“Sóng xanh” xóa nhòa “ảo ảnh đỏ”: Kịch bản bầu cử tổng thống Mỹ 2020 có lặp lại?
VOV.VN - Cựu Tổng thống Donald Trump từng viện dẫn “ảo ảnh đỏ” để chứng minh cho những cáo buộc vô căn cứ của ông về gian lận bầu cử năm 2020, trong khi thực tế nó chỉ là một hiện tượng thường gặp trong các kỳ bầu cử tổng thống ở Mỹ.
“Ảo ảnh đỏ” là hiện tượng ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa nắm lợi thế dẫn trước ngay sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa vào đêm bầu cử nhưng bị “sóng xanh” xóa nhòa khi ứng viên của đảng Dân chủ vượt lên sau khi kiểm phiếu bầu qua thư vào buổi tối muộn hoặc trong những ngày sau Ngày bầu cử.
Các khái niệm trên cũng được gọi tên theo màu sắc biểu tượng của mỗi đảng: màu đỏ đại diện cho đảng Cộng hòa và màu xanh đại diện cho đảng Dân chủ.
Cựu Tổng thống Donald Trump từng viện dẫn “ảo ảnh đỏ” để chứng minh cho những cáo buộc vô căn cứ của ông về gian lận bầu cử năm 2020, trong khi thực tế nó chỉ là một hiện tượng thường gặp trong các kỳ bầu cử ở Mỹ.
“Sóng xanh” xóa nhòa “ảo ảnh đỏ” năm 2020
Năm 2020, đến tận nửa đêm của Ngày bầu cử 3/11, kết quả cuối cùng của của cuộc đua giữa ông Donald Trump và ông Joe Biden vẫn còn chưa ngã ngũ.
Kết quả tại 8 bang chủ chốt gồm Arizona, Bắc Carolina, Nevada, Wisconsin, Michigan, Maine, Georgia và Pennsylvania chưa được phân định rõ ràng.
Kết quả ban đầu cho thấy ông Trunp dường như dẫn trước, nhưng những ngày sau đó là màn rượt đuổi vô cùng kịch tính, kết quả thay đổi từng giờ. Tại bang chiến địa Georgia, cho đến tận sáng sớm 6/11, kết quả kiểm phiếu mới bắt đầu cho thấy ông Biden dẫn trước. Lúc này “ảo ảnh đỏ” bắt đầu bị “sóng xanh” xóa nhòa.
Tại thời điểm đó, người dẫn chương trình trên CNN Phil Mattingly đã cung cấp cho khán giả cái gọi là “Bức tường Ma thuật”, ám chỉ số lượng nhỏ phiếu bầu đang được kiểm đếm song lại có tác động rất lớn đến cuộc bầu cử tổng thống đang rất sít sao.
Hãng tin CNN cho hay, họ dự đoán được ông Biden có thể giành chiến thắng chỉ 4 ngày sau cuộc bầu cử. Tuy nhiên, khi đó các cuộc kiểm phiếu vẫn đang tiếp diễn. Các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts nhận thấy quá trình kiểm phiếu tại những nơi ông Biden giành chiến thắng diễn ra lâu hơn so với đối thủ Donald Trump.
Trong khi các hãng tin như CNN có thể đưa ra dự đoán về người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ do sự chênh lệch giữa các ứng viên đã khá rõ ràng, nhưng đó vẫn chưa được coi là kết quả chính thức.
Cuộc đua tranh vào Nhà Trắng chỉ chính thức ngã ngũ khi Ủy ban bầu cử chứng nhận kết quả bầu cử. Hạn chót cho việc chứng nhận kết quả bầu cử có thể tay đổi tùy theo từng bang nhưng hầu hết sẽ là vào ngày 11/12, bao gồm cả việc kiểm lại phiếu nếu cần thiết và giải quyết những tranh cãi liên quan đến số phiếu bầu cho các ứng viên Tổng thống.
“Sóng xanh” tương tự xảy ra năm 2016, nhưng nó không thể thay đổi cục diện cuộc đua giữa ông Trump và bà Hillary Clinton. Phóng viên CNN Marshall Cohen cho hay, khi bà Clinton thừa nhận thất bại trước người dân Mỹ sau ngày bầu cử, bà vẫn bị ông Trump dẫn trước ở số phiếu phổ thông.
