Saudi Arabia - Qatar bình thường hóa quan hệ, vùng Vịnh sẽ yên bình?

VOV.VN - Trong một động thái quan trọng đối với Trung Đông, Saudi Arabia đã đồng ý mở lại không phận, đường bộ và đường biển cho Qatar. Sự ấm lên của quan hệ giữa Saudi Arabia và Qatar được coi là sự thay đổi chính sách lớn của khối Arab do Saudi Arabia lãnh đạo.

Tan băng

Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council - GCC) là một liên minh kinh tế bao gồm sáu quốc gia ở bán đảo Arab: Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Kuwait, Oman và Qatar. Cho rằng Qatar đang "hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố" và họ ở quá gần Iran, ngày 5/6/2017, Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đã áp đặt lệnh phong tỏa đối với quốc gia vùng Vịnh này, đẩy khu vực vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng thấy kể từ sau cuộc chiến Iraq năm 1991, đồng thời bộc lộ những khác biệt sâu sắc về ý thức hệ.

Qatar đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc, nói rằng 'không có lý do chính đáng nào' khiến quan hệ trở nên căng thẳng và cáo buộc các nước láng giềng vi phạm chủ quyền của mình. Năm 2018, Tiểu vương Qatar Al-Thani cho biết tranh chấp là một "cuộc khủng hoảng vô ích", đồng thời, Qatar sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của mình trước bất cứ "sự xâm lược" nào từ các nước láng giềng.

Việc bị các quốc gia phong tỏa và cắt mọi liên kết giao thông và quan hệ thúc đẩy Qatar xích lại gần hơn về mặt ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Cả hai quốc gia này đã vội vã viện trợ lương thực và vật tư y tế cho Doha trong những ngày đầu tiên của lệnh cấm vận. Qatar giàu khí đốt cũng bị ảnh hưởng kinh tế từ cuộc phong tỏa, hãng hàng không quốc gia của họ buộc phải thực hiện các tuyến bay dài hơn và tốn kém hơn. Chưa rõ việc phong tỏa sẽ ảnh hưởng như thế nào đến khả năng đăng cai FIFA World Cup 2022.

Ngày 5/1/2021, Tiểu vương Qatar Al-Thani đã được Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman ôm hôn khi đến Saudi Arabia để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 41 của GCC. Sự chào đón nồng nhiệt báo hiệu việc chấm dứt xung khắc kéo dài giữa Qatar và Saudi Arabia, trong một động thái được các nhà phân tích coi là chủ yếu nhằm tạo ra một khối khu vực để chống lại đối thủ “không đội trời chung” Iran. Mutahar Al-Sofari - một nhà phân tích chính trị Yemen - đánh giá, thỏa thuận hòa giải có thể được mô tả như một giải pháp bán phần cho cuộc khủng hoảng vùng Vịnh.

Các nước GCC đang cố gắng gây thêm áp lực lên Iran và cải thiện vị thế của vùng Vịnh đối với Tehran trong trường hợp Mỹ quyết định thắt chặt phong tỏa kinh tế đối với nước cộng hòa hồi giáo này. Khai mạc hội nghị thượng đỉnh GCC tại thành phố al-Ula lịch sử của Saudi Arabia, bin Salman kêu gọi tập hợp các nỗ lực để chống lại mối đe dọa từ Iran. Người cai trị trên thực tế của vương quốc giàu dầu mỏ này cho biết, các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Iran cũng như "các kế hoạch lật đổ và phá hoại" đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải hành động nghiêm túc.

Bin Salman cho biết, hội nghị thượng đỉnh vùng Vịnh sẽ mang tính “bao trùm”, đưa các quốc gia tiến tới thống nhất và đoàn kết trong việc đương đầu với những thách thức của khu vực, đặc biệt là các mối đe dọa do chương trình hạt nhân của Iran gây ra”. Ngoại trưởng Saudi Arabia và ba đồng minh Arab đã đồng ý khôi phục quan hệ hoàn toàn với Doha tại hội nghị thượng đỉnh. Ngoại trưởng Saudi Arabia nói trong một cuộc họp báo sau đó rằng, có ý chí chính trị và thiện chí để đảm bảo thực hiện thỏa thuận khôi phục quan hệ ngoại giao và các mối quan hệ khác, bao gồm cả việc nối lại các chuyến bay.

