Síp mới chỉ hoãn được nguy cơ vỡ nợ?
(VOV) - Sự dịch chuyển của các dòng vốn có thể sẽ đẩy nền kinh tế Síp lún sâu hơn vào suy thoái.
Vào đầu tuần này, bộ ba chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thông qua gói cứu trợ trị giá 10 tỷ euro cho Cộng hòa Síp nhằm giúp quốc đảo này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ. Mặc dù vậy, vào thời điểm này, Síp vẫn đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn và nếu Nicosia không nhanh chóng tìm ra các biện pháp hữu hiệu để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, quốc đảo này có thể sẽ rơi vào tình trạng bất ổn về chính trị và xã hội.
Kế hoạch B
Hôm 16/3, bộ ba chủ nợ này đã đạt được thỏa thuận với Chính phủ Síp về việc họ sẽ cấp 10 tỷ euro cho Nicosia để giúp quốc đảo này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ. Đổi lại, Síp đã nhất trí thực hiện một loạt các điều kiện do các chủ nợ này đưa ra, trong đó đáng chú ý có việc đánh thuế đối với tất cả các khoản tiền gửi ngân hàng với mục đích huy động thêm khoảng 5,8 tỷ euro tiền thuế để tài trợ cho các nỗ lực cứu trợ các ngân hàng đang gặp khó khăn.
Nhân viên Ngân hàng Síp phản đối trước tòa nhà Quốc hội (Ảnh Reuters) |
Giải thích về thỏa thuận trên, Tổng thống Síp, Nicos Anastasiades nói rằng việc đánh thuế đối với người gửi tiền là một lựa chọn ít đau đớn đối với đảo quốc đang bị suy thoái kinh tế này. Ông cảnh báo hệ quả của việc cự tuyệt yêu cầu của các nhà tài trợ có thể là Síp sẽ phải ra khỏi Eurozone và đối mặt với việc vỡ nợ.
Thỏa thuận này đã vấp phải phản ứng quyết liệt của người dân ở quốc đảo này bởi vì, Síp là quốc gia đầu tiên trong số 6 nước đang gặp khó khăn ở Eurozone bị áp đặt điều kiện đánh thuế tiền gửi tiết kiệm để đổi lấy khoản cứu trợ. Người dân Síp đã đổ xô tới các cây ATM để rút tiền trong nỗ lực nhằm giảm số thuế mà họ phải trả trên số gửi ở ngân hàng. Trong bối cảnh đó, ngày 19/3, Quốc hội Síp đã bỏ phiếu phủ quyết đề xuất đánh thuế đối với các khoản tiền gửi ngân hàng do Chính phủ đệ trình. Phản ứng trước quyết định này của Quốc hội Síp, ECB đã dọa ngừng bơm tiền cho các "quỹ hỗ trợ thanh toán khẩn cấp" (ELA) – một cơ chế đang giúp duy trì sự tồn tại của các ngân hàng Síp - nếu Nicosia không đạt được thỏa thuận cứu trợ với EU và IMF vào ngày 25/3.
Để giúp Cộng hòa Síp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ, chính quyền của Tổng thống Anastasiades đã nhanh chóng soạn thảo kế hoạch B nhằm huy động 5,8 tỷ euro theo yêu cầu của EU để nhận được cứu trợ. Và hôm 25/3, sau 12 giờ đàm phán căng thẳng, các quan chức của Síp và bộ ba chủ nợ đã đạt được thỏa thuận mới để cứu trợ cho quốc đảo này.
Theo thỏa thuận mới, Ngân hàng Nhân dân Laiki – ngân hàng lớn thứ hai ở quốc đảo này – sẽ bị đóng cửa. Các tài sản lành mạnh của Laiki, bao gồm cả các khoản tiền gửi dưới 100.000 euro, sẽ được Ngân hàng Síp (BoC) - ngân hàng lớn nhất Síp - tiếp quản. Các tài sản chưa được xử lý của Laiki sẽ được chuyển thành “ngân hàng xấu” để xử lý. Các khoản tiền gửi trên 100.000 euro tại cả hai ngân hàng trên, vốn không được đảm bảo theo luật pháp của EU, sẽ bị phong toả và sử dụng để giải quyết nợ của Laiki và tái cơ cấu BoC. Chỉ tính riêng tại Laiki, tổng giá trị của các khoản tiền gửi bị phong tỏa ước tính lên tới 4,2 tỷ euro.