Kết quả kiểm toàn bộ phiếu sau đó cho thấy bà Clinton bỏ xa ông Trump tới vài triệu phiếu. Đó là khi “ảo ảnh đỏ” bị “sóng xanh” xóa nhòa. Nhưng điều đó không đủ để bà trở thành chủ nhân của Nhà Trắng khi ông Trump đánh bại bà với tỷ lệ 304 - 227 phiếu đại cử tri.
Lịch sử có lặp lại?
Có một vài dấu hiệu cho thấy năm nay, một số bang chiến trường sẽ có kết quả bầu cử sớm hơn.
Tại Georgia, luật bầu cử mới đã tạo điều kiện cho nhiều cử tri đi bỏ phiếu sớm theo hình thức trực tiếp thay vì qua thư. Điều này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình kiểm phiếu tại các địa điểm bỏ phiếu. Trong khi đó, Bắc Carolina không còn chấp nhận phiếu bầu qua thư nếu chúng đến nơi sau Ngày bầu cử (năm nay là 5/11).
Chia sẻ trong chương trình “Face the Nation” của Đài CBS, quan chức phụ trách bầu cử bang Georgia Brad Raffensperger cho biết ông kỳ vọng đa số các điểm bỏ phiếu sẽ tiến hành phân loại và kiểm đếm phiếu bầu chỉ vài giờ sau khi đóng cửa.
“Tất cả các phiếu bầu sớm, chiếm từ 70-75% tổng số phiếu bầu tại bang sẽ có kết quả vào lúc 20h đêm bầu cử”, ông Raffensperger nói. Tuy nhiên, nếu cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024 tại bang này sít sao hơn năm 2020, khối lượng phiếu bầu được kiểm sớm đó có thể vẫn chưa đủ để kết luận ai là người chiến thắng.
Khi được hỏi liệu có phải mất tới một tuần để xác định người chiến thắng ở bang Georgia hay không, ông Raffensperger khẳng định chắc chắn là không.
“Chúng tôi sẽ chờ đợi số phiều bầu từ nước ngoài gửi về bang, nhưng chúng sẽ không đến không muộn quá ngày 8/11. Đó sẽ là những con số cuối cùng. Chúng tôi chỉ việc xem xét liệu chúng có tạo ra sự khác biệt trong tổng số phiếu bầu đã kiểm hay không”, ông Raffensperger giải thích.
Tại một số bang khác như 2 bang chiến trường Pennsylvania và Wisconsin, các quan chức bầu cử không được xử lý bất cứ phiếu bầu nào trước Ngày Bầu cử. Tuy nhiên, việc kiểm phiếu vẫn có thể diễn ra nhanh hơn do số điểm bỏ phiếu năm nay ít hơn so với thời điểm năm 2020 khi dịch Covid-19 đang hoành hành tại Mỹ.
Tại Michigan, việc xử lý các phiếu bầu tại các điểm bỏ phiếu sớm có thể diễn ra trước ngày bầu cử chính thức. Quan chức phụ trách bầu cử bang này, Jocelyn Benson cho biết bà hy vọng sẽ có được kết quả cuối cùng vào cuối ngày 6/11, tức là ngày sau Ngày Bầu cử.
“Chúng tôi luôn ưu tiên độ chính xác và an ninh hơn là tốc độ và hiệu quả kiểm phiếu”, bà Jocelyn nói thêm.
Nếu cuộc bầu cử tổng thống năm nay quá sít sao, có thể sẽ vẫn mất nhiều ngày mới có kết quả cuối cùng.
Một trong những cuộc bầu cử Tổng thống sít sao và kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ diễn ra vào năm 2000 khi hệ thống bầu cử ở bang Florida xảy ra lỗi tại một số điểm bầu cử khiến cho vài trăm phiếu bầu bị coi là không hợp lệ và gây tranh cãi gay gắt.
Kết quả bầu cử ở bang này gây tranh cãi kéo dài tới 36 ngày cho đến khi Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết dừng kiểm lại một phần số phiếu bầu ở bang này, qua đó giúp ông George W. Bush đánh bại đối thủ Al Gore.
Ông Al Gore trở thành một trong 3 Phó Tổng thống Mỹ chấp nhận thua cuộc sau khi trực tiếp giám sát việc kiểm lại phiếu bầu.