác hậu đại dịch Covid-19 như xây dựng lại chuỗi cung ứng, hợp tác sản xuất và phân phối vaccine Covid-19… Tất cả những nội dung đó nhằm mục tiêu xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương an ninh hơn, hợp tác, gắn kết hơn dựa trên các giá trị cơ bản như tự do, rộng mở, bao trùm, và trên cơ sở luật pháp.
Sự tham gia của Pháp vào cuộc tập trận La Pérouse cùng 4 quốc gia thuộc nhóm Bộ Tứ hồi tuần trước cho thấy rõ ràng hơn xu hướng này. Châu Âu đang muốn can dự vào đây để bảo vệ lợi ích của mình trong một trật tự mới đang dần định hình.
Vai trò tích cực của Ấn Độ
Trong không gian Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang đầy biến động, Ấn Độ hiện đang thể hiện vai trò một đối tác rất tích cực. Đất nước này có vị trí địa chính trị quan trọng, có tiềm năng hợp tác lớn để giúp định hình tương lai của khu vực, cũng như thế giới.
Lợi ích chiến lược của Ấn Độ cũng gắn liền với an ninh và hòa bình tại khu vực. Ví dụ như tranh chấp biên giới Ấn - Trung thời gian qua, hay những vấn đề an ninh trên các vùng biển khu vực hoặc những biến động về chuỗi cung ứng toàn cầu. 3 ví dụ này cho thấy lý do Ấn Độ cần phải tham gia vào việc thúc đẩy tiến trình xây dựng một cấu trúc khu vực dựa trên các giá trị đã nói.
Trong những năm qua, đặc biệt kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Ấn Độ đã thể hiện năng lực ngoại giao, điều phối các bên có liên quan để hướng tới mục tiêu chung. Ví dụ, nước này nhanh chóng tận dụng sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư khỏi Trung Quốc để mời gọi các doanh nghiệp toàn cầu chuyển sản xuất về đây.
Ấn Độ cũng đang hợp tác cùng Nhật Bản và Australia để hình thành một chuỗi cung ứng mới, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Sự trở lại mạnh mẽ của nhóm Bộ Tứ với các cuộc diễn tập quân sự, các thỏa thuận hậu cần, trao đổi tình báo trong năm qua cũng có vai trò của Ấn Độ.
Tất nhiên, quốc gia nào cũng hành động dựa trên lợi ích của mình, và Ấn Độ đặt nhiều kỳ vọng vào các cơ chế mới sẽ là điểm tựa để nước này trở thành một đối tác lớn trên bàn cờ chiến lược quốc tế cả về chính trị, quốc phòng, an ninh và kinh tế./.