Phía trước vẫn là bờ vực
Phát biểu sau khi thỏa thuận mới được ký kết, Bộ trưởng Tài chính Síp Michael Sarris nói: “Một giai đoạn dài bất ổn và bấp bênh của nền kinh tế Síp đã kết thúc. Tôi tin tưởng rằng chúng ta đã đẩy lui nguy cơ vỡ nợ và chúng ta đã đảm bảo tương lai cho các thế hệ mai sau”.
Tuy nhiên, Ông Sarris cũng nhấn mạnh rằng: “Tôi không nghĩ rằng có ai đó phủ nhận một thực tế rằng người dân Síp sắp trải qua những thời khắc khó khăn và sẽ phải hứng chịu những hậu quả của một giai đoạn mà những quyết định sai lầm đã được đưa ra, chủ yếu ở cấp độ ngân hàng”.
Trên thực tế, mặc dù thỏa thuận giữa Chính phủ Síp và bộ ba chủ nợ đã làm dịu các quan ngại về khả năng quốc đảo này bị vỡ nợ nhưng nó vẫn không giúp gạt bỏ hoàn toàn nguy cơ này. Vào thời điểm này, Nicosia thực sự lo ngại về việc những người gửi tiền đổ xô tới các ngân hàng để rút tiền, có khả năng dẫn tới sự sụp đổ của hệ thống tài chính nước này.
Vì vậy, đêm 25/3, Bộ trưởng Sarris đã quyết định yêu cầu tất cả các ngân hàng của nước này đóng cửa cho đến ngày 28/3, nhằm kiện toàn hệ thống tài chính trong nước trước khi các ngân hàng chính thức mở cửa trở lại.
Chỉ vài giờ trước đó, Ngân hàng Trung ương Síp (CBC) đã tuyên bố toàn bộ các ngân hàng của Síp, trừ hai chủ nợ lớn nhất là Ngân hàng Síp và Laiki, sẽ mở cửa trở lại vào ngày 26/3 sau khi đã ngừng hoạt động từ ngày 16/3.
Trong nỗ lực nhằm hạn chế sự tháo chạy của các dòng tiền, ngày 22/3, Quốc hội Síp đã thông qua hàng loạt các dự luật, trong đó có dự luật trao quyền áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn đối với các ngân hàng cho Chính phủ. Chính phủ Síp dự kiến sẽ hoàn tất việc xây dựng các biện pháp kiểm soát vốn trong ngày 27/3. Tổng thống Anastasiades cho biết CBC sẽ tạm thời áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn của các ngân hàng sau khi mở cửa trở lại.
Về phần mình, hôm 26/3, Thống đốc CBC Panicos Demetriades cho biết các biện pháp kiểm soát vốn đã được áp dụng để ngăn chặn hiện tượng rút vốn ồ ạt sẽ được áp dụng đối với tất cả các ngân hàng ở quốc đảo này. Ông tuyên bố các hạn chế này sẽ chỉ là “tạm thời” nhưng không nói rõ khi nào các biện pháp này sẽ hết hiệu lực.
Người dân Síp rút tiền tại ATM (Ảnh Reuters) |
Trước đó, hôm 16/3, các nhà chức trách Síp đã quyết định đóng cửa các ngân hàng để ngăn chặn hiện tượng rút tiền ồ ạt. Các ngân hàng Laiki và BoC đang giới hạn lượng tiền rút tối đa từ các máy rút tiền tự động (ATM) ở mức 100 euro/ngày. Nhiều khả năng quy định này sẽ vẫn có hiệu lực sau khi các ngân hàng nước này mở cửa trở lại vào ngày 28/3.
Mặc dù ủng hộ việc thực thi các biện pháp trên để hạn chế hiện tượng rút vốn ồ ạt trên nhưng nhiều chuyên gia phân tích lo ngại về hậu quả của các biện pháp này.
Một số người lo ngại việc đóng cửa Laiki và hạn chế sự dịch chuyển của các dòng vốn có thể sẽ đẩy nền kinh tế Síp lún sâu hơn vào suy thoái và làm trầm trọng hóa hơn tình trạng thất nghiệp, đồng thời làm gia tăng tình trạng bất ổn chính trị và xã hội ở quốc đảo này. Trong bối cảnh đó, có thể thấy Síp vẫn chưa thoát khỏi bờ vực của sự bất ổn./.