Khôi phục quan hệ ngoại giao giữa Saudi Arabia và Qatar là một trong những nỗ lực mới nhất của Washington. Trong một chiến thắng ngoại giao cho Tổng thống Trump, UAE, Bahrain, Sudan và Maroc đã bình thường hóa quan hệ với Israel vào năm 2020. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã hoan nghênh việc mở lại biên giới giữa Qatar và Saudi Arabia - sự kiện diễn ra ngay trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Biden khi Riyadh chuẩn bị cho một chính quyền mới được cho là sẽ có lập trường cứng rắn hơn đối với vương quốc này.

Samuel Ramani - một thành viên không thường trú tại Diễn đàn Quốc tế Vùng Vịnh - cho biết, việc bình thường hóa với Qatar có thể giúp Saudi Arabia có thời gian để thỏa hiệp với chính quyền Biden về các vấn đề khác, như cuộc chiến ở Yemen và khả năng Mỹ tái can thiệp Iran. Có lo ngại rằng mối quan hệ thân thiết của Qatar với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã làm suy yếu an ninh khu vực. Ai Cập và UAE coi sự ủng hộ của Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đối với Tổ chức Anh em Hồi giáo là mối đe dọa an ninh và coi nhóm này là một tổ chức khủng bố. Saudi Arabia và Bahrain chủ yếu lo ngại về mối quan hệ chặt chẽ của Qatar với kẻ thù trong khu vực là Iran.

Có nhiều động cơ cho sự hòa giải giữa Saudi Arabia và Qatar, bao gồm nỗ lực không ngừng của người Kuwait để giải quyết cuộc khủng hoảng, thời gian kéo dài của cuộc khủng hoảng mà không đạt được bất kỳ thay đổi nào trong quan điểm của Qatar, cũng như áp lực của Mỹ, đặc biệt là từ Tổng thống Trump. Việc giảm leo thang là "bước đầu tiên" để bình thường hóa quan hệ với Israel. Tháng 9/2020, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Bahrain đã ký các thỏa thuận do Mỹ làm trung gian để bình thường hóa quan hệ của họ với Israel. Sudan và Maroc cũng đã làm theo.

Jaber Al-Harami - một nhà phân tích chính trị Qatar - cho biết, những thách thức và rủi ro lớn ảnh hưởng đến khu vực đã thúc đẩy các bước thiết thực hướng tới hòa giải vùng Vịnh. Trong ba năm qua, cả Riyadh và Doha đều phải trải qua những thiệt hại lớn do giá năng lượng giảm và đại dịch coronavirus. GCC cũng đã bị tê liệt nặng nề bởi rạn nứt vùng Vịnh vì khối này đã mất rất nhiều ảnh hưởng với việc các nước GCC không hoạt động như một khối thống nhất.

Qatar có căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông và chính quyền của Trump lo ngại sự rạn nứt giữa các đồng minh của Washington trong khu vực làm suy yếu nỗ lực tạo ra một khối khu vực chống lại Iran. Các nhà phân tích tin rằng, chính quyền Trump đã gây áp lực lên các quốc gia vùng Vịnh để giải quyết tranh chấp khi họ tìm cách giành chiến thắng ngoại giao trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức vào ngày 20/1. Jared Kushner - con rể của Trump và cố vấn cấp cao Tổng thống Trump đã được nhìn thấy trong phòng trong cảnh quay trên truyền hình khi thái tử Saudi Arabia đọc bài phát biểu của mình trong hội nghị thượng đỉnh GCC.

Nhiều sóng gió vẫn hiện hữu

Trong khi quyết định của Saudi Arabia chấm dứt lệnh cấm vận đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với việc giải quyết vấn đề vùng Vịnh, con đường hướng tới hòa giải hoàn toàn vẫn chưa hề sán lạn. Rạn nứt giữa Abu Dhabi và Doha đã trở nên sâu sắc nhất, trong đó UAE và Qatar có bất đồng tư tưởng gay gắt. Bộ trưởng Ngoại giao UAE, Anwar Gargash, đã viết trên Tweeter rằng, đất nước của ông rất muốn khôi phục sự thống nhất vùng Vịnh, tuy nhiên, cảnh báo, "chúng tôi còn nhiều việc phải làm và chúng tôi đang đi đúng hướng"…

Hội nghị Thượng đỉnh ​​cũng chứng kiến ​​một số mâu thuẫn giữa Qatar và UAE, Ai Cập và Bahrain. Các quốc gia phong tỏa đã đưa ra một danh sách các yêu cầu đối với Qatar, bao gồm việc đóng cửa mạng tin tức hàng đầu Al-Jazeera và chấm dứt sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar, nơi cũng có căn cứ quân sự lớn của Mỹ. Qatar đã bác bỏ hoàn toàn các yêu cầu và bác bỏ rằng sự ủng hộ của họ đối với các nhóm Hồi giáo thể hiện sự ủng hộ đối với những kẻ cực đoan bạo lực. Các phương tiện truyền thông liên kết với nhà nước ở UAE và Qatar đã tung ra các cuộc tấn công qua lại đầy ác ý .

Qatar cũng ám chỉ UAE đứng sau vụ hack hãng thông tấn nhà nước của họ vào năm 2017, trong khi Đại sứ có ảnh hưởng của UAE tại Washington đã nhìn thấy email của mình sau đó bị tấn công và nội dung bị rò rỉ. Trong một dấu hiệu cho thấy các hành động thù địch tiếp tục âm ỉ, Qatar đã phản đối trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào tháng trước rằng, các máy bay chiến đấu của Bahrain đã “vi phạm” không phận Qatar vào đầu tháng 12. Bahrain, trong khi đó, đã cáo buộc lực lượng bảo vệ bờ biển Qatar tự ý bắt giữ hàng chục tàu cá Bahrain.

Ahmed Hafez - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ai Cập - cho biết, Cairo ủng hộ các nỗ lực đạt được một giải pháp tôn trọng “không can thiệp vào các vấn đề nội bộ” trong một động thái rõ ràng liên quan đến việc Qatar ủng hộ Tổ chức Anh em Hồi giáo. Xung đột ở Libya cũng là một vấn đề gây tranh cãi, với việc Ai Cập và UAE hỗ trợ lực lượng dân quân chống lại một khối có trụ sở tại Tripoli do Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar hậu thuẫn… Xem ra, băng tan, nhưng chưa chắc mặt trời sẽ tỏa nắng…./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cái ôm hóa giải chia rẽ trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh
Cái ôm hóa giải chia rẽ trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh

VOV.VN - Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman đã dành cho Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani cái ôm nồng ấm tại lễ đón diễn ra ở sân bay quốc tế ở thủ đô Riyadh.

Cái ôm hóa giải chia rẽ trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh

Cái ôm hóa giải chia rẽ trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh

VOV.VN - Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman đã dành cho Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani cái ôm nồng ấm tại lễ đón diễn ra ở sân bay quốc tế ở thủ đô Riyadh.

Mỹ khẳng định tàu sân bay USS Nimitz sẽ tiếp tục ở lại Vùng Vịnh
Mỹ khẳng định tàu sân bay USS Nimitz sẽ tiếp tục ở lại Vùng Vịnh

VOV.VN - Tuyên bố được quyền Bộ trưởng Quốc phòng Miller đưa ra đúng dịp tròn 1 năm vụ không kích của Mỹ sát hại tướng Iran Qasem Soleimani ở Baghdad.

Mỹ khẳng định tàu sân bay USS Nimitz sẽ tiếp tục ở lại Vùng Vịnh

Mỹ khẳng định tàu sân bay USS Nimitz sẽ tiếp tục ở lại Vùng Vịnh

VOV.VN - Tuyên bố được quyền Bộ trưởng Quốc phòng Miller đưa ra đúng dịp tròn 1 năm vụ không kích của Mỹ sát hại tướng Iran Qasem Soleimani ở Baghdad.

Iran cảnh báo Mỹ, Israel không vượt qua “giới hạn đỏ” ở vùng Vịnh
Iran cảnh báo Mỹ, Israel không vượt qua “giới hạn đỏ” ở vùng Vịnh

VOV.VN - Iran hôm qua (28/12) lên tiếng cảnh báo Israel và quân đội Mỹ không vượt qua “giới hạn đỏ” ở vùng Vịnh.

Iran cảnh báo Mỹ, Israel không vượt qua “giới hạn đỏ” ở vùng Vịnh

Iran cảnh báo Mỹ, Israel không vượt qua “giới hạn đỏ” ở vùng Vịnh

VOV.VN - Iran hôm qua (28/12) lên tiếng cảnh báo Israel và quân đội Mỹ không vượt qua “giới hạn đỏ” ở vùng Vịnh.