Sau Mỹ và châu Âu, Đông Nam Á sẽ trở thành tâm dịch Covid-19 mới?
VOV.VN - Nhiều chuyên gia lo ngại rằng Đông Nam Á có thể trở thành điểm nóng tiếp theo trong tiến trình lây lan nhanh chóng của dịch bệnh Covid-19.
Số ca mắc Covid-19 tại Đông Nam Á đã gia tăng nhanh chóng trong những tuần gần đây, điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại rằng khu vực có thể trở thành điểm nóng tiếp theo trong tiến trình lây lan nhanh chóng của dịch bệnh.
Nhiều người chen chúc ở bến xe buýt tại Manila, Philippines sau khi thành phố này bị phong tỏa để chống dịch. Ảnh: Reuters. |
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, tại Đông Nam Á đã có hơn 28.000 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tính đến cuối tuần qua. Trong đó, Philippines, Malaysia và Singapore chiếm 87,9% tổng số ca mắc.
Dù tổng số ca mắc trong khu vực vẫn còn kém xa so với hàng trăm nghìn trường hợp tại Mỹ và một số quốc gia châu Âu, nhưng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hàng chục nghìn ca mắc có thể đã không được phát hiện do tỷ lệ xét nghiệm thấp tại những nước như Indonesia và Philippines.
Trong khi đó tại Singapore, số ca bệnh đã gia tăng đột biến trong 2 tuần qua, với các ổ dịch mới được phát hiện trong số những lao động nhập cư sống tại các ký túc xá chật chội. Trước đó, cách thức đối phó với dịch bệnh của chính phủ Singapore được khen ngợi như một hình mẫu đáng để học tập của nhiều quốc gia trên thế giới.
Phát biểu với CNBC, Chủ tịch của Viện nghiên cứu quốc tế Singapore Simon Tay cho biết: “Thực tế là số trường hợp mắc bệnh đang gia tăng với tốc độ nhanh tại Đông Nam Á”. Theo chuyên gia này, chính phủ các nước phải hành động nhanh chóng để ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh: “Chúng ta cần phải hành động. Số lượng xét nghiệm của Philippines và Indonesia hiện giờ vẫn quá thấp”, ông nói.
Năng lực xét nghiệm không đồng đều
Năng lực xét nghiệm virus SARS-CoV-2 không đồng đều trên khắp khu vực Đông Nam Á. Singapore nằm trong top đầu của thế giới với 16.203 xét nghiệm trên 1 triệu người, trong khi Myanmar gần chạm đáy với chỉ 85 xét nghiệm trên 1 triệu người, theo dữ liệu của trang thống kê toàn cầu Worldometers.
Nhưng các chuyên gia đều chỉ ra rằng, Indonesia và Philippines mới là những nước đáng lo ngại vì có đông dân số.
Indonesia, có dân số lớn thứ 4 thế giới với hơn 270 triệu người đã thực hiện tổng cộng 42.000 xét nghiệm. Theo Worldometers, tỷ lệ nói trên tương đương với 154 xét nghiệm trên 1 triệu người, thuộc diện thấp nhất thế giới.
Nhà chức trách Indonesia đã đặt mục tiêu tiến hành 10.000 xét nghiệm mỗi ngày, đồng thời dự đoán số ca mắc có thể lên tới 95.000 khi việc xét nghiệm được tăng cường, Reuters đưa tin.
Tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte tuần trước phê chuẩn việc mua thêm 900.000 bộ kit xét nghiệm, cùng với 100.000 bộ kit sẵn sàng đưa vào sử dụng. Chính phủ Philippines đã thực thi biện pháp phong tỏa chặt chẽ, song cho biết, theo mô hình dịch bệnh của nước này, có thể có khoảng 15.000 trường hợp mắc vẫn chưa được phát hiện.
Từ hình mẫu chống Covid-19 đến ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á: Singapore sai ở đâu?
Vấn đề đáng lo ngại tại Indonesia
Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á thông báo ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên vào đầu tháng 3/2020. Thông tin này đã khiến nhiều nhà quan sát ngạc nhiên bởi Indonesia có sự liên kết mở rộng về hàng không với Trung Quốc và thành phố Vũ Hán – nơi khởi phát dịch bệnh.
Trái lại, các nước láng giềng như Singapore và Malaysia bắt đầu xác định các ca mắc sớm nhất là vào tháng 1, trong đó, nhiều người đã xuất hiện triệu chứng sau khi thăm Indonesia.
Ngoài việc chậm trễ trong tiến hành xét nghiệm, chính phủ của Tổng thống Joko Widodo cũng bị chỉ trích vì không thực hiện biện pháp phong tỏa trên toàn quốc và không cấm việc đi lại trong nước. Dù trước đó Tổng thống Widodo đã cho phép chính quyền thành phố Jakarta và một số khu vực khác thực hiện biện pháp phong tỏa.
“Có vẻ như ông Widodo đã ưu tiên bảo vệ nền kinh tế hơn là ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2”, Brad Bradley Wood, thành viên của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc phòng của Đại học Quốc gia Australia nhận định trong 1 báo cáo hồi đầu tháng 4.
Theo thông lệ, hàng triệu người Indonesia thường đi lại trên khắp đất nước để trở về quê hương vào cuối tháng lễ ăn chay Ramadan, tham gia những bữa tiệc lớn và lễ kỷ niệm cùng với người thân hay bạn bè. Điều đó có thể dẫn đến nguy cơ bùng phát 1 triệu ca mắc tại Java – hòn đảo đông dân nhất của Indonesia, Reuters trích dẫn một mô hình mới được công bố của Đại học Indonesia cho biết.
Tuần trước, Reuters dẫn lời người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Indonesia, Doni Monardo cho biết, chỉ những người thất nghiệp mới được phép đi lại và họ sẽ phải trải qua 14 ngày cách ly bởi theo ông, họ có thể sẽ có được cuộc sống tốt hơn bên ngoài các thành phố lớn.
Số ca mắc gia tăng đột biến tại Singapore
Tại Singapore, số các trường hợp nhiễm mới virus SARS-CoV-2 đã nhiều lần phá vỡ kỷ lục trong tuần qua, bất chấp các biện pháp kiểm dịch và sàng lọc chặt chẽ của chính phủ. Điều này đã nêu bật những thách thức mà Singapore đang phải đối mặt trong việc ngăn chặn dịch bệnh.
Singapore là 1 trong những quốc gia đầu tiên bên ngoài Trung Quốc thông báo về các trường hợp mắc Covid-19 và đã từng hạn chế số lượng ca mắc ở mức tương đối thấp, cho phép các trường học và doanh nghiệp duy trì mở cửa cho đến đầu tháng 4. Hầu hết các ca mắc mới phát hiện thời gian gần đây ở Singapore liên quan đến lao động nhập cư, nhiều người trong số này đến từ Nam Á, làm việc trong lĩnh vực xây dựng.
Leong Hoe Nam, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena ở Singapore cho biết: “Thậy đáng buồn khi sự gia tăng số ca mắc, trong đó có nhiều lao động nhập cư nước ngoài xuất hiện khi chính phủ đã kiểm soát thành công số ca mắc “nhập ngoại” và sự lây lan trong cộng đồng”.
“Chúng tôi đã kiểm soát tốt các ca bệnh từ nước ngoài trở về Singapore. Trong cộng đồng địa phương, số ca mắc cũng kiểm soát được phần nào. Nhưng đối với các lao động nước ngoài sống trong các ký túc xá chúng tôi lại có 1 vấn đề lớn”, ông Leong Hoe Nam phát biểu với CNBC